Nhựa cánh kiến (Shellac)

  •   2,86
  • 21.146

Ở Việt nam, nhựa cánh kiến được dùng để nhuộm răng, nhưng tại một số quốc gia trong vùng như Ấn độ và Thái lan, việc sản xuất nhựa cánh kiến để xuất cảng từ mấy ngàn năm đã là một công nghệ mang lại nhiều mối lợi lớn.

Bọ cánh kiến:

Có khoảng 2000 loại côn trùng vỏ cứng như vảy cá, tạm gọi là bọ cánh kiến (Laccifer Lacca hay Coccus Lacca), dài từ 1mm đến hơn 2,5 cm, sống ký sinh trên các loại cây thích hợp với chúng như các loại cây đậu chiều, cây cọ sen, cây chèo ở miền Bắc nước ta, tạo ra chất nhựa "lac". Người ta cạo lớp nhựa này (và cả các côn trùng tạo ra nhựa) để chế tạo ra nhựa cánh kiến. Cần khoảng 300.000 côn trùng mới chế ra được 1 kg nhựa cách kiến.

Bọ cách kiến có một đời sống tương đối ngắn, gồm bốn giai đoạn: trứng, sâu, kén (hay nhộng) và trưởng thành làm bọ. Kiếp sống rất phù du, chỉ kéo dài từ 5 đến 6 tháng. Thành ra những nơi nuôi bọ lấy nhựa có thể thu hoạch hai lần trong một năm. Bọ cánh kiến sống ký sinh, bám vào một nhánh nhỏ trên cây, và nằm ở đó hầu như bất động. Bọ cái có thể đẻ khoảng 100 trứng trong cái bọc mang trên mình. Trứng nở ra sâu, dài khoảng 0,5 mm, cắn vỡ bọc, bò ra ngoài, và bám chặt vào một nhánh cây.  Miệng sâu có một cơ phận dài giúp sâu thọc xuyên qua vỏ cây, và hút nhựa để tự nuôi sống. 

Thân sâu từ từ tiết ra một chất sệt, chất này đông cứng lại khi ra gió, càng ngày càng dày, tạo thành một tấm giáp nhựa che chở cho sâu. Sâu thành kén, sống trong lớp giáp nhựa này, chỉ chừa hai lỗ, một để thở và một để bài tiết. Rồi kén thành bọ, vẫn bất động cho đến khi trưởng thành, trong khoảng thời gian tổng cộng là tám tuần. Ðến lúc đó, bọ cánh kiến cái vẫn bất động, nằm trong lớp giáp nhựa, và bắt đầu có trứng. Việc sản xuất nhựa được tăng nhanh hơn, và lớp giáp được trải ra lớn hơn để chứa số lượng trứng đang được tạo thành. Trong khi đó con đực thoát xác, mất đi cơ phận hút nhựa trong miệng, mọc chân, ăng ten và hai cánh nhỏ.  Nhờ đó bọ cánh kiến đực có thể di chuyển để phủ bọ cái cho trứng có trống. Sau đó, bọ cái thu mình nhỏ lại để ánh sáng lọt qua lớp giáp nhựa, và trứng nở thành sâu, mở lại một chu kỳ mới. Trong buồng trứng có một chất lỏng màu đỏ sẫm gọi là phẩm nhuộm cánh kiến, giống như "cochineal", thường dùng để cho màu thực phẩm. Những nơi nuôi bọ cánh kiến đợi đến lúc trứng sắp nở mới cào các nhánh cây có bọ để lấy nhựa. Chỉ một số ít bọ cái có trứng được giữ lại để làm giống cho lớp sau. Sau khi đã để được sâu cánh kiến lên các cây thích hợp thì không cần chăm sóc gì nữa. Chỉ đợi đến mùa là thu hoạch.

Nhựa cánh kiến:

Laccifer lacca

Nhựa cánh kiến khi mới vừa được cào khỏi các nhánh cây chứa nhựa lấy từ giáp nhựa của bọ, còn chứa thêm xác các con bọ, vỏ cây, màu của nhựa... được gọi là nhựa thô (crude lac, hay theo tiếng trong nghề là sticklac) và rất ẩm.  Người gây nuôi phải hong hay phơi cho khô trước khi  đem ra chợ làng bày bán cho các người đi thu mua của các hãng xưởng chế tạo nhựa.  Ở xưởng, người ta đập dập hay giã nát nhựa thô ra,  rửa và lọc lại để loại bỏ đất cát, xác bọ, vỏ cây...  Sau đó, quạt và hong khô lại để nhựa kết thành vảy, màu từ đỏ sẫm đến vàng lợt, gọi là nhựa giống, hay "Seedlac."  Seedlac chứa từ 70 đến 90% nhựa và 3 đến 4% sáp.  Người ta pha chế Seedlac để làm thành nhựa cách kiến, "Shelllac". Cách pha chế tùy theo chỗ. Trong suốt quá trình chế tạo, có thể dùng máy móc, hay chỉ dùng tay, tùy theo trang bị của hãng xưởng. Nhựa shellac loại tốt nhất màu vàng nhạt, rồi đến loại màu da cam sẫm, đến loại màu nâu nâu. Ðôi khi người ta thêm hóa chất vào, cho nhựa thành màu hơi trắng gọi là white lac.

