Trong các cuộc họp hoặc buổi học, vẽ linh tinh là hành vi không được khuyến khích. Nhưng một nhóm chuyên gia khẳng định việc làm đó có thể giúp chúng ta nhớ những chi tiết của một bài thuyết trình tẻ nhạt.
Hội đồng nghiên cứu y khoa của Đại học Cambridge (Anh) tuyển mộ 40 tình nguyện viên tham gia một thử nghiệm về hành vi vẽ nguệch ngoạc. Tất cả tình nguyện viên đều có chỉ số thông minh cao. Các nhà khoa học cho họ nghe một bài phát biểu có thời lượng 2,5 phút. Nhóm nghiên cứu yêu cầu 20 tình nguyện viên vẽ linh tinh trong lúc nghe.
Sau khi đoạn băng kết thúc, tình nguyện viên phải liệt kê tên người và tên địa danh được nhắc tới trong bài nói chuyện. Tính trung bình thì số tên người mà nhóm vẽ nguệch ngoạc nhớ được là 7,5, trong khi con số đó ở nhóm không vẽ là 5,8.
“Khi phải làm một công việc buồn tẻ, như nghe một bài giảng nhạt nhẽo hoặc tham gia một cuộc họp mang tính hình thức, chúng ta có thể ngủ gật. Trạng thái mơ màng khiến chúng ta không thể tập trung vào nội dung chính của sự kiện nên không thể nhớ chi tiết. Một hành động đơn giản, như vẽ linh tinh ra giấy, có thể ngăn chặn tình trạng mơ màng và giúp chúng ta tập trung vào nhiệm vụ chính”, Jackie Andrade, giáo sư tâm lý của Đại học Plymouth (Anh), giải thích.