Nhiên liệu sinh học: Vấn đề nằm ở chính sách

  •  
  • 642

Thiếu những chính sách đồng bộ của Nhà nước là một trong những vấn đề khó khăn trong sự phát triển của ngành liệu sinh học ở Việt Nam, Lưu Quang Thái, Chủ tịch Hội Nhiên liệu Sinh học Việt Nam khẳng định.

Xăng sinh học E5 vẫn chưa thực sự đi vào cuộc sống. (Ảnh: Laodong)
Xăng sinh học E5 vẫn chưa thực sự đi vào cuộc sống. (Ảnh: Laodong)

Nhiên liệu sinh học ngày càng đóng một vai trò quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề về năng lượng và bảo vệ môi trường thế giới. Việt Nam là một quốc gia có tiềm năng rất lớn trong việc phát triển nhiên liệu sinh học do điều kiện thuận lợi về khí hậu, đất đai lẫn giá lao động. Tuy nhiên, hiện nay, mỗi năm Việt Nam vẫn còn xuất thô hàng triệu tấn sắn để nước ngoài sản xuất ethanol. Vì vậy, việc phát triển ngành nhiên liệu sinh học ở nước ta sẽ góp phần giải quyết công ăn việc làm, tiêu thụ nông sản cho nông dân và cả vấn đề nhập siêu…

Tiềm năng và cả lợi ích đều thấy rất rõ, tuy nhiên, việc phát triển ngành nhiên liệu sinh học ở Việt Nam vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn.

Do đặc thù công nghệ, giá thành của nhiên liệu sinh học thường cao hơn và do vậy rất khó cạnh tranh với các nhiên liệu truyền thống. Vì vậy, một trong những giải pháp được hầu hết các nước trên thế giới sản xuất nhiên liệu sinh học là nhà nước có chính sách ưu đãi với các doanh nghiệp sản xuất cũng như hỗ trợ về giá đối với các nhà phân phối. Tuy nhiên, ở Việt Nam, cả hai khâu sản xuất và tiêu thụ đều đang gặp phải những vấn đề nan giải.

Theo ông Lưu Quang Thái, việc đầu tư cho ngành sản xuất nhiên liệu sinh học đòi hỏi một số vốn rất lớn do phải đầu tư nguồn nguyên liệu và trang thiết bị sản xuất rất tốt kém. Số vốn này vượt ngoài sức của khối doanh nghiệp tư nhân trong khi đó, các doanh nghiệp nhà nước thường lại “chuyển động” rất chậm. Chính vì vậy, ngành sản xuất nhiên liệu sinh học ở Việt Nam vẫn chưa phát triển được dù có một tiềm năng rất lớn.

Trong đề án “Phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015 tầm nhìn đến năm 2025” được Chính phủ phê duyệt vào năm 2007 có nêu rõ: “Đổi mới cơ chế, chính sách về thuế, ưu tiên vay vốn và sử dụng đất đai để hỗ trợ, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế đầu tư phát triển sản xuất nhiên liệu sinh học ở Việt Nam”. Tuy nhiên, cho tới nay các chính sách ưu đãi dành cho cho các doanh nghiệp sản xuất vẫn thực sự phát huy tác dụng.

Trong khi đó, các kênh tiêu thụ của các doanh nghiệp sản xuất nhiên liệu sinh học lại không nhiều. Lượng ethanol sản xuất trong nước hiện nay chủ yếu cung cấp cho các nhà phân phối xăng dầu để pha chế xăng E5, còn lại chủ yếu để xuất khẩu, ông Lưu Quang Thái, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đồng Xanh, một trong 3 doanh nghiệp sản xuất nhiên liệu sinh học tại Việt Nam hiện nay cho biết.

Xăng E5 vốn là loại xăng A92 pha với 5% cồn ethanol và được bán chính thức từ năm 2010. Tuy nhiên, cho tới nay người tiêu dùng vẫn thờ ơ với loại xăng này do giá thành dù thấp hơn song không thực sự cạnh tranh với loại xăng truyền thống cộng thêm tâm lý e ngại một cách thiếu hiểu biết của người dân, cho rằng dùng loại xăng này “giết chết” động cơ.

Một nguyên nhân khác khiến sản phẩm nhiên liệu sinh học chưa được tiêu thụ nhiều tại thị trường trong nước, theo ông Thái chính là vì “các kênh phân phối, chủ yếu là các công ty xăng dầu lớn vẫn chưa chuyển động theo kịp, phân phối chậm hơn sản xuất”. Do vậy, xảy ra một nghịch lý là lượng cồn ethanol mà các doanh nghiệp này sản xuất ra chủ yếu lại để xuất khẩu chứ không phải phục vụ cho nhu cầu trong nước.

Vấn đề là cần phải có những chính sách đồng bộ của Nhà nước. (Ảnh: L.V)
Vấn đề là cần phải có những chính sách đồng bộ của Nhà nước. (Ảnh: L.V)

Được biết, hiện tại Bộ Công Thương cũng đã đệ trình lên Chính phủ lộ trình sử dụng nhiên liệu sinh học tại Việt Nam. Theo ông Thái, một khi lộ trình này được phê duyệt thì việc tiêu thụ trong nước sẽ tăng lên rất nhanh, tuy nhiên, bao giờ có quyết định áp dụng chính thức thì vẫn chưa biết.

Như vậy, cả ở khâu đầu tư sản xuất lẫn các kênh tiêu thụ và phân phối sản phẩm nhiên liệu sinh học ở nước ta đều đang gặp những vướng mắc đòi hỏi cần có sự can thiệp của Nhà nước. “Chính sách thì đây đó cũng đã có, tuy nhiên, vấn đề là phải đồng bộ được các chính sách để nhiên liệu sinh học có thể đi vào cuộc sống thì vẫn còn những vướng mắc nhất định”, ông Lưu Quang Thái khẳng định.

Trong bối cảnh việc sản xuất và tiêu thụ nhiên liệu sinh học ở Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn như vậy, việc thành lập một Hiệp hội tập hợp các thành viên gồm các doanh nghiệp sản xuất, nhà phân phối và cơ sở nghiên cứu khoa học sẽ tạo nên một bước đột phá cho ngành nhiên liệu sinh học tại Việt Nam.

Ngày 11/11/2011 đã diễn ra Đại hội thành lập Hiệp hội Nhiên liệu Sinh học Việt Nam. Đây được coi là Hiệp hội thành lập thuộc hàng sớm nhất so với sự hình thành của một ngành công nghiệp mới tại Việt Nam.

Mục tiêu của Hiệp hội là tập hợp các tổ chức và doanh nghiệp hoạt động trong ngành để thúc đẩy sự phát triển của ngành nhiên liệu sinh học Việt Nam, phát huy cao nhất các lợi ích của nhiên liệu sinh học đối với xã hội.

Theo Vietnamnet
  • 642