Những quả xoài bị dơi cắn được cho là nguồn phát tán virus.
Ít nhất 9 người ở miền Nam Ấn Độ đã tử vong trong một vụ bùng phát virus Nipah hiếm gặp nhưng cực kỳ nguy hiểm, theo báo cáo của BBC.
Nipah được coi là một virus giết người mới nổi. Các nhà khoa học phát hiện nó lần đầu tiên vào 20 năm về trước. Nguồn gốc của virus Nipah được xác định là từ một số loài dơi ăn quả. Nó có thể lây nhiễm sang người trực tiếp hoặc gián tiếp qua các loài động vật khác bao gồm lợn.
Nhà chức trách Ấn Độ nghi ngờ đợt bùng phát Nipah mới này bắt nguồn từ những bệnh nhân ăn xoài bị dơi cắn.
Vùng phát hiện bùng phát virus Nipah.
Hiện tại, chúng ta không có biện pháp điều trị Nipah. Trong khi đó, virus này có thể lây nhiễm từ người sang người. Tỷ lệ tử vong của người bệnh nằm trong khoảng 40-75%.
Các số liệu thống kê này cho thấy Nipah có tiềm năng gây ra một đại dịch chết người. Đó là lý do tại sao Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) liệt kê Nipah là đối tượng ưu tiên nghiên cứu cấp bách, cùng với các bệnh như Ebola và SARS.
Trong số 9 người đã chết tại thành phố Kozhikode ở Kerala, Ấn Độ, 3 trường hợp nhiễm Nipah đã được xác nhận. Xét nghiệm mẫu bệnh phẩm của 6 người còn lại đang được tiến hành. Thực tế, có tổng cộng 25 ca nhập viện nghi ngờ nhiễm virus Nipah.
Virus Nipah được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1999 tại Malaysia. Các đợt bùng phát ở Nam và Đông Nam Á cho thấy virus này cực kỳ nguy hiểm, có thể gây chết người, với tỷ lệ tử vong từ 40-75%.
Theo Imperial College, tỷ lệ tử vong của COVID-19 là khoảng 1%, do đó, nếu trở thành đại dịch thì virus Nipah sẽ giết chết nhiều người hơn COVID-19.
Nó cũng đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đặt tên là một trong 16 tác nhân gây bệnh cần ưu tiên nghiên cứu và phát triển do có khả năng gây ra dịch bệnh. Nipah là một trong số 260 loại virus được biết đến có khả năng gây dịch.
Loại virus này rất đáng lo ngại do thời gian ủ bệnh dài tới 45 ngày, có nghĩa là con người có thể lây lan trong hơn một tháng trước khi bị bệnh. Một điều nguy hiểm nữa là nó còn có khả năng lây nhiễm giữa các loài.
Đợt bùng phát virus Nipah lần đầu tiên được báo cáo tại Malaysia vào năm 1998. Có 265 người bị nhiễm một căn bệnh lạ gây viêm não, sau khi tiếp xúc với lợn hoặc một người mắc bệnh trước đó. 105 người trong số họ đã chết, tỷ lệ tử vong là 40%.
Nipah cũng có tỷ lệ đột biến cao đặc biệt. Các chuyên gia lo ngại rằng nó là một chủng vi khuẩn thích nghi tốt hơn với các bệnh lây nhiễm ở người và có thể lây lan nhanh chóng qua các quốc gia kết nối tốt của Đông Nam Á.
Các nhà nghiên cứu xác định được vật chủ tự nhiên của virus Nipah không phải lợn, mà là một số loài dơi ăn quả. Trong một số trường hợp, Nipah lây nhiễm sang người, sau khi bệnh nhân uống nước từ nhựa cây chà là từng bị những con dơi ghé thăm.
Theo báo cáo của BBC, những bệnh nhân Ấn Độ gần đây có thể nhiễm Nipah từ những quả xoài từng bị dơi cắn. Nhà chức trách tìm thấy những quả xoài này trong một căn nhà của 3 bệnh nhân đã qua đời.
Các con đường lây nhiễm Nipah: qua trái cây bị dơi cắn, các sản phẩm từ nhựa cây chà là, tiếp xúc với động vật và người mang virus
Các triệu chứng của việc nhiễm Nipah thay đổi tùy thuộc vào từng đợt dịch bệnh bùng phát.
Nhiều bệnh nhân bị sốt và đau đầu, tiếp theo là buồn ngủ và lú lẫn. Một số bệnh nhân thể hiện các triệu chứng giống như nhiễm cúm thông thường. Nhưng bệnh tình của họ tiến triển nhanh và có thể dẫn đến hôn mê chỉ trong vòng 1-2 ngày.
Ngay cả những bệnh nhân nhiễm Nipah nhưng may mắn không tử vong cũng phải đối mặt với những vấn đề sức khỏe lâu dài, chẳng hạn như sự thay đổi tính cách hoặc những cơn co giật mạn tính. Một số trường hợp ủ bệnh Nipah kéo dài đến nhiều tháng hoặc nhiều năm sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh.
Nipah được cho là lây nhiễm thông qua tiếp xúc gần gũi với động vật hoặc người bệnh mang virus trong vùng ổ dịch. Tại Ấn Độ ít nhất 1 y tá đã bị nhiễm bệnh và tử vong trong khi điều trị cho bệnh nhân. Một nghiên cứu cho biết virus Nipah lây truyền qua đường nước bọt.
Hiện tại, nhà chức trách Ấn Độ đang ưu tiên việc xét nghiệm để tìm ra các trường hợp nhiễm Nipah còn lại trong cộng đồng, nhằm cách li, khoanh vùng dịch để đảm bảo bệnh không tiếp tục lây lan.