Thế giới không khoanh tay đứng nhìn giá dầu thô đang tăng chóng mặt và nguồn dầu mỏ đang cạn kiệt. Đã xuất hiện hàng loạt những nhà máy sản xuất nguồn nhiên liệu từ cây mía, hạt cải dầu… để thay thế dầu thô.
Những nhà chế tạo ôtô đang cho xuất xưởng những loại ô tô chạy "xăng mía" hay "xăng rơm". Tại châu Âu, Mỹ, Brazil và Trung Quốc đang bùng nổ cuộc cách mạng công nghệ nhiên liệu sinh học.
Nhân vật điên rồ trong truyện cổ Cuộc phiên lưu của chú Guliwer, người đã tạo ra mặt trời bằng việc vắt nước từ những đống dưa chuột, không còn là chuyện điên rồ xa lạ nữa. Những phép màu nhiệm của người xưa đã biến thành hiện thực.
Các nhà khoa học đã thành công trong việc sản xuất trên phạm vi công nghiệp nhiên liệu từ nguồn dầu thực vật, từ đường mía hay củ cải, từ gỗ vụn, thậm chí từ nguồn rơm, rạ bỏ đi sau thu hoạch. Công nghệ mang tính đột phá này không còn là những thí nghiệm tại các trường đại học, mà nó đã được áp dụng đại trà tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Tại Brazil, taxi không còn chạy xăng mà đều chuyển sang chạy etanol được sản xuất từ mía. Tại Đức và Mỹ, các lái xe đứng xếp hàng chờ mua xăng từ hạt cải dầu. Ở Trung Quốc, đã đưa vào vận hành nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học lớn nhất thế giới, còn tại thành phố Graz (Áo) các xe buýt đều chạy bằng dầu chế tạo từ... món khoai tây rán của nhà hàng McDonald's.
Trong cuộc đua xe ôtô được tổ chức tại Le Mans tháng 6/2005, đoàn xe của Anh đã thi quyết liệt trong suốt 24 tiếng đồng hồ, chỉ dùng nguồn nhiên liệu được sản xuất từ các loại dầu thực vật. Ông Lew Fulton, chuyên gia hàng đầu về nguồn nhiên liệu sinh học, thuộc Tổ chức Năng lượng Quốc tế (IEA) đã nhận xét rằng, sau những cú sốc về sự leo thang của giá dầu thô đã buộc nhiều quốc gia có những đối sách mang tính đột phá trong việc tìm kiếm nguồn nhiên liệu thay thế xăng, dầu truyền thống.
Các nhà đầu tư đã tung tiền ra mua bản quyền và áp dụng những công nghệ mới nhất về sản xuất nhiên liệu từ nguồn thực vật. Tại Mỹ, Brazil và châu Âu, việc sản xuất nguồn nhiên liệu sinh học đang tăng đột biến. Ông Lew Fulton cho rằng năm 2005 là năm đánh dấu sự khởi đầu cuộc cách mạng nhiên liệu xanh.
Cuộc chạy đua sản xuất nhiên liệu sinh học
Nguồn nhiên liệu sinh học là một lĩnh vực mới mẻ. Song trong thực tế, đó là bước trở về cội nguồn. Năm 1900, trong triển lãm về động cơ được tổ chức tại Paris, thủ đô nước Pháp, động cơ gây được nhiều sự quan tâm chú ý và trở thành sản phẩm mới mẻ nhất tại triển lãm chính là động cơ đốt trong chạy bằng… dầu lạc.
Tác giả của nó là nhà chế tạo động cơ nổi tiếng Rudolf Diesel lúc đó đã tiên đoán rằng, nguồn nhiên liệu có nguồn gốc thực vật cũng sẽ quan trọng như nguồn nhiên liệu từ dầu mỏ. Những năm 20 của thế kỷ 20, đại gia ô tô Henry Ford cũng từng tuyên bố rằng, nguồn nhiên liệu từ thực vật, nhất là mía và đậu nành, sẽ thay thế nguồn nhiên liệu lỏng từ dầu mỏ.
