Mới đây, các nhà khoa học ở trường Đại học Aberdeen (Scotland) tuyên bố họ đã tìm ra phương pháp điều trị bệnh trầm cảm hiệu quả.
Đó là phương pháp điều trị bằng xung điện hay còn gọi là liệu pháp choáng điện (ECT), có tác dụng kích thích điện não, tác động đến các vùng não khác nhau.
“Chúng tôi tin rằng chúng tôi đã giải quyết được câu hỏi suốt 70 năm qua”, Bác sĩ tâm thần Ian Reid cho biết.
Liệu pháp ECT sử dụng các điện cực được đặt trên
trán, tạo ra một cơn co giật kéo dài 30-60 giây.
ECT được sử dụng lần đầu tiên vào những năm 1930, bằng cách đặt các điện cực trên trán và đưa dòng điện qua não bộ, tạo ra một cơn co giật kéo dài 30-60 giây. Thời đó, bệnh nhân không được gây mê và phải sử dụng mức điện cao.
Ngày nay, liệu pháp này đã trở nên an toàn hơn khi mà bệnh nhân được gây mê với lượng điện được kiểm soát. Tuy nhiên, quá trình điều trị có thể gây ra những phản ứng phụ như làm giảm trí nhớ trong ngắn hạn và đôi khi là các vấn đề về tim.
ECT là một trong những phương pháp hiệu quả nhất trong tâm thần học, 75 - 85% bệnh nhân có dấu hiệu phục hồi, Reid khẳng định.
Trong nghiên cứu mới, các nhà khoa học đã tiến hành quét não của 9 bệnh nhân bị trầm cảm (trước và sau khi họ áp dụng liệu pháp ECT) bằng cách sử dụng hình ảnh cộng hưởng từ chức năng (fMRI).
Tất cả bệnh nhân này trước đó đã thất bại trong việc điều trị với thuốc chống trầm cảm nhưng lại thành công với ECT.
Tuy nhiên, làm thế nào sự kích thích bằng điện lại dẫn đến những thay đổi trong khả năng kết nối của não bộ vẫn còn là câu hỏi mà các nhà khoa học đang cố gắng trả lời. Ngoài ra, họ cũng chưa tìm ra lý do tại sao ECT điều trị tốt hơn rất nhiều so với thuốc chống trầm cảm.