Những điều có thể bạn chưa biết về số 0 - chữ số đặc biệt nhất trong dãy số tự nhiên

  •   46
  • 3.623

Số 0 có lẽ là con số bị nhiều người "ghét" nhất trên thế giới, đặc biệt là đối với những ai đang xem số dư tài khoản ngân hàng hoặc những tín đồ môn bóng đá xem đội bóng con cưng của họ thi đấu. Vậy ai đã phát minh ra số 0? Bài viết này sẽ giải thích tại sao nó là một phát minh “để đời” của loài người, mời các bạn cùng tham khảo.

Số 0 được coi là một trong những khám phá vĩ đại nhất trong lịch sử loài người. Nếu không có số 0, các phép tính số học sẽ khó làm hơn rất nhiều, bởi vì lúc đó loài người chưa có máy tính, và chúng ta sẽ hầu như không thể giải được các phương trình toán học phức tạp, thứ mà con người có thể làm rất dễ dàng vào ngày nay.

Số 0 bắt nguồn từ Ấn Độ vào khoảng thế kỷ thứ 7.
Số 0 bắt nguồn từ Ấn Độ vào khoảng thế kỷ thứ 7.

Có lẽ các bạn đã quá quen thuộc với khái niệm "số 0", nhưng khái niệm về số 0 là một "phát minh" hẳn hoi chứ không phải là một thứ có sẵn đâu, và nó bắt nguồn từ Ấn Độ vào khoảng thế kỷ thứ 7, tức là cách đây đến hơn 14 thế kỷ.

Cho đến khi phát hiện ra số 0, việc thực hiện ngay cả những phép tính số học cơ bản cũng là rất khó khăn đối với con người. Nhiều nhà nghiên cứu đã cho rằng nhiều nền văn minh cổ đại khác nhau đã sử dụng số 0, nhưng chỉ dùng nó như một "vật giữ chỗ", tức là một biểu tượng để đại diện cho một thứ gì đó không "hiện hữu", nhưng có thể "tồn tại" sau đó. Ý tưởng về việc "đếm chỗ" có thể là điều rất tự nhiên với chúng ta ngày nay, nhưng đối với người Sumer và Babylon cổ đại thì không.

Đây là hệ thống “cột số” của người Sumer sử dụng vào khoảng 5000 năm trước.
Đây là hệ thống “cột số” của người Sumer sử dụng vào khoảng 5000 năm trước.

Người Sumer là những người đầu tiên phát triển hệ thống đếm vào thời điểm cách đây khoảng 5000 năm trước và sau họ là người Babylon. Người Sumer sử dụng khoảng trắng trong các “cột số” của họ để biểu thị sự "trống rỗng" hay "vắng mặt", nhưng không sử dụng số 0. Người ta suy đoán rằng trước khi sử dụng số 0 làm "vật giữ chỗ", một cặp nêm đã được sử dụng để tượng trưng cho một chỗ trống.

Khoảng 600 năm sau, người Maya cũng phát triển số 0 như một "vật giữ chỗ" và họ sử dụng nó trong hệ thống lịch của mình. Tuy nhiên, không ai trong số họ sử dụng số 0 như một con số, hoặc cố gắng phát triển một ý tưởng như vậy. Mãi đến thế kỷ thứ 7 sau Công nguyên ở Ấn Độ, số 0 mới được sử dụng như một con số và nó có những đặc điểm riêng biệt.

Hầu hết các học giả đều cho rằng người Ấn Độ là những người đầu tiên phát minh ra số 0, lý do ra đời của "phát minh" này là vì nền tảng văn hóa và tôn giáo của Ấn Độ. Đó là do sự phát triển của Phật giáo và khái niệm triết học về "tính không" (còn được gọi là Śūnyatā trong tiếng Phạn). Nó tạo nên một cầu nối giữa toán học và giáo lý triết học.

Trong những giáo lý sơ khai của Phật giáo, khái niệm về "tính không" có liên quan chặt chẽ với khái niệm hay học thuyết về "vô ngã" (không có ngã hay linh hồn vĩnh viễn). Ý tưởng này đóng vai trò là nền tảng cho việc phát minh ra con số 0.

Nếu không có số 0 thì toán học sẽ không phát triển rực rỡ đến như vậy
Nếu không có số 0 thì toán học sẽ không phát triển rực rỡ đến như vậy.

Brahmagupta, một nhà toán học Ấn Độ, là người đầu tiên đưa ra các quy tắc, phép toán và định nghĩa của số 0, và nó đã xuất hiện trong cuốn sách Brahmasphuṭasiddhānta của ông. Đây là văn bản cổ nhất cho chúng ta biết rằng số 0 được xem là một "con số" thay vì một "vật giữ chỗ".

Vào thời điểm đó, biểu tượng cho số 0 là một dấu chấm lớn, vẫn rất khác so với biểu tượng mà chúng ta sử dụng ngày nay. Có lẽ do trong quá trình phát triển, người ta thấy được tầm quan trọng của số 0, và muốn nó trở nên dễ nhìn, dễ nhận biết hơn.

Nếu không có số 0 thì toán học sẽ không phát triển rực rỡ đến như vậy, và những ngành khoa học khác như vật lý, hóa học, tin học, v.v... những ngành liên quan chặt chẽ đến toán học có lẽ cũng sẽ không đạt đến đỉnh cao của nó, và loài người sẽ không có được nền văn minh như ngày nay.

Cập nhật: 20/01/2021 Theo Tinh tế
  • 46
  • 3.623