Ứng dụng của nhựa cánh kiến:

Ðĩa hát

Người ta đã biết dùng nhựa cánh kiến từ xưa. Riêng ở Việt Nam, theo bác sĩ Hồ Ðắc Duy, người miền Bắc đã dùng nhựa cánh kiến để nhuộm răng. Màu đỏ các tấm thảm sặc sỡ, sản xuất ở Ba Tư (Persse) hay Ấn độ đều được nhuộm với nhựa cánh kiến. Cuối thế kỷ 19, các đĩa hát 78 vòng/phút dùng với loại máy hát lên dây thiều "La voix de son maître " (có hình con chó ngồi bên ống loa) được chế tạo với nhựa cánh kiến. Ở Việt Nam đến các thập niên 1950, 1960 vẫn còn dùng các loại đĩa này và thường do hãng Asia phát hành (nhất là Vọng cổ). 

Nhựa cánh kiến bán trên thị trường:

Người ta còn dùng nhựa cánh kiến để làm phẩm màu, nhuộm thức ăn, tráng bóng trái cây, hột cà phê và một số loại hột khác. Nhựa cánh kiến cũng được dùng để pha màu sơn và vẹc ni các loại và dùng trong keo xịt tóc. Trong kỹ nghệ, người ta dùng nhựa cánh kiến để làm nón nỉ, feutre có pha chút nhựa cánh liến sẽ cứng và đứng hẳn lên, làm keo gắn kín các miếng ron (joints hay gaskets), làm loại sáp làm kín, làm mực in, để tráng lên mặt sau các lá bài có tiêu chuẩn cao, và dùng shellac trắng, pha chế với các chất hóa học khác làm chất sáp đánh bóng sàn nhà. Trong y khoa, người ta dùng nhựa cánh kiến trong việc chế tạo các khuôn làm răng giả, và làm lớp tráng bên trong các bình dùng trữ nước tiểu trong 24 giờ để thử nghiệm, nhất là dành cho người bị bệnh tiểu đường.

Sự sản xuất nhựa cánh kiến:

Bọ cánh kiến được gây nuôi ở Ấn Độ trong các tỉnh bang Bihar, Madhya Pradesh, Tây Bengal, Maharashtra cùng Orissa và một số khu vực trong xứ Thái Lan. Các loại cây dùng để cho bọ cánh kiến sống ký sinh là các loại cây Palas, Kusum và Ber ở Ấn độ. Ở Thái Lan, bọ được nuôi trên các loại cây mọc mạnh trong vùng có mưa theo gió mùa. Trong thời gian giữa hai năm 1956,1957 riêng Ấn độ đã xuất cảng đến 43.000 tấn nhựa cánh kiến. Nhưng khi người ta bắt đầu chế tạo nhựa nhân tạo (plastique), dùng trong việc sản xuất dĩa hát microsillons (45 hay 33,3 vòng/phút) và nhất là trong các loại phẩm nhuộm nhân tạo, nhựa cánh kiến mất dần công dụng.  Ðến năm 1989 thị trường nhựa cánh kiến sa sút rất nhiều, hầu như không còn gì. Nhưng  khi phát hiện các hóa phẩm nhân tạo dùng thay cho nhựa cánh kiến có chất độc, nhựa cánh kiến, vốn bền và không độc, đã được hồi sinh

Trong thời gian giữa hai năm 1995 và 1996, Ấn độ đã xuất cảng được gần 9 000 tấn nhựa cánh kiến. Hoa kỳ mua 3 000 tấn, Cộng hòa Liên Bang Ðức mua 1 500 tấn, Nam dương nhập cảng hơn 1 300 tấn, Canada nhập cảng 500 tấn, Nhật bản 190 tấn, Tân gia ba mua 95 tấn, Pháp 60 tấn, và Nga cùng Úc, mỗi nước mua trên 50 tấn. Tiền thu được khoảng 34 triệu Mỹ kim. Gây nuôi nhựa cánh kiến chỉ khó lúc thu trứng để gầy giống cho đợt sau, sau đó không cần phải chăm sóc các con bọ cánh kiến. Riêng ở Việt Nam, khéo tổ chức, sẽ tạo ra công ăn việc làm cho nông dân giữa những mùa lúa, nâng cao thu nhập cho người dân, mà không cần phải xuất vốn nhiều. Không biết người nông dân miền Bắc nghĩ sao?

Theo Vietsciences
  • 2,86
  • 21.146