Phát hiện sinh vật đầu tiên trên thế giới có khả năng tự sản xuất kháng sinh

  •  
  • 197

Mới đây các nhà nghiên cứu ở Trung Quốc đã phát hiện ra loài ngao cứng châu Á (Meretrix petechialis) có thể tạo ra Erythromycin – một loại kháng sinh phổ biến được dùng để điều trị các tình trạng nhiễm khuẩn hô hấp, ngoài da hoặc ở mắt.

Cụ thể, loại ngao này có thể tổng hợp Erythromycin thông qua các tế bào giàu chất nhầy trong lớp mô bảo vệ bên ngoài.

 Loài ngao cứng châu Á Meretrix petechialis.
Loài ngao cứng châu Á Meretrix petechialis. (Ảnh: AFP).

Erythromycin là một loại kháng sinh được sử dụng để điều trị một số bệnh viêm nhiễm do vi khuẩn. Cho đến nay, loại kháng sinh này chỉ được tạo ra từ các chủng xạ khuẩn (hay còn gọi là nhóm vi khuẩn nