Nhìn lại công nghiệp phần mềm Việt Nam 2006

  •  
  • 124

2006 - năm kết thúc giai đoạn đầu tiên của ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam (2001-2005), công nghiệp phần mềm 2006 để lại ấn tượng gì nổi bật? Sẽ là không đủ nếu chỉ nói đến sự phát triển vốn đã được dự đoán trước.

Nhìn lại, thấy điểm yếu để tìm hướng phát triển cùng những chuyên gia, lãnh đạo doanh nghiệp trong ngành công nghiệp phần mềm này là điều chúng tôi muốn cùng bạn đọc trao đổi…

Công nghiệp phần mềm 2006 - Phát triển nhưng chưa ấn tượng!

Sự đầu tư lớn của Intel, quỹ đầu tư mạo hiểm 100 triệu USD từ IDG, chuyến thăm của chủ tịch tập đoàn Microsoft Bill Gates tới Việt Nam cùng việc thu hút nhiều đầu tư nước ngoài khác là tín hiệu vui chung của cả ngành CNTT trong một năm hội nhập. Ngành phần mềm cũng đã có những sự phát triển trông thấy được.

Số lượng doanh nghiệp phần mềm tăng lên đáng kể đạt con số hơn 2.000, nhân lực làm việc trong doanh nghiệp phần mềm cũng tăng lên không ngừng tới con số ước đoán là 25.000. Các khu công nghiệp phần mềm tập trung cũng đã được thành lập với những nỗ lực riêng.

Nhưng, một nền công nghiệp phần mềm không chỉ được xây dựng bởi số ít những doanh nghiệp lớn. Nói gì thì nói, qui mô đa phần Doanh nghiệp Việt nam là vừa và nhỏ còn đang rất khó khẳng định mình. Tăng trưởng 30%, doanh thu 300 triệu USD được thống kê từ Hiệp hội phần mềm Việt Nam Vinasa cũng chưa đạt mục tiêu đề ra; chưa xứng với một ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam được kì vọng, được chờ đợi đột phá.

Công nghiệp phần mềm Việt Nam 2006

Tốc độ phát triển 30%
300 triệu USD doanh thu
90 triệu USD - xuất khẩu
3 thị trường chính: Bắc Mỹ, Nhật, châu Âu

700/2000 doanh nghiệp thực sự sản xuất và làm dịch vụ
25.000 người làm việc trong các doanh nghiệp phần mềm

(Nguồn: Vinasa)

Nói thẳng thắn như ông Phạm Thúc Trương Lương, TGĐ công ty công nghệ tin học Tinh Vân thì thực sự không có ấn tượng gì lắm với ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam năm 2006. Ông Lương cho rằng: “ở trong một giai đoạn tất cả các ngành khác cũng phát triển rất là nóng thì công nghiệp phần mềm năm 2006 không tạo ra được một cuộc cách mạng hay là ấn tượng mặc dù sự phát triển của nó là có. Chúng ta có thể nhìn thấy nhiều ngành còn phát triển hơn rất là nhiều”.

Còn dưới góc độ doanh nghiệp mình, ông Trần Lương Sơn, Tổng Giám đốc VietSoftware, thừa nhận, năm 2006 là một năm rất khó khăn đối với công ty VietSoftware. Ông Sơn nhận định đó cũng là tình hình chung của nền công nghiệp phần mềm Việt Nam: “Có thể nói là rất nhiều công ty đã hy vọng vào các bên, các nhà chi tiêu lớn về CNTT mà đặc biệt là chính phủ, doanh nghiệp thì chưa có nhiều thế nên là nhiều công ty kì vọng vào đó thì đã bị thất vọng trong năm 2006.

Gia công phần mềm - hướng đi tối ưu?

Giai đoạn được cho là khởi đầu của ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam 2000-2005 đã qua với những thành công nền tảng đáng nói như Hiệp hội CNTT Nhật JISA xếp hạng 4 trong số các quốc gia trên thế giới mà doanh nghiệp Nhật muốn hợp tác gia công phần mềm và được tổ chức Kearney của Mỹ xếp hạng 20 trong số 25 quốc gia có sức hấp dẫn nhất về công nghiệp phần mềm và dịch vụ. Các công ty của Nhật như Hitachi, NEC, Fujitsu... cũng đã đặt gia công phần mềm hoặc đầu tư trực tiếp mở cơ sở sản xuất phần mềm tại Việt Nam.

Phát triển và tập trung cho gia công phần mềm nước ngoài được xem là một lĩnh vực đã đóng góp rất lớn cho vị trí của Việt Nam trên bản đồ CNTT thế giới. Nhưng, có lẽ, chính những thành công trong lĩnh vực gia công phần mềm đã khiến thị trường trong nước thực sự chưa phát triển như mong muốn. Và nhiều Doanh nghiệp đã đặt ra vấn đề: chỉ tập trung cho gia công phần mềm như hiện nay thì chưa thể hoàn thiện một ngành công nghiệp phần mềm thực sự. Cần có những hướng đi mới hơn bên cạnh thế mạnh này.

Ông Ngô Hùng Phương, Tổng Giám đốc FCG Việt Nam: Hiện tại Việt Nam mình đã qua cái giai đoạn chứng minh mình có thể làm được những phần mềm chất lượng cao, thoả mãn những nhu cầu của khách hàng ở nước ngoài nhưng mà bây giờ mình phải chứng minh chẳng những mình đạt được cái yêu cầu đó mà mình còn có đủ cái nguồn nhân lực để đáp ứng được cái yêu cầu càng ngày càng cao của khách hàng.

Ông Phạm Thúc Trương Lương, TGĐ công ty công nghệ tin học Tinh Vân: Đã gọi là một ngành công nghiệp thì nó nên đa dạng, đương nhiên, nếu như là một ngành công nghiệp hay nông nghiệp mà chúng ta chỉ trồng một loại cây thôi thì chỉ một yếu tố bất lợi về thị trường hay thời tiết cũng khiến chúng ta lao đao. Cũng như là cây điều hay cà phê, tôi không nghĩ là một ngành phần mềm mà chúng ta có thể focus, chúng ta có thể tập trung vào một hướng duy nhất là thị trường Nhật Bản hay là hướng gia công.

Thị trường phần mềm trong nước - Thiếu gì?

Câu hỏi này đã được chúng tôi cùng đưa ra với các chuyên gia CNTT Việt Nam, nước ngoài và nhiều lãnh đạo doanh nghiệp và câu trả lời của họ được đưa ra không mấy khó khăn.

Ông Nguyễn Long, Tổng Thư ký Hội Tin học Việt Nam: Chúng ta thiếu những số liệu chính xác để phát triển công nghiệp phần mềm như thế nào ở tất cả các lĩnh vực quốc tế chẳng hạn như nhà thầu phụ cho các dự án lớn, hoặc là tham gia vào các dự án của các thương hiệu nổi tiếng thế giới hoặc là làm phần mềm ở trong nước. Chính bởi vậy, hiện nay chúng ta không đánh giá được chúng ta đang ở đâu và định hướng như thế nào và điều đó cũng gây khó khăn cho môi trường và định hướng phát triển.

Ông Phạm Thúc Trương Lương, TGĐ công ty công nghệ tin học Tinh Vân: Ngoài giới hạn về năng lực của các công ty trong nước thì chính cái giới hạn về tiếp nhận và khả năng đọc đầu bài của khách hàng, của những người bỏ tiền ra mua sản phẩm công nghệ cũng là một cái khó và cái số người dùng cũng là một vấn đề nữa.

Ông Trần Lương Sơn, Tổng Giám đốc VietSoftware: Các công ty phàn nàn là thiếu nguồn nhân lực, vừa cả về số lượng, vừa cả về chất lượng nó rất là phổ biến. Nhưng chúng ta lại chưa có một câu trả lời cho cái việc này. Chẳng hạn như là cái hệ thống Đại học đào tạo ra chưa sẵn sàng cho doanh nghiệp, hay là hệ thống ngoài đại học thì đào tạo ra số lượng cũng có thể là nhiều nhưng về mặt chất lượng lại không tốt.

Chiến lược để đột phá - việc cần làm ngay

Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc đều thành công vì đã tận dụng được cơ hội, mở được lối đi riêng. Có một định hướng, chiến lược riêng, thích hợp với mình mới là điều quyết định liệu Việt Nam có thể trở thành 1 trung tâm của thế giới trong sản xuất, cung ứng dịch vụ phần mềm và "sản xuất", cung ứng nhân lực CNTT quốc tế hay không?

Tuy nhiên, để tìm ra một chiến lược cho cả một ngành công nghiệp phần mềm thì không phải là việc một tổ chức, một cá nhân nào có thể định ra. Nó cần sự đóng góp chung từ nhiều phía: hoạch định chính sách, doanh nghiệp, đối tác... Và điều quan trọng, con người vẫn là then chốt.

Đào tạo không bao giờ thừa, và việc đào tạo ấy làm sao phải hướng cho các bạn trẻ bắt đầu công việc được luôn và công việc ấy không phải là công việc nội địa. CNTT là toàn cầu và bạn làm việc ở Việt Nam thì bạn phải làm việc được ở quốc tế và ngược lại. Nếu như chỉ có một điều để nói cho phát triển ngành công nghiệp này thì tôi nghĩ là cần phải phát triển nguồn nhân lực”, ông Trần Lương Sơn, Tổng Giám đốc công ty VietSoftware nhấn mạnh.

Ông Phạm Thúc Trương Lương, TGĐ công ty Công nghệ tin học Tinh Vân thì góp ý: Các chính sách ở đây nó phải là ở mức qui mô, ở mức sâu hơn. Ví dụ như chính sách về đào tạo nguồn nhân lực, chính sách tạo ra một thị trường ít có sự xâm hại về bản quyền, thì tôi nghĩ đó là những chính sách có thể đóng góp ở góc độ không trực tiếp nhưng lại có giá trị lớn hơn với các công ty phần mềm.

Còn dưới góc nhìn của một nhà lãnh đạo tập đoàn lớn, ông Nick Donofrio, Phó Tổng Giám đốc tập đoàn IBM đưa ra lời khuyên: Kỉ luật, làm việc khoa học, tôn trọng luật pháp quốc tế, tăng cường kỹ năng và khả năng quản lý. Những điều đó cộng với những kỹ năng công nghệ thông tin, kiến thức về phần mềm sẽ giúp tạo ra những cơ hội khẳng định mình tốt đến khó tin cho Việt Nam. Đó không chỉ là những điều lưu ý chung cho một khu vực nào trên thế giới, ở ASEAN mà đó là những điều quan trọng để chứng minh được vai trò của mình trong một thế giới rộng lớn đang xích lại gần nhau.

Sự ổn định và phát triển của một ngành công nghiệp có thể được phản ánh qua tốc độ tăng trưởng hoặc doanh thu. Nhưng, quan trọng hơn, chính định hướng và chiến lược mới thể hiện được sức mạnh của một ngành công nghiệp phần mềm thực sự. Một năm 2006 có thể chưa thực sự đột phá của ngành công nghiệp phần mềm nhưng trong guồng quay chung của hội nhập, ngành phần mềm Việt Nam đang có những cơ hội chưa từng có. Một chiến lược để không bỏ lỡ cơ hội là việc cần làm ngay trong năm mới này...

Theo Tuổi Trẻ Online
  • 124