Albert Einstein chậm biết nói, thường không đi tất và được nhiều phụ nữ yêu mến là những điều ít biết xung quanh cuộc đời của một trong những nhà khoa học vĩ đại nhất thế giới.
>>> Vì sao Albert Einstein trở thành thiên tài?
Einstein sinh ngày 14/3/1879 tại Đức. Khi sinh ra, phần sau đầu của Einstein phát triển to hơn bình thường khiến gia đình ông lo lắng rằng Einstein có vấn đề gì đó nghiêm trọng. Tuy nhiên, vài tuần sau đó, hình dáng đầu lại trở nên bình thường.
Bức ảnh được cho là bức ảnh cổ nhất chụp Einstein năm nhà khoa học lên 3 tuổi. (Ảnh: Wikimedia Commons)
Một số người cho rằng Einstein bắt đầu biết nói năm 4 tuổi. Bố mẹ của Einstein đã nhờ đến sự trợ giúp của bác sĩ để khắc phục tình trạng chậm nói của ông. Nhà kinh tế học Thomas Sowell thậm chí còn đưa ra thuật ngữ "hội chứng Einstein" để mô tả những người thông minh hay có tài năng đặc biệt nhưng chậm nói khi còn nhỏ.
Einstein năm 14 tuổi. (Ảnh: Wikimedia Commons)
Ở độ tuổi đi học, Einstein không được coi là một học sinh giỏi. Thậm chí danh hiệu học sinh kém của Einstein còn làm xuất hiện những tin đồn như ông thi trượt môn toán. Tuy nhiên trên thực tế, Einstein đã làm quen và thành thạo với môn vật lý ở trình độ đại học khi chưa đầy 11 tuổi và một tay chơi violin cừ khôi và giành được nhiều điểm cao ở môn tiếng Latinh và Hy Lạp. Chưa đầy 15 tuổi, Einstein đã thành thạo các phép tính vi phân và tích phân.
Trước khi Einstein và người vợ đầu tiên của ông là Mileva Marić kết hôn, Mileva đã bí mật sinh con gái của họ tại nhà bố mẹ đẻ tại Serbia. Tuy nhiên, cô con gái Lieserl lại không có thân phận rõ ràng. Về cơ bản, các hồ sơ liên quan đến Lieserl biến mất sau khi sinh. Đến nay, các nhà nghiên cứu vẫn chưa tìm ra chứng cứ cho thấy Einstein từng nhìn thấy con gái.
Einstein và người vợ đầu Mileva Marić. (Ảnh: Wikimedia Commons)
Sau khi kết hôn, Einstein đặt ra một bộ quy tắc yêu cầu người vợ Mileva thực hiện theo, trong đó có những yêu cầu như Mileva phải chuẩn bị 3 bữa ăn mỗi ngày, ngưng nói khi ông yêu cầu và không được mong chờ sự quan tâm thân mật từ ông.
Einstein và người vợ thứ hai, Elsa Einstein. (Ảnh: Wikimedia Commons)
Einstein có mối quan hệ rất tốt đẹp với cô em gái họ là Elsa Einstein, người sau này trở thành vợ thứ hai của ông vào năm 1919. Thậm chí còn có nguồn tin cho rằng, mối quan hệ của Einstein và Elsa đã nảy nở khi ông còn chung sống với người vợ đầu tiên.
Einstein trong những năm 1950. (Ảnh: Wikimedia Commons)
Trong các bức thư gửi Elsa, Einstein thẳng thắn thừa nhận mình có tình cảm bên ngoài nhiều lần. Theo Telegraph, ông từng viết rằng những cô gái luôn dành cho ông những tình cảm không mong muốn.
Trong một bức thư khác gửi Elsa, Einstein viết rằng ông "ra ngoài mà không đi tất" tại Đại học Oxford. Nhà khoa học thiên tài luôn được nhớ đến với sự xuất hiện lôi thôi, nhếch nhác mặc dù sự chú ý đều dồn vào mái tóc của ông hơn là đôi chân.
Einstein là thành viên của Hiệp hội quốc gia vì sự Phát triển của người Da màu (NAACP) từ khi sinh sống và làm việc tại Princeton, bang New Jersey, Mỹ. Tuy nhiên, thậm chí kể từ trước khi chuyển đến định cư tại Mỹ năm 1933, Einstein đã trao đổi thư từ với nhà hoạt động nhân quyền và học giả W.E.B Dubois, nhà sáng lập NAACP. Trong bài phát biểu năm 1946 tại Đại học Lincoln ở Pennsylvania, Einstein gọi nạn phân biệt chủng tộc "một căn bệnh".
Einstein qua đời vào ngày 18/4/1955 ở tuổi 76 do bị vỡ mạch máu. Tuy nhiên, theo thông tin trên website của của Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên, các bác sĩ đề nghị phẫu thuật cho Einstein để kéo dài sự sống nhưng ông đã từ chối và nói rằng: "Thật vô vị khi kéo dài cuộc sống một cách gượng ép".
