Nhà máy điện hạt nhân có thể 'chạy' khắp nơi

  •  
  • 2.426

Các lò phản ứng hạt nhân tí hon mang tên Hyperion có khả năng di chuyển đủ khả năng cung cấp điện và sưởi ấm cho khoảng 10 nghìn hộ dân trong nhiều năm. Chúng hoạt động rất linh hoạt, tuyệt đối an toàn và ít cần bảo trì.

Hyperion Power Generation, một công ty cung cấp điện có trụ sở tại bang New Mexico, Mỹ cho rằng trong tương lai, quy trình mua điện có thể diễn ra theo các bước sau: mua, đào hố chôn xuống đất, kết nối với mạng điện và sưởi. Phương án của công ty có thể trở thành hiện thực nhờ một lò phản ứng hạt nhân loại nhỏ do Trung tâm nghiên cứu quốc gia Los Alamos của Mỹ chế tạo.

Lò phản ứng Hyperion chỉ có đường kính vài mét nên người ta có thể vận chuyển nó đến những nơi hẻo lánh nhất. Lò có công suất điện 25 MW, công suất sưởi ấm 70 MW - đủ khả năng cung cấp năng lượng cho 10.000 hộ dân. Lò phản ứng có giá 25 triệu USD. "Chúng tôi muốn sản xuất điện ở khắp nơi trên thế giới với giá 10 xu cho 1 kWh", John Deal, giám đốc Hyperion Power Generation, phát biểu. 

Một nhà máy điện hạt nhân ở bang California, Mỹ. Ảnh: britanica.com.


John đã có hơn 100 đơn đặt hàng, trong đó phần lớn tới từ ngành năng lượng và dầu mỏ. Ông khẳng định lò phản ứng hạt nhân mini có độ an toàn rất cao. Một thảm họa như Chernobyl không thể xảy ra vì lò phản ứng không có những phần chuyển động có thể hư hỏng. Lò dùng uranium hydride làm chất đốt và làm nguội bằng kali. Ngoài ra, Hyperion còn có khả năng tự điều chỉnh. Nguy cơ nóng chảy hạt nhân không thể xảy ra vì lò nhỏ nên nhiệt thừa sẽ bị môi trường xung quanh hấp thụ hoàn toàn.

Nguyên tắc của nhà máy điện nguyên tử này chẳng có gì mới. Nhiều lò phản ứng hạt nhân nhỏ đã được xây tại Nga và Mỹ trong những năm 50 để cung cấp năng lượng cho những vùng hẻo lánh. Người ta xây dựng chúng bằng những kỹ thuật dành cho lò phản ứng hạt nhân của tàu ngầm.

Song để có thể bắt đầu sản xuất hàng loạt lò phản ứng hạt nhân mini, Hyperion Power Generation còn phải chờ kết quả kiểm nghiệm của các cơ quan chức năng Mỹ. Theo thông tin của Hiệp hội hạt nhân thế giới (WNA), Ủy ban quản lý hạt nhân (NRC) có thể cấp giấy phép vào năm 2012.

Theo VnExpress (Spiegel Online)
  • 2.426