Những câu chuyện lý thú về loài vật

  •  
  • 5.251

Trong bụng cá sấu có những gì? Bồ câu tìm đường về nhà thế nào? Vẹt có hiểu được tiếng nói của người?... Mời bạn khám phá qua những câu chuyện lý thú về các loài động vật trên cạn và dưới nước.

Dạ dày của cá sấu luôn lổn nhổn lủng củng, đó là bởi chúng nuốt tất cả mọi thứ từ rùa, cá, chim tới hươu cao cổ, trâu, sư tử và thậm chí là cả cá sấu khác. Do tình trạng như vậy nên sỏi đá cũng xuất hiện trong bụng của cá sấu. Chúng nuốt những hòn đá to và có khi nằm vĩnh viễn trong bụng. Những viên đá này còn có thể dùng làm đồ dằn khi lặn.

Nuôi con không phải là một chuyện nhỏ với những con cá voi, khi con non của chúng, sau 10-12 tháng trong bụng mẹ sẽ to bằng 1/3 chiều dài của mẹ (9 m với một con cá voi xanh bé bỏng). Bà mẹ phun sữa vào miệng con non bằng những bộ cơ quanh tuyến vú trong khi đứa con ôm chặt lấy ti mẹ. Với gần 50% lượng chất béo, sữa cá voi có lượng chất béo gấp 10 lần so với sữa người, giúp các con non đạt được tốc độ tăng trưởng chóng mặt, gần 9 kg mỗi ngày.

Bồ câu có thể bay hàng ngàn km để tìm đúng địa điểm mà không gặp khó khăn gì. Một số loài chim, như chim nhạn Nam Cực, thực hiện chuyến đi khứ hồi 40.233 km mỗi năm. Rất nhiều loài sử dụng nam châm ngay trong người để tìm ra hướng đi tương ứng với từ trường của trái đất. Một nghiên cứu năm 2006 cũng tìm thấy bồ câu sử dụng các dấu mốc trên mặt đất để giúp chúng tìm đường về nhà.

 
(Ảnh: photochart)

Hải ly hầu như không sinh hoạt trong mùa đông, chúng chỉ sống nhờ vào những thức ăn đã được lưu trữ từ trước hoặc trữ lượng mỡ trong chiếc đuôi to lớn. Hải ly duy trì năng lượng bằng cách tránh ra ngoài trời giá rét, chúng thà ở trong những hang tối tăm. Kết quả là những con vật gặm nhấm này không có khái niệm về thời gian và chúng phát triển một chu kỳ tự do 29 giờ một ngày.


(Ảnh: mass.gov)

Với đôi mắt ti hi và cuộc sống chui lủi dưới đất, chuột chũi châu Phi từ lâu đã được coi là gần như mù, mắt chỉ để cảm giác chuyển động không khí chứ không phải để nhìn. Nhưng một nghiên cứu mới tìm thấy, chuột chũi thực ra vẫn nhìn thấy rõ, và chúng chỉ không thích những gì nhìn thấy. Nhìn thấy ánh sáng có nghĩa là một kẻ săn mồi đã đột nhập được vào đường hầm.

Thật sai lầm khi nghĩ rằng sự tiến hóa tạo ra những con vật ích kỷ chỉ biết lo cho sự sống còn của mình. Lòng vị tha xuất hiện ở những trường hợp khi nó có thể giúp bảo tồn những gene tương tự với mình. Những con chim non giúp đỡ lẫn nhau bằng cách tạo ra tiếng kêu đặc biệt khi được ăn. Tiếng kêu này nhằm thông báo hãy tìm kiếm thức ăn cho cả những con bên cạnh là họ hàng gần và có chung nhiều gene với mình. Chìa khóa của sự chọn lọc tự nhiên là không phải tạo ra những con vật khỏe mạnh tốt nhất, mà là bộ gene tốt nhất, vì vậy những hành vi nào ưu tiên mối quan hệ gần gũi sẽ luôn phát triển.


(Ảnh: dr-amy)

Tình trạng lưỡng tính xảy ra ở nhiều loài cá hơn bất cứ động vật có xương sống nào. Một số con cá thay đổi giới tính để thích nghi với sự thay đổi khí hậu. Những con khác đồng thời sở hữu cả hai cơ quan giới tính đực và cái.

Những con hươu cao cổ có chiếc cổ cao ngồng là để tranh giành lá cây với những loài ăn thực vật khác. Mặc dù lợi thế chiều cao là rõ ràng, nhưng chúng vẫn gặp một số bất lợi khác. Tim phải hoạt động gấp 2 lần con bò để đưa máu lên não và cần tới một hệ thống mạch máu phức tạp để đảm bảo máu không dồn xuống mặt khi cúi đầu xuống. Ở phía dưới, da chân cũng phải cực kỳ chắc để ngăn máu đọng lại ở bụng.

Lời nói của vẹt thường được cho là những câu bắt chước vô nghĩa. Nhưng nghiên cứu trong 30 năm qua cho thấy vẹt không chỉ bắt chước con người. Chúng có thể xử lý ngôn từ như một đứa trẻ 4-6 tuổi. Chúng có thể hiểu được ý nghĩa của các từ như "giống nhau", "khác nhau", "to hơn", "lớn hơn" và các con số. Điều lý thú hơn cả là chúng có thể kết hợp các cụm từ theo cách rất sáng tạo.


(Ảnh: zoology)

Voi có bộ não lớn nhất trong các loài vật đi lại trên trái đất - gần 5 kg, nhưng chúng có sử dụng tất? Sự thông minh khó để định lượng ở người và vật, nhưng chỉ số EQ (encephalization quotient), tỷ lệ giữa kích cỡ bộ não của con vật với kích cỡ bộ não cần có trên tổng khối lượng cơ thể, có mối quan hệ tương ứng với khả năng xử lý các thách thức và cản trở. Chỉ số EQ ở voi trung bình là 1,88. Ở người là 7,33 - 7,69, và tinh tinh là 2,45, lợn 0,27.

Theo Livescience, VnExpress
  • 5.251