Những ai không nên tiêm vắc xin Covid-19 của AstraZeneca?

  •  
  • 1.245

Những người có tiền sử phản ứng dị ứng nặng với bất cứ thành phần nào của vắc xin thì không nên tiêm. Vắc xin này cũng không khuyến cáo dùng cho người dưới 18 tuổi.

117.000 liều vắc xin Covid-19 đầu tiên của AstraZeneca đã được nhập về Việt Nam. Vắc xin này đang trải qua công đoạn kiểm định cuối cùng trước khi được tiêm. Cuối tuần, Bộ Y tế sẽ tổ chức hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành tại hơn 700 điểm cầu về triển khai kế hoạch tiêm chủng vắc xin Covid-19.

PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, trước khi tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 hay bất kỳ một loại vắc xin nào, đối tượng tiêm chủng sẽ được cán bộ y tế khám sàng lọc và chỉ định tiêm chủng khi đủ điều kiện về sức khỏe.


117.000 liều vắc xin Covid-19 đầu tiên của AstraZeneca đã được nhập về Việt Nam.

Những trường hợp bị sốt hay có nhiễm trùng cấp tính... sẽ phải hoãn tiêm. Đáp ứng miễn dịch sẽ đạt hiệu quả tốt nhất nếu sức khỏe của đối tượng tiêm chủng bình thường. Vì vậy khi đi tiêm chủng, người dân cần phối hợp với cán bộ y tế chủ động thông báo về tình trạng sức khỏe hiện tại.

Theo PGS Hồng, vắc xin cũng như thuốc, khi sử dụng cũng sẽ có phản ứng không mong muốn bao gồm phản ứng thông thường và tai biến nặng sau tiêm chủng. Theo thông tin cập nhật của Tổ chức Y tế thế giới ngày 23.2, sau tiêm ngừa vắc xin phòng Covid-19 của AstraZeneca các phản ứng thường gặp với tỷ lệ >10% như đau đầu, buồn nôn, đau cơ, đau khớp, đau tại chỗ tiêm, mệt mỏi, khó chịu, sốt trên 38 độ C.

Phản ứng tại chỗ như sưng tấy, ban đỏ tại chỗ tiêm chiếm 1- <10 %. Tuy nhiên các phản ứng sau tiêm chủng thường gặp được báo cáo theo kết quả thử nghiệm lâm sàng ở Brazil, Nam Phi, Anh thì tỷ lệ phản ứng còn có thể cao hơn.

Nhóm chuyên gia tư vấn chiến lược (SAGE) về tiêm chủng của Tổ chức Y tế Thế giới đã đưa ra khuyến cáo tạm thời về việc sử dụng vắc xin Covid-19 của Oxford/AstraZeneca.

Những trường hợp bị sốt hay có nhiễm trùng cấp tính... sẽ phải hoãn tiêm.
Những trường hợp bị sốt hay có nhiễm trùng cấp tính... sẽ phải hoãn tiêm.

Theo đó, trong khi nguồn cung ứng vắc xin còn hạn chế, khuyến cáo đưa ra là cần ưu tiên tiêm phòng cho cán bộ y tế là những người có nguy cơ cao phơi nhiễm bệnh và người cao tuổi, bao gồm những người từ 65 tuổi trở lên. Nhóm ưu tiên tiếp theo là những người có bệnh lý nền do họ được xác định là có nguy cơ mắc Covid-19 nặng hơn, trong đó có các bệnh như béo phì, bệnh tim mạch, bệnh hô hấp và đái tháo đường.

Những ai được khuyến cáo không tiêm vắc xin này?

  • Những người có tiền sử có phản ứng dị ứng nặng với bất cứ thành phần nào của vắc xin thì không nên tiêm.
  • Vắc xin này cũng không khuyến cáo dùng cho người dưới 18 tuổi nhưng còn phải chờ kết quả của các nghiên cứu tiếp theo.

Phụ nữ mang thai có cần phải tiêm phòng?

Việc mang thai khiến cho bà mẹ có nguy cơ bị Covid-19 nặng hơn nhưng hiện tại có rất ít số liệu đánh giá tính an toàn của vắc xin trong thời kỳ mang thai. Phụ nữ mang thai có thể được tiêm phòng vắc xin nếu lợi ích của việc tiêm phòng ở phụ nữ mang thai lớn hơn nguy cơ tiềm ẩn do vắc xin.

Vì lý do này, phụ nữ mang thai có nguy cơ cao phối nhiễm với virus SARS-CoV-2 (ví dụ, cán bộ y tế) hoặc người mắc bệnh nền tăng nguy cơ mắc bệnh nặng, có thể được tiêm vắc xin phòng bệnh sau khi được cán bộ y tế tư vấn.

Vắc xin có an toàn không?

Ủy ban Tư vấn Toàn cầu về An toàn Vắc xin - là một nhóm các chuyên gia cung cấp hướng dẫn độc lập và có cơ sở khoa học chặt chẽ cho WHO về chủ đề sử dụng vắc xin an toàn - đã nhận và đánh giá các báo cáo về các sự cố về tính an toàn nghi ngờ có khả năng gây ảnh hưởng quốc tế.

Theo khuyến nghị của SAGE, WHO đã duyệt đưa hai phiên bản vắc xin AstraZeneca/Oxford Covid-19 vào danh sách sử dụng khẩn cấp vào ngày 15/2/2021, cho phép vắc xin này được triển khai trên toàn cầu thông qua cơ chế COVAX. Vắc xin này do AstraZeneca-SK Bioscience (Hàn Quốc) và Viện Huyết thanh của Ấn Độ sản xuất.

Bộ Y tế Việt Nam cũng đã phê duyệt có điều kiện đối với vắc xin này để sử dụng khẩn cấp trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 vào ngày 1/2/2021.

Vắc xin có hiệu lực như thế nào?

Vắc xin có hiệu lực 63,09% trên những người nhiễm SARS-CoV-2 có triệu chứng.

Khoảng cách giữa các liều dài hơn trong khoảng thời gian từ 8 đến 12 tuần có liên quan đến hiệu quả vắc xin cao hơn.

Vắc xin có phòng ngừa được việc mắc và lây truyền bệnh?

Chưa có nhiều số liệu về tác động của vắc xin này đối với việc lây truyền hay phóng thích virus.

Trong thời gian này, chúng ta cần duy trì và tăng cường các biện pháp y tế công cộng đã được chứng minh hiệu quả: đeo khẩu trang, giữ khoảng cách tiếp xúc, rửa tay, vệ sinh hô hấp và ho, tránh nơi đông người, và đảm bảo thông thoáng khí.

Cập nhật: 05/03/2021 Theo Dân Trí
  • 1.245