Nhưng sau đó, những lời tiên đoán đó bị lãng quên và người ta cho rằng nguồn dầu thô dồi dào với giá rẻ sẽ đủ cung cấp cho nhu cầu của con người trên thế giới ít nhất qua nhiều thập kỷ. Song đến nay, thực tế không còn mấy lạc quan như những gì đã đự đoán, các chuyên gia năng lượng đã cảnh báo rằng, trong năm 2006 ngành khai thác dầu thô sẽ đạt đỉnh điểm, sau đó trữ lượng dầu mỏ sẽ giảm dần và giá dầu thô sẽ tăng.
Minh chứng thuyết phục nhất về những lo ngại về nguồn dầu mỏ cạn kiệt là việc Tổng thống Mỹ George W. Bush tuyên bố trong Hội nghị thượng đỉnh G7 họp trong tháng 6 vừa qua rằng, nguồn nhiên liệu từ đậu nành đang trở thành một khả năng rất khả thi cho Mỹ và thế giới. Trong tháng 7, tổng thống Mỹ đã quyết định gia tăng gấp đôi việc sản xuất etanol cùng với việc các nhà máy lọc dầu tại Mỹ phải trộn etanol vào xăng.
Tại các quốc gia châu Âu cũng đã khởi động cuộc chạy đua xây dựng các nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học. Liên minh châu Âu đã đưa ra quy định trong mỗi lít xăng bán ra phải pha vài phần trăm etanol. Tại Tây Ban Nha, hãng Abengoa đã hoàn tất xây dựng 4 nhà máy sản xuất etanol.
Anh cũng đang tiến hành xây dựng một nhà máy khổng lồ sản xuất nhiên liệu từ thực vật có công suất 100.000 tấn nhiên liệu sinh học. Tại Pháp, chính phủ đã đưa ra kế hoạch gia tăng sản lượng nhiên liệu sinh học gấp 3 lần mức sản lượng hiện nay để thay thế nguồn xăng, dầu truyền thống.
Những ông trùm nhiên liệu mới
Theo các chuyên gia năng lượng, nguồn nhiên liệu mới - còn có tên là "vàng xanh" có thể chiết xuất từ bất cứ cây cỏ gì mọc trên hành tinh chúng ta. Tại 30 quốc gia đang trồng cấy hàng loạt những loại cây công nghiệp ngắn ngày như lạc, vừng, sắn, đậu nành, ngô, mía, kê, cải dầu, khoai tây... có thể chế ra những lít nhiên liệu hoàn toàn thay thế được nguồn xăng, dầu từ dầu thô.
Theo đánh giá của các chuyên gia năng lượng, đây là nguồn nhiên liệu phong phú và vô tận, mà loài nguời không còn bị ám ảnh bởi khủng hoảng nhiên liệu. Brazil đang trở thành ông trùm sản xuất nhiên liệu sinh học - được mệnh danh là "Ảrập Xêút": sản lượng etanol đã chiếm tới trên 30% sản lượng của ngành nhiên liệu lỏng.
Tại quốc gia này đã có trên 90% ôtô, xe máy chạy bằng nhiên liệu sinh học được sản xuất từ cây mía và hạt cải dầu. Các đại gia nhiên liệu như BP, Shell đã có kế hoạch đầu tư vào Brazil 6 tỷ USD để xây dựng những nhà máy sản xuất etanol từ cây mía. Đức cũng đang trở thành ông trùm nguồn nhiên liệu sinh học với sản lượng 1,5 triệu tấn cùng với mức gia tăng sản lượng 50% hàng năm.
