Nguyên tắc sống còn khi đi vào vùng băng giá

  •  
  • 2.040

Hạ thân nhiệt khi trời lạnh giá là một biến chứng nguy hiểm, nếu không xử lý kịp thời, có thể gây ngưng tim, hô hấp dẫn đến tử vong.

Do ảnh hưởng của không khí lạnh, nhiệt độ của miền Bắc xuống thấp, tại vùng núi cao chỉ 2-7 độ C. Các khu vực núi cao ở miền Bắc nhiều khả năng xuất hiện băng giá, sương muối.

Đây là đợt không khí lạnh mạnh nhất từ đầu mùa đông ở miền Bắc. Nhiều người dân các vùng khác do muốn trải nghiệm cái lạnh này nên đã thực hiện các chuyến du lịch lên vùng cao, đặc biệt là để chờ đón tuyết rơi hoặc ngắm băng giá. Tuy nhiên, nếu không chuẩn bị sức khỏe và những kiến thức y tế cho chuyến đi, có thể bạn sẽ gặp nguy hiểm khi đối mặt với không khí lạnh đột ngột.

Hạ thân nhiệt thường xảy ra khi tiếp xúc với điều kiện thời tiết lạnh hoặc nước lạnh.
Hạ thân nhiệt thường xảy ra khi tiếp xúc với điều kiện thời tiết lạnh hoặc nước lạnh.

Về điều này, Đại tá - bác sĩ Phạm Văn Tiến - Trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện 103 cho hay, trời rét đậm, rét hại kết hợp với việc mưa ẩm thấp, sương muối là một trong những nguyên nhân khiến nhiều người mắc bệnh, chủ yếu là các bệnh về đường hô hấp, cảm lạnh. Nguyên nhân là vì khi hít thở, không khí được niêm mạc mũi-họng sưởi ấm, làm ẩm và lọc sạch một phần trước khi đi vào khí quản. Khi thời tiết quá lạnh, niêm mạc mũi - họng không thể sưởi ấm đủ cho luồng không khí như lúc bình thường, không khí hít vào có nhiệt độ thấp làm hệ thống hô hấp hoạt động kém và dễ gây các bệnh mũi - họng, nặng hơn là viêm tai giữa, viêm phế quản, viêm phổi.

Bác sĩ Tiến lưu ý, với người dân sống trong vùng lạnh có thể đã có cơ chế điều hòa thân nhiệt để thích nghi, song với những người không tiếp xúc lạnh thường xuyên có thể xảy ra nhiều biến chứng. Trong đó, nguy hiểm nhất là việc hạ thân nhiệt đột ngột.

Cẩn trọng hạ thân nhiệt

"Nhiệt độ cơ thể ở trạng thái bình thường khoảng 37 độ C. Hạ thân nhiệt xảy ra khi nhiệt độ cơ thể giảm còn dưới 35 độ C. Đây là một cấp cứu y tế xảy ra khi cơ thể mất nhiệt nhanh hơn việc tạo ra, gây ra một nhiệt độ cơ thể thấp nguy hiểm.

Khi nhiệt độ cơ thể hạ xuống, tim, hệ thống thần kinh và các cơ quan khác không thể làm việc một cách chính xác. Nếu không điều trị kịp thời, hạ thân nhiệt có thể dừng hoạt động của tim và hệ hô hấp dẫn đến tử vong", bác sĩ Tiến thông tin.

Hạ thân nhiệt thường xảy ra khi tiếp xúc với điều kiện thời tiết lạnh hoặc nước lạnh. Trong đó, người cao tuổi, trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh, người gầy là những đối tượng có nguy cơ cao. Ngoài ra, các có sử dụng rượu và đi ra thời tiết lạnh cũng có khả năng hạ thân nhiệt. Bác sĩ Tiến lưu ý điều này rất dễ xảy ra bởi nhiều người lầm tưởng khi trời lạnh, uống rượu để làm ấm cơ thể hơn.

"Rượu có thể làm cho cơ thể cảm thấy ấm áp, nhưng nó gây ra giãn các mạch máu hoặc mở rộng, dẫn đến thất thoát nhiệt nhanh hơn từ bề mặt của da", bác sĩ khuyến cáo.

Hạ thân nhiệt rất thường gặp khi tiếp xúc với thời tiết quá lạnh, khi con người chưa kịp thích nghi.
Hạ thân nhiệt rất thường gặp khi tiếp xúc với thời tiết quá lạnh, khi con người chưa kịp thích nghi.

Người bị hạ thân nhiệt thường có biểu hiện run, vụng về, thiếu sự phối hợp, nói líu nhíu, mệt mỏi, lờ đờ, lẫn lộn hoặc mất trí nhớ, nói khó, run, người lạnh toát, mất phối hợp, thở chậm bất thường, nạn nhân có thể rơi vào tình trạng hôn mê. Người bị hạ thân nhiệt cần được cấp cứu khẩn cấp và cần được nhập viện điều trị để tránh các biến chứng xấu.

Đặc biệt, người bị giảm thân nhiệt thường không nhận thức được tình trạng của mình, bởi vì các triệu chứng thường bắt đầu từ từ, khó lường.

Đồng quan điểm, bác sĩ Phan Xuân Trung - Trung tâm Y khoa Medic cũng cho rằng hạ thân nhiệt rất thường gặp khi tiếp xúc với thời tiết quá lạnh, khi con người chưa kịp thích nghi. Nhiều người chỉ đề phòng sốt, song thực tế, hạ thân nhiệt còn nguy hiểm hơn do chúng ta hay chủ quan trong khi nó có những biến chứng rất nghiêm trọng, nhất là việc không có thuốc có sẵn để bệnh nhân "kéo" nhiệt độ lên.

Khi một người bị hạ thân nhiệt, trong khi chờ đợi cấp cứu, cần để người bệnh nằm nơi ấm áp, kín gió, cởi bỏ quần áo ướt, không sử dụng nước nóng, lò sưởi, hoặc đèn sưởi làm ấm nạn nhân mà nên làm ấm từ trung tâm cơ thể. Trong đó, cần bảo vệ phần trung tâm quan trọng nhất là vùng ngực (phổi). Đây là phần cơ thể trao đổi với không khí bên ngoài.

Còn bác sĩ Tiến lưu ý thêm, trong trời lạnh giá, nguyên tắc là phải giữ ấm cơ thể bằng quần áo, khăn, mũ cẩn thận. Ngoài ra có thể làm ấm cơ thể bằng nước gừng tươi, xoa dầu và ăn các đồ nóng. Hạn chế thấp nhất việc ra ngoài. Riêng việc ngắm băng giá, tuyết, tốt nhất không cho người già, trẻ em đi cùng.

Theo Zing
  • 2.040