Lưỡi gà là gì? Lưỡi gà bị sưng là do đâu?

  •  
  • 130

Sưng lưỡi gà (tiếng anh là Swollen Uvula) khiến người bệnh khó chịu vì cảm giác sưng đau, ăn uống thậm chí là khó thở.

Lưỡi gà là gì? Khi quan sát bằng cách há miệng lớn bạn sẽ thấy một vạt mô nhỏ phía sau cổ họng và giữa amidan. Lưỡi gà (uvula) là phần mô thịt treo ngay trên lưỡi, nằm cuối miệng, có nhiệm vụ đóng eo họng (nasopharynx) ngay mũi hầu trong quá trình nuốt thức ăn, nước uống và nói. Lưỡi gà sẽ giúp ngăn thức ăn và nước uống tràn lên khoang mũi, gây sặc khi ăn uống.

Ngoài chức năng này thì lưỡi gà cũng hỗ trợ hình thành một số âm thanh khi nói chuyện, tạo nước bọt bôi trơn phía sau miệng khi nuốt, ngăn khẩu cái mềm khỏi bị ép vào khi bạn bị ho hoặc hắt hơi.

1. Triệu chứng sưng lưỡi gà

Lưỡi gà bị sưng có thể gây ra các triệu chứng phổ biến kèm theo như:

  • Cảm giác nghẹn ở cổ họng
  • Khó thở
  • Khó nuốt
  • Đau ở cổ họng
  • Có sự thay đổi về giọng nói
  • Ngáy khi ngủ
  • Quan sát bằng mắt thường có thể thấy các đốm đỏ trên lưỡi gà
  • Sưng amidan
  • Tiết nhiều nước bọt hơn bình thường.

2. Lưỡi gà bị sưng do đâu?

Lưỡi gà bị sưng có thể do nhiễm trùng, phản ứng dị ứng, chấn thương hoặc một số tình trạng di truyền nhất định.

2.1. Nhiễm trùng

Nhiễm trùng xảy ra khi có sự xâm nhập của vi khuẩn, virus vào cơ thể, trong đó nhiễm trùng hay viêm nhiễm tại cổ họng có thể khiến các mô và lưỡi gà bị sưng lên. Chúng có thể bao gồm:

  • Viêm họng do liên cầu khuẩn: nhóm A Streptococcus thường là nguyên nhân khiến bạn bị đau họng nóng rát. Viêm họng do liên cầu khuẩn thường gây triệu chứng nặng hơn so với tác nhân gây bệnh là virus hoặc vi khuẩn khác. Ngoài đau họng, viêm họng do liên cầu khuẩn còn có thể kèm sưng đau hạch bạch huyết ở cổ, khó nuốt, buồn nôn, ăn không ngon,...
  • Bệnh bạch cầu đơn nhân: gây ra các rối loạn như viêm amidan và khiến lưỡi gà bị sưng. Mệt mỏi, đau họng, đau đầu, sưng hạch bạch huyết, sưng amidan và có lớp phủ màu trắng hoặc vàng trên amidan, sốt, ăn không ngon, phát ban, đau nhức các bắp thịt, lách to, viêm họng,.. là những triệu chứng thường gặp của bệnh.
  • Cúm: lưỡi gà có thể bị sưng như một phần của các triệu chứng tại hầu họng khi bị cúm. Các triệu chứng cúm khác bao gồm ớn lạnh, đổ mồ hôi, ho khan, nghẹt mũi hoặc sổ mũi, đau nhức đầu, mệt mỏi, nôn mửa và tiêu chảy.
  • Viêm amidan: amidan bị nhiễm trùng nặng có thể sưng to tới mức khiến lưỡi gà tấy lên và viêm. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là tình trạng nhiễm trùng lan rộng. Việc điều trị amidan cũng sẽ giúp làm dịu lưỡi gà bị sưng.

Amidan bị sưng cũng có thể khiến lưỡi gà bị tấy lên.
Amidan bị sưng cũng có thể khiến lưỡi gà bị tấy lên. (Ảnh: Internet).

  • COVID-19: hiếm gặp
  • Viêm thanh thiệt (epiglottitis - viêm nắp thanh quản): là một dạng nhiễm trùng dẫn tới sưng nắp thanh quản và các cấu trúc xung quanh nó. Viêm nắp thanh quản có thể nhanh chóng dẫn tới các vấn đề về hô hấp đột ngột và tử vong. Các triệu chứng bao gồm đau họng dữ dội, khó nuốt, sốt cao, chảy nước dãi và thở rít khi hít vào.

Chẩn đoán thường là chẩn đoán hình ảnh trực tiếp các cấu trúc trên thanh quản thay vì lấy mẫu phết họng (có thể dẫn tới ngưng thở) và điều này không được thực hiện cho đến khi có hỗ trợ hô hấp đầy đủ. Khám họng sẽ được thực hiện trong phòng mổ.

