Những công trình xuyên biển kỷ lục của thế giới

  •   2,73
  • 9.856

Thế giới cổ đại ghi dấu ấn với 7 kỳ quan kỳ vĩ do con người xây dựng quanh bờ biển Địa Trung Hải. Nhưng bước chân của con người hiện tại đã không chỉ dừng lại ở bở biển. Những công trình vĩ đại xuyên biển có lẽ là một trong những thành tựu rực rỡ nhất của thế giới hiện đại.

Dưới đây là một số công trình xuyên biển kỷ lục của thế giới.

Cầu treo Akashi Kaikyo (Nhật Bản)

Còn được gọi bằng cái tên Pearl Bridge, cầu Akashi Kaikyo băng qua eo biển Akashi nối liền đảo Awaji - hòn đảo lớn thứ 6 của Nhật Bản - với thành phố Kobe thuộc đảo Hoshu, một trong trung tâm công nghiệp quan trọng bậc nhất cả nước.

Với tổng chiều dài 1.991 mét, Akashi Kaikyo dài hơn cây cầu StoreBaelt ở Đan Mạch (xây dựng năm 1998) 366 mét, hơn cầu Humber ở Anh (1981) 580 mét, cầu teo Verrazano-Narrows ở New York, Mỹ (1964) 692 mét và cầu Golden Gate ở San Francisco (1937) 710 mét - trước đó đều là những “kỷ lục gia” được Guiness thế giới ghi nhận.

Để hoàn thiện công trình vượt eo biển Akashi, hơn 100 nhà thầu xây dựng đã miệt mài làm việc trong suốt 10 năm, bắt đầu từ năm 1988 với tổng kinh phí lên tới 500 tỷ yên (3,6 tỷ USD - tính tại thời điểm năm 1998).

Những cột trụ khổng lồ của cầu treo Akashi Kaiyko có độ cao trên 400 mét, được xây dựng bằng bê tông kiên cố để chống chọi với sóng lớn, gió mạnh, thậm chí cả động đất. Tổng trọng lượng dây cáp đạt trên 50.000 tấn; mỗi dây có đường kính gần 2 mét, bao gồm 290 sợi 6 cạnh, mỗi sợi này kết cấu bởi 127 dây thép nhỏ hơn. Tổng chiều dài của từng sợi cáp là 320 km, gấp 7,5 lần đường kính trái đất.

Cầu treo Akashi Kaiyko là một trong những nỗ lực vượt bậc của chính phủ Nhật Bản trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội, khai thông đường sá nối kết hai hòn đảo lớn của đất nước.

Cầu treo Akashi Kaikyo (Nhật Bản)
(Ảnh: no.sapo.pt)

Cầu xuyên đại dương Vịnh Hàng Châu (Trung Quốc)

Với tổng chiều dài 36 km, cây cầu vắt ngang qua Vịnh Hàng Châu nằm ở vùng châu thổ sông Dương Tử - vốn được đánh giá là một trong những khu vực có biến động môi trường phức tạp nhất thế giới (thường xuyên chịu ảnh hưởng của triều cường cao, bão lớn và đất bạc màu).

Phần chính của cầu được thiết kế theo kiểu cầu dây văng, có 6 làn đường chính dành cho xe cơ giới. Ước tính trong năm đầu sẽ hoạt động cầu sẽ chịu sức tải hơn 45.000 xe ôtô mỗi ngày.

Được mệnh danh là công trình xuyên đại dương lớn nhất mọi thời đại - so cả với những cầu đã hoàn thiện hay đang thi công, cầu Vịnh Hàng Châu vượt lên trên tất cả các cây cầu nổi tiếng thế giới như cầu Vịnh Chesapeake ở Mỹ hay cầu Baharian ở Saudi Arabia. Nhờ tyến giao thông mới này mà hành trình giữa 2 thành phố Ninh Ba và Thượng Hải rút ngắn được 120 km. Khởi công xây dựng năm 2003 và dự kiến hoàn thiện vào năm 2008, cây cầu sẽ có ảnh hưởng quan trọng về kinh tế xã hội đối với vùng đồng bằng sông Dương Tử (Trung Quốc).

Cầu xuyên đại dương Vịnh Hàng Châu (Trung Quốc)
(Ảnh: zhejiang-china)

Cầu cao tốc Hồ Pontchartrain (Mỹ)

Đó là cây cầu bắc ngang qua Hồ Pontchartrain (bang Louisiana, Mỹ), tổng chiều dài 38 km nối liền 2 thành phố Metairie và St. Tammany Parish. Công trình đầu tiên nối liền hai bờ Nam - Bắc được tiến hành xây dựng lần đầu tiên vào năm 1956 bao gồm 2 làn đường 2 chiều. Đến năm 1969, 2 làn đường nữa được ghép thêm, chia đôi cầu thành 2 tuyến một chiều riêng biệt. Trung bình mỗi ngày có trên 30.000 xe tham gia giao thông trên cầu.

Cầu cao tốc Hồ Pontchartrain (Mỹ)
(Ảnh: Quickseek.com)

Đường hầm qua biển Manche (Anh - Pháp)

Với chiều dài 50,5 km nằm dưới eo biển Anh, đường hầm qua biển Manche nối liền thị trấn Folkestone, Kent (Anh) và thị trấn Coquelles gần Calais miền bắc nước Pháp. Khai trương năm 1994, nó được coi là hầm xe lửa dài thứ 2 thế giới (đứng sau hầm Seikan ở Nhật Bản) và là đường hầm dài nhất vắt ngang qua biển.

Đường hầm qua biển Manche (Anh - Pháp)
(Ảnh: Paul-andreu.com)

Tuyến cáp treo vượt biển Vinpearl (Việt Nam)

Với chiều dài 3311m nằm trên 9 chiếc cột (cái cao nhất 54,65m, thấp nhất 7,96m) tổng trọng lượng của toàn tuyến cáp lên tới 7.000 tấn, với những thiết bị nhà ga, cabin… nhập từ Pháp chiếm tới ¼ trong tổng giá trị 200 tỉ đồng của công trình.

Theo công suất thiết kế, với 65 cabin, trong một giờ, tuyến cáp treo này có thể vận chuyển 1.500 lượt hành khách/1 chiều với vận tốc đa 36km/h vượt qua đoạt đường biển giữa Nha Trang và đảo Hòn Tre hết gần 10 phút mà bình thường nếu đi phà hết 25 phút.

Đứng trên những chiếc trụ bêtông cốt thép có cái dài tới 96m, tuyến cáp treo này còn đảm bảo hoạt động an toàn cho du khách trong những điều kiện thời tiết khắc nghiệt như động đất cấp 6 (hệ thống đánh giá độ lớn động đất tại Việt Nam), bão lớn từ cấp 7 trở xuống.

Thùy Vân (tổng hợp)

Theo Dân trí
  • 2,73
  • 9.856