Ít nhất 7 công ty Trung Quốc đang nỗ lực rút ngắn khoảng cách với SpaceX nhằm gặt hái thành công tương tự với tên lửa tái sử dụng.
Các công ty khởi nghiệp hàng không vũ trụ Trung Quốc đang chạy đua để ra mắt những tên lửa tái sử dụng trong năm sau, xuất phát từ mục tiêu xây dựng những siêu chòm vệ tinh Internet ở quỹ đạo thấp của Trái đất (LEO) nhằm cạnh tranh với hệ thống Starlink của SpaceX. Ít nhất 7 tên lửa tư nhân mới, tất cả để có khả năng tái sử dụng và hạ cánh thẳng đứng, đang hướng tới bay lên quỹ đạo trong năm 2025 và cạnh tranh hợp đồng nhằm triển khai hàng chục nghìn vệ tinh băng thông rộng trong những năm tới.
Tên lửa tái sử dụng Tianlong-3 có thiết kế tương tự tên lửa Falcon 9 của SpaceX. (Ảnh: Weibo)
Dẫn đầu cuộc đua là Tianlong-3, tên lửa kerosene và oxy lỏng 2 tầng cao 71 m lắp ráp bởi Space Pioneer ở thành phố Trương Gia Cảng, tỉnh Giang Tô phía đông Trung Quốc. Tianlong-3 là tên lửa mạnh thứ hai phát triển ở Trung Quốc, chỉ sau tên lửa Trường Chinh 5B. Với sức chở 17 tấn hàng lên LEO, phương tiện được thiết kế để triển khai vệ tinh và có thể mang từ 30 vệ tinh mỗi lần phóng. Tên lửa này từng phóng ngoài dự kiến và rơi xuống đất trong thử nghiệm lửa tĩnh hồi tháng 6.
Tianlong-3 tích hợp hàng loạt công nghệ tiên tiến. Những công nghệ này, bao gồm động cơ thép không gỉ in 3D và điều áp khí hóa nitrogen lỏng, sẽ đáp ứng yêu cầu chi phí thấp, độ tin cậy và tần suất cao của hoạt động phóng Internet vệ tinh. Tầng đầu tiên của Tianlong-3 hoạt động nhờ 9 động cơ Tianhuo-12 và có thể sử dụng 10 lần.
Bám sát Tianlong-3 là Zhuque-3, một tên lửa tái sử dụng cỡ vừa do công ty LandSpace ở Hồ Châu, tỉnh Chiết Giang. Zhuque-3 là tên lửa duy nhất trong 7 tên lửa sẽ thử bay lên quỹ đạo và thu hồi tầng đầu tiên trong chuyến bay lần đầu vào năm sau. Theo dự kiến, Zhuque-3 sẽ phóng vào nửa cuối năm 2025 và hướng tới trở thành tên lửa đẩy tái sử dụng đầu tiên đi vào hoạt động ở Trung Quốc, theo Zhang Changwu, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành LandSpace.
Cao 76,6 m, Zhuque-3 được làm từ thép không gỉ và sử dụng nhiên liệu methane lỏng. Hồi tháng 9, phương tiện hoàn thành thử nghiệm hạ cánh thẳng đứng sau khi bay cao 10 km. Tên lửa này có thể chở khoảng 21 tấn hàng lên LEO ở chế độ mở rộng và 18,3 tấn khi thu hồi tầng đầu tiên. Trang bị 9 động cơ Tianque-12B, tầng đầu tiên của Zhuque-3 được thiết kế để thu hồi và tái sử dụng cho 20 lần phóng. LandSpace sản xuất hơn 60% bộ phận động cơ Tianque-12B. Họ cũng thiết lập quy trình khép kín cho các bộ phận in 3D của động cơ, từ thiết kế tới lắp ráp.
Tên lửa Hyperbola-3 69 m phát triển bởi công ty iSpace ở Bắc Kinh và Kinetic-2 cao 53 m do công ty CAS Space ở Quảng Châu sản xuất cũng sẽ bay lần đầu vào năm sau. Cả hai cung cấp sức chở 12 - 13 tấn hàng lên LEO ở chế độ mở rộng, trong đó Hyperbola-3 có thể vận chuyển 8,5 tấn ở chế độ tái sử dụng. Những tên lửa khác gia nhập cuộc đua là Pallas-1 của Galactic Energy và Nebula-1 của Deep Blue Aerospace. Cả hai tên lửa đều tái sử dụng được lên lịch bay trong nửa đầu năm 2025. Trong khi đó, Gravity-2, một tên lửa tái sử dụng cỡ vừa và nặng đang phát triển của Orienspace sẽ ra mắt vào cuối năm 2025.
Các công ty tên lửa Trung Quốc đang nỗ lực rút ngắn khoảng cách với SpaceX và hy vọng có thể gặt hái thành công với những tên lửa tái sử dụng. Là phương tiện vận chuyển chính của SpaceX, tên lửa Falcon 9 có sức chở 17 - 18 tấn hàng lên LEO ở chế độ tái sử dụng và đóng vai trò chủ chốt trong xây dựng siêu chòm vệ tinh Starlink. Trong năm 2024, Falcon 9 đạt được tốc độ phóng ấn tượng là 3 ngày một lần, triển khai hơn 20 vệ tinh Starlink mỗi nhiệm vụ. Starlink hiện nay bao gồm gần 7.000 vệ tinh, cung cấp dịch vụ Internet cho hàng triệu người dùng trên khắp thế giới, bao gồm nhiều khu vực hẻo lánh.