Những biến đổi của cơ thể người sau khi bị sét đánh

  •   3,73
  • 6.069

Sét đánh có thể khiến hệ thống điện trong cơ thể người bị xáo trộn, làm thay đổi nhân cách, tâm trạng, gây mất trí nhớ.

Theo Science Alert, tỷ lệ một người bị sét đánh trong suốt cuộc đời tương đối nhỏ, bằng khoảng 1/12.000. Trong gần 500 người bị sét đánh mỗi năm trên toàn thế giới, 90% nạn nhân sống sót.

Nguyên nhân hình thành sét

Theo các nhà khoa học, những phần tử băng đá va chạm với nhau bên trong đám mây, gây ra sự dư thừa điện tích âm, tập trung ở phần dưới cùng của đám mây. Sự tích điện này rất mạnh mẽ, đẩy các hạt electron mang điện tích âm ở trên mặt đất, khiến mặt đất tích điện dương.

Sự phóng điện giữa đám mây và mặt đất tích điện trái dấu nhau tạo ra tia sét.
Sự phóng điện giữa đám mây và mặt đất tích điện trái dấu nhau tạo ra tia sét. (Ảnh: Flickr).

Khi điện trường giữa đám mây và mặt đất đủ mạnh sẽ xảy ra hiện tượng phóng điện. Tia sét di chuyển với vận tốc gần 300.000km/h, phóng xuống mặt đất ở mức năng lượng 300 kV. Năng lượng tạo ra thậm chí lớn hơn sức mạnh của một lò phản ứng hạt nhân. Sét đánh xuống đất hình thành một dải plasma ngoằn ngoèo, có màu trắng xanh phát sáng trên bầu trời.

3 mili giây sau khi bị sét đánh

Tia sét tác động vào cơ thể người trong 3 mili giây cũng đủ gây ra nhiều tác hại khủng khiếp. Sét đánh và thoát ra khỏi cơ thể để lại những vết thương sâu, thường đi kèm với bỏng độ ba.

Tóc và quần áo nạn nhân có thể bị cháy sém hoặc bắt lửa. Quần áo thậm chí rách tả tơi do sức mạnh giãn nở của không khí xung quanh tia sét, khi nhiệt độ tăng lên đến 27.700 độ C (nóng hơn 5 lần bề mặt của Mặt Trời).

Nếu nạn nhân đeo những đồ vật kim loại, chẳng hạn như dây chuyền, chúng sẽ hình thành dòng điện, tăng nhiệt và đốt cháy làn da nạn nhân. Sét thoát ra ngoài cơ thể thông qua bàn chân khiến giày dép văng ra. Các mạch máu bị phá vỡ do sự phóng điện và nhiệt độ cao, tạo thành "hoa sét" trên da gọi là hình Lichtenberg.

Âm thanh sét đánh có thể làm thủng màng nhĩ, khiến nạn nhân mất khả năng nghe. Một nạn nhân bị sét đánh mô tả cảm giác đau như có hàng nghìn con ong đốt trong cơ thể.

Những vết sẹo trên da sau khi bị sét đánh.
Những vết sẹo trên da sau khi bị sét đánh. (Ảnh: Winston Kemp).

Biến đổi của cơ thể

Ngay khi bị sét đánh, sét tác động vào nhịp tim, làm tim ngừng đập. Đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến nạn nhân tử vong. Sét cũng gây co giật, ngừng thở, tổn thương não, liệt cơ thể tạm thời hoặc vĩnh viễn.

Nếu nạn nhân may mắn sống sót, họ phải đối mặt với những rối loạn thần kinh suốt phần đời còn lại. Một số nhà khoa học cho rằng tia sét làm xáo trộn hệ thống điện trong cơ thể người, thay đổi hoạt động của các tế bào. Nạn nhân có thể thay đổi nhân cách, thay đổi tâm trạng, mất trí nhớ, bị đau mãn tính và co giật cơ như bệnh Parkinson.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, sét đánh khiến nạn nhân có những siêu năng lực kỳ lạ. Berit Brogaard, nhà thần kinh học thuộc Đại học Miami, Mỹ, đăng tải bài viết trên trang Psychology Today kể về câu chuyện một bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình sau khi bị sét đánh có ham muốn học đàn piano và có khả năng nghe kỳ lạ. Vài tháng sau, vị bác sĩ này bỏ nghề phẫu thuật chỉnh hình, chuyển sang sáng tác nhạc và trở thành nhạc sĩ.

Đa số hậu quả của sét đánh khiến nạn nhân đau đớn, suy nhược, ảnh hưởng đến phần đời còn lại. Do đó, khi thấy bầu trời có dấu hiệu sấm chớp, chúng ta nên nhanh chóng tìm nơi trú ẩn an toàn hoặc đi vào nhà.

Cập nhật: 25/04/2016 Theo VnExpress
  • 3,73
  • 6.069