2.2. Các nguyên nhân gây sưng lưỡi gà khác

  • Phản ứng dị ứng: lưỡi gà bị sưng có thể do phản ứng dị ứng dẫn tới sưng (phù miệng) và cổ họng hoặc sưng lưỡi gà riêng lẻ gọi là phù mạch lưỡi gà. Đây có thể là dấu hiệu của sốc phản vệ và là trường hợp cần được chăm sóc y tế khẩn cấp.
  • Axit dạ dày: di chuyển lên thực quản hoặc họng khi nôn hoặc khi bị trào ngược axit dạ dày mạn tính có thể kích ứng cổ họng và lưỡi gà dẫn tới sưng viêm, thay đổi giọng nói và cảm giác như có khối u trong họng.
  • Khô miệng: các tế bào của niêm mạc lót miệng, cổ họng và lưỡi gà hoạt động tốt nhất trong môi trường ẩm ướt. Nhưng nếu miệng bạn bị khô mãn tính dù bạn có uống bao nhiêu nước (ví dụ do nghẹt mũi hoặc tác dụng phụ của một số loại thuốc) điều này sẽ khiến bạn bị khô miệng. Lưỡi gà bị viêm và dẫn tới đỏ, đau và sưng tấy.
  • Chấn thương lưỡi gà: lưỡi gà có thể bị tổn thương do thức ăn nóng gây bỏng - dù điều này khá hiếm gặp. Các tiểu phẫu như đặt ống nội khí quản, phẫu thuật cắt amidan cũng có thể khiến lưỡi gà bị thương. Mặc dù vết thương sẽ lành mà không cần điều trị nhưng đôi khi vẫn gây khó chịu. Bạn có thể ngậm đá bào hoặc dùng thuốc xịt miệng có chứa chất gây tê cục bộ để làm dịu lưỡi gà bị sưng.
  • Ngủ ngáy: ngủ ngáy và sưng tấy lưỡi gà có thể là một vòng lặp luẩn quẩn. Lưỡi gà bị sưng càng lớn thì bạn càng ngáy nhiều hơn và ngáy càng nhiều thì lưỡi gà cũng sẽ càng lớn hơn. Nếu tình trạng này khiến bạn gặp phải các vấn đề về tai mũi họng, giấc ngủ hoặc tình trạng sức khỏe khác kèm theo, hãy nói chuyện với bác sĩ.
  • Uống nhiều rượu bia và thuốc lá: đều có thể gây kích ứng niêm mạc cổ họng và lưỡi gà dẫn tới sưng đỏ, kích ứng hầu họng. Vấn đề sẽ nghiêm trọng hơn nếu bạn là người vừa hút thuốc lá và vừa uống rượu.
  • Tác dụng phụ của thuốc: gây khô miệng dẫn tới lưỡi gà bị sưng, một số loại thuốc có thể gây tác dụng phụ này là thuốc chống trầm cảm, thuốc điều trị bệnh hen suyễn, thuốc ức chế ACE và thuốc điều trị tăng hoạt bàng quang. Hãy nói chuyện với bác sĩ để có biện pháp thay thế hoặc điều chỉnh liều lượng. Người bệnh tuyệt đối không được tự ý dừng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
  • Ung thư miệng, vòm họng: ung thư vòm họng có thể bắt đầu với lưỡi gà, dù điều này khá hiếm gặp. Các khối u lành tính, chẳng hạn như sự phát triển hoặc mụn cóc qua trung gian HPV, có thể ảnh hưởng đến lưỡi gà và có xu hướng phát triển rất chậm theo thời gian. Các tổn thương ác tính cũng có thể phát triển, đặc biệt ở những người hút thuốc và có xu hướng phát triển nhanh hơn, gây loét, chảy máu hoặc gây đau.

3. Sưng lưỡi gà khi nào cần đi gặp bác sĩ?

Tùy vào từng nguyên nhân gây sưng lưỡi gà mà sẽ có cách điều trị khác nhau như dùng thuốc không kê đơn hoặc thuốc kê đơn như kháng sinh, phẫu thuật cắt bỏ lưỡi gà,... Một số biện pháp có thể giúp điều trị sưng lưỡi gà mức độ nhẹ tại nhà, chẳng hạn:

  • Uống nhiều nước nếu sưng lưỡi gà do khô miệng, mất nước
  • Súc miệng bằng nước muối ấm để làm dịu họng
  • Thử dùng viên ngậm trị đau họng có chứa thành phần khuynh diệp hay thuốc xịt họng giúp làm tê cơn đau
  • Pha trà nóng với mật ong hoặc mật ong với nước ấm để dịu họng
  • Nhai đá lạnh (đá bào) để giảm sưng lưỡi gà
  • Nghỉ ngơi nhiều và tránh các chất kích thích như thuốc lá và rượu bia.

Trong trường hợp đã áp dụng các biện pháp tại nhà mà lưỡi gà tiếp tục sưng tấy nghiêm trọng hơn, không cải thiện thì bạn nên thăm khám bác sĩ. Trong trường hợp xảy ra phản ứng dị ứng, hãy tìm kiếm cấp cứu khẩn cấp.

Nếu gặp phải bất kì triệu chứng nào trong đây bạn cũng cần đi gặp bác sĩ càng sớm càng tốt: khó nuốt nghiêm trọng, mất nước, khó thở, có máu hoặc mủ dịch chảy ra từ lưỡi gà, cơn đau không kiểm soát được và tiếp tục tăng mức độ đau, sốt và đau bụng, mất giọng hoặc khàn giọng.

Cập nhật: 22/12/2023 PNVN
  • 130