Tập bản thảo viết tay về Thuyết tương đối của Albert Einstein trong buổi giới thiệu một ngày trước khi được bán đấu giá tại nhà đấu giá Christie ở Paris (Ảnh: AFP/Yonhap).
Được công bố vào năm 1916, thuyết tương đối rộng của Einstein đã hoàn thiện thuyết tương đối hẹp bằng cách đưa lực hấp dẫn và gia tốc vào phương trình thông qua khái niệm không-thời gian bị biến dạng. Sự thiên tài của ông được thể hiện khi tìm ra cách biến đổi công trình nghiên cứu trước đó từ các nhà khoa học như Henri Poincaré và Hendrik Lorentz thành một lý thuyết thống nhất.
Tuy nhiên, Einstein không được trao giải Nobel cho thành tựu này. Sau nhiều năm tham khảo các tài liệu lưu trữ, nghiên cứu lịch sử khoa học Robert Marc Friedman đã tìm ra một sự thật bất ngờ rằng nguyên nhân của sự việc có thể đến từ một số người thành kiến với Einstein nhằm hạ thấp uy tín của cá nhân ông. Cụ thể, một số nhà khoa học hàng đầu của Đức lúc đó đã gọi công trình của Einstein là trò bịp bợm vô căn cứ.
Dẫu vậy, danh tiếng của Einstein ngày một lớn, và những công trình của ông mang lại sự đột phá cho nhân loại. Rốt cuộc vào năm 1922, Einstein được trao giải Nobel Vật lý nhưng không phải cho Thuyết tương đối, công trình vĩ đại nhất trong cuộc đời khoa học của ông. Sự kiện này đã trở thành một trong những bí ấn gây tranh cãi nhất trong lịch sử giải Nobel.
Einstein ghi dấu ấn chủ yếu với tư cách là một nhà vật lý học, nhưng các quan điểm về chính trị của ông vào thời ấy cũng nổi tiếng ngang với những thành tựu khoa học.
Einstein là một người theo chủ nghĩa hòa bình. Ông đã sử dụng danh tiếng và sức ảnh hưởng của mình để ủng hộ cho những lý tưởng ông hằng theo đuổi, lên án Chủ nghĩ Phát Xít ở Đức, vận động nhà nước Israel, và chỉ trích phân biệt chủng tộc ở Hoa Kỳ.
Năm 1952, Tổng thống đầu tiên của Israel, Chaim Weizmann, khẳng định Einstein là "người Do Thái vĩ đại nhất còn sống" và mong muốn ông có thể trở thành người kế tục. Tuy nhiên, Einsten, khi đó đã 73 tuổi, và thậm chí còn không phải là công dân Israel; ông cho rằng tuổi cao, thiếu kinh nghiệm, chưa đủ kỹ năng dẫn dắt mọi người là lý do ông không phải lựa chọn đúng đắn.
Theo nguyện vọng của Einstein, khi chết, thi hài của ông sẽ được hỏa táng, và tro sẽ được rải xuống một khu vực bí mật, để ngăn cản việc bị thu giữ bởi những kẻ sùng bái.
Thế nhưng trước khi bất kỳ ai có cơ hội để thực hiện ý đồ này, thì Thomas Harvey - một bác sỹ khám nghiệm tử thi đã nhanh tay tách riêng bộ não của Albert Einstein ra khỏi cơ thể, rồi mang về nhà mình mà không có sự cho phép của gia đình ông.
Để làm được điều này, Harvey thực hiện một ca giải phẫu bí mật ngay sau khi Einstein qua đời. Ông chia bộ não của Einstein thành 240 phần, chứa trong 2 lọ thủy tinh với dung dịch celloidin (một dạng cellulose nhưng ở thể cứng hơn) và cất chúng dưới tầng hầm, tại nhà riêng của mình.
Thomas Harvey và một phần bộ não của Einstein vào năm 1994.
Một số tài liệu cho rằng Harvey không chỉ đánh cắp bộ não của Albert Einstein, mà còn lấy đi cả đôi mắt và sau đó ông ta đưa lại cho bác sĩ nhãn khoa của Einstein. Hành động đầy ghê tởm của Harvey khiến ngay cả vợ ông cũng không thể chấp nhận, dẫn tới cuộc hôn nhân đổ vỡ như một hệ lụy tất yếu.
Dẫu không thể phủ nhận hành động phi nhân tính và đầy cơ hội của mình, song Thomas Harvey vẫn được khoa học ghi nhận là một trong những nhà bệnh học kỳ cựu nhất thời điểm bấy giờ. Quy trình chia tách bộ não của Einstein được ông thực hiện và bảo quản ở mức độ hoàn hảo sau khi nhà thiên tài vật lý qua đời, giúp nó trở thành đề tài nghiên cứu hữu ích cho giới khoa học.