Theo dự kiến của chính phủ, thì trong vòng 5 năm tới, sản lượng nhiên liệu sinh học sẽ thay thế khoảng 20% lượng xăng, dầu truyền thống. Chính phủ Ấn Độ và Thái Lan cũng có kế hoạch sản xuất nguồn nhiên liệu sinh học để thay thế 10% nhu cầu về xăng, dầu. Công ty Fortum Oil đang tiến hành xây dựng nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học cho động cơ diesel tại ngoại ô Helsinki, Phần Lan.
Do những khó khăn về điều kiện tự nhiên, nên Nhật Bản chưa tự sản xuất được nguồn nhiên liệu sinh học, song cũng đã nhạy bén ký hợp đồng dài hạn với Brazil để nhập khẩu etanol với giá khá "bèo" - chỉ có 25 USD/thùng (giá dầu thô là 78 USD/thùng), để thay thế 3% số lượng nhập khẩu xăng, dầu truyền thống.
Những đại gia ôtô vào cuộc
Để đón đầu khai thác những nguồn lợi nhuận của kỷ nguyên sinh học mang lại, đại gia ôtô Ford đã tung ra thị trường loại động cơ FFV (Flexible Fuel Vehicle) vừa chạy xăng và vừa chạy etanol. Để không chậm chân, các hãng ôtô General Motor (Mỹ), Peugeot (Pháp) và Volkswagen (Đức) cũng trình làng những loại động cơ ô tô chạy etanol hoặc xăng - etanol hỗn hợp.
Ông Wolgang Steiger, phụ trách phòng nghiên cứu nhiên liệu sinh học, cho biết trong năm 2006 chúng tôi sẽ cho ra mắt loại động cơ ô tô chạy xăng - etanol hỗn hợp theo tỷ lệ 80:20. Các hãng vận tải ôtô cũng đang thay thế dần những loại xe tải chạy xăng để dùng các loại xe chạy dầu thực vật nhằm mục đích tiết kiệm chi phí. Ông Dean Butler, Giám đốc công ty vận tải Plymouth, cho biết nhờ chuyển sang dùng etanol thay xăng, họ đã tiết kiệm được 4.000 funt trong năm vừa qua.
Tương lai trong tầm tay
Theo như nhận xét của các chuyên gia thuộc Tổ chức năng lượng Quốc tế (IEA), công nghệ sản xuất nhiên liệu sinh học thay thế xăng, dầu có những bước tiến bộ hằng ngày. Trong tháng 7/2005, tạp chí Science đã thông báo về phương pháp công nghệ mới cho phép sản xuất 2,2 đơn vị năng lượng từ một đơn vị nguyên liệu thực vật.
Đây là bước tiến có ý nghĩa so với 8 tháng trước đây, khi từ một đơn vị nguyên liệu thực vật chỉ cho 1,4 đơn vị năng lượng. Gần đây, tổ hợp dầu khí Shell cũng đã đầu tư để phát triển công nghệ sản xuất 3.325 lít dầu sunfuel từ 1 hecta cải dầu, so với công nghệ trước đây chỉ cho 1.300 lít dầu.
Ngoài ra Shell còn hợp tác với công ty Iogen của Canada để phát triển công nghệ sản xuất etanol từ nguồn rơm, rạ sau thu hoạch. Dự kiến trong năm 2008 nhà máy theo công nghệ mới này sẽ xuất xưởng 200 nghìn tấn "xăng rơm" cung cấp cho nhu cầu chạy ôtô, xe máy.
"Đây là những tiền đề vững chắc để khẳng định khởi động một cuộc cách mạng trong việc thay thế dần xăng, dầu truyền thống từ dầu mỏ bằng nguồn nhiên liệu sinh học" - đó là lời khẳng định của của ông Lew Fulton. Ông cho biết thêm việc khởi động các chương trình sản xuất nhiên liệu sinh học còn là cơ hội cho các nước châu Phi xoá đói giảm nghèo, vì họ có thể trồng sắn hay mía cho công nghiệp nhiên liệu sinh học để đổi lấy lúa mì và gạo.