Nhiều tỉnh không báo cáo an toàn bức xạ

  •  
  • 732

Gần 30% trong tổng số 1.577 cơ sở được thanh tra trên toàn quốc vi phạm quy định báo cáo định kỳ hàng năm về thực trạng an toàn bức xạ (ATBX) với cơ quan quản lý. Đặc biệt, nhiều địa phương như Bắc Cạn, Lai Châu, Trà Vinh, Hà Nội vi phạm này là xấp xỉ 100%.

>>> Cảnh báo hiểm họa từ chụp X-quang, cộng hưởng từ

Nếu bị chiếu xạ liều cao từ nguồn bức xạ trong một thời gian ngắn sẽ làm ảnh hưởng đến hệ mạch máu, hệ tiêu hoá, hệ thần kinh trung ương. (Ảnh: TL)

Thông tin này được đưa ra tại hội nghị tổng kết thanh tra chuyên đề về an toàn bức xạ, hạt nhân năm 2010 sau 2 tháng tập trung triển khai thanh tra ATBX tại 63 tỉnh thành, do bộ Khoa học công nghệ tổ chức ngày 29.10 tại Hà Nội.

Hơn 1 tỷ đồng xử phạt 195 cơ sở

Ông Trần Minh Dũng (Chánh thanh tra bộ KHCN) cho biết, tổng số cơ sở được thanh tra về ATBX trên toàn quốc là 1.577 cơ sở, trong đó có 1.370 cơ sở sử dụng thiết bị X-quang trong chẩn đoán, khám chữa bệnh (86,8%), 207 cơ sở sử dụng nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ trong sản xuất kinh doanh, nghiên cứu, đào tạo (chiếm 13,2%). Có 10 tỉnh thanh tra được trên 40 cơ sở là Hà Nội (80 cơ sở), Đồng Nai (67 cơ sở), Thanh Hóa (58 cơ sở), Bình Dương (54 cơ sở), Nghệ An (50 cơ sở), Phú Thọ (49 cơ sở), Hải Phòng, Bà Rịa –Vũng Tàu, Tiền Giang, Lâm Đồng.

Đoàn thanh tra đã xử phạt 195 cơ sở vi phạm hành chính với tổng số tiền là 1.249.500.000 đồng. Cụ thể, có 11,7% cơ sở vi phạm quy định về khai báo, xin cấp giấy phép; 8,3% cớ ở vi phạm quy định về kiểm soát liều chiếu xạ; 13,3% cơ sở vi phạm quy định về liều kế cá nhân; 10,2% vi phạm về kiểm định, hiệu chuẩn. Đặc biệt, 19,6% cơ sở vi phạm về chứng chỉ viên bức xạ và 27,6% không báo cáo định kỳ hàng năm về thực trạng an toàn bức xạ với cơ quan quản lý nhà nước về ATBX.

Thiết bị đưa vào sử dụng chưa qua kiểm tra

Ông Dũng cho biết, thực tế có nhiều trường hợp nhân viên bức xạ (vận hành máy X-quang) cùng lúc làm việc cho nhiều cơ sở nhưng chưa có quy định cho đối tượng này trong việc trang bị liều kế, đọc liều và đánh giá liều xạ. Cũng chưa có văn bản nào quy định xử lý cụ thể nhận viên bức xạ không đeo liều kế cá nhân khi làm việc.

Một số cơ sở nhận thiết bị bức xạ nhưng không khai báo, hay làm thủ tục xin cấp phép, nên khi đưa vào sử dụng, cơ quan quản lý không biết. Tình trạng trên là do sự phối hợp giữa thông tin về nhập khẩu, cấp thiết bị giữa ngành y tế, hải quan và khoa học công nghệ chưa kịp thời, ông Dũng lý giải.

Đặc biệt, có những cơ sở sử dụng thiết bị X-quang chẩn đoán y tế trong nhiều năm không có giấy phép tiến hành công việc bức xạ do có khó khăn về kiểm tra chất lượng máy để làm thủ tục cấp (giá kiểm tra máy cao, đơn vị dịch vụ kiểm tra chất lượng máy khất lần do vùng sâu, xa đi lại khó khăn).

Đại diện cục ATBX đề xuất bộ KHCN cần sớm ban hành quy trình đo đạc kiểm tra ATBX để thống nhất khi đoàn thanh tra tiến hành đo đạc thực tế tại phòng chụp cũng như tại nơi đặt nguồn phóng xạ để có kết quả đo đủ tính pháp lý, nhằm xử lý giải quyết khiếu nại, tố cáo. Bên cạnh đó, bổ sung danh mục kiểm tra trong việc thanh tra các cơ sở khai thác sa khoáng có chứa chất phóng xạ, quy định về khám sức khỏe cho nhân viên bức xạ…

8 tỉnh có số tiền phạt cao nhất là Phú Thọ (256 triệu đồng), Hải Phòng (100 triệu đồng), Tp Hồ Chí Minh (77 triệu đồng), Bình Dương (68 triệu đồng), Bạc Liêu (64 triệu đồng), Gia Lai (53,5 triệu đồng), Cà Mau (50 triệu đồng). Trong đó, vi phạm về báo cáo an toàn bức xạ chiếm tỷ lệ cao nhất, đứng thứ 2 là vi phạm về chứng chỉ viên bức xạ, sau tới vi phạm về liều kế cá nhân, khai báo giấy phép…

Theo Việt báo
  • 732