Viện khoa học vật liệu quốc gia (NIMS) Nhật Bản đã công bố thành công trong việc phát triển loại vật liệu mới có khả năng khử chất phóng xạ iodine và strontium trong nước nhiễm xạ với hiệu quả cao.
>>> Nhật “cầu cứu” nhà máy xử lý phóng xạ nổi của Nga
Công nhân đang lắp đặt các bể chứa nước nhiễm xạ tại nhà máy Fukushima I. (Nguồn:: AFP)
Viện này sẽ hợp tác với Cơ quan nghiên cứu, phát triển điện hạt nhân Nhật Bản để gấp rút đưa vật liệu mới này vào ứng dụng trong xử lý sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima I.
Vật liệu mới này ở dạng hợp chất điôxit sillic (SiO2) có vô số lỗ với đường kính từ 2-20 nano mét (1 nano mét bằng 1/tỷ mét) và thành bên trong của các lỗ được tráng một lớp hợp chất đặc biệt. Vật liệu mới này có thể hấp thụ chất phóng xạ iodine và strontium bằng cách thay đổi chủng loại các hợp chất.
Theo NIMS, 1 gram vật liệu mới có thể hút 20 miligram iodine hoặc 13 miligram strontium. Nếu quy đổi ra nồng độ strontium 90 trong lò phản ứng hạt nhân thì tương đương với 65 tỷ becquerel.
Các chất khử phóng xạ hiện nay thường hút luôn chất muối giống iodine, chất magnesium và canxi giống strontium, nên hiệu quả khử phóng xạ trong nước biển rất thấp. Vật liệu khử phóng xạ mới sẽ khắc phục được tình trạng này, ngoài ra có thể sử dụng nhiều lần trong khử chất phóng xạ iodine.
Một nhà khoa học trong nhóm nghiên cứu cho biết mỗi ngày có thể sản xuất vài tấn vật liệu mới. Chi phí sản xuất trong phòng thí nghiệm vào khoảng 60-70 yen/1 gram, mức chi phí thấp, nhưng hiệu quả khử chất phóng xạ lại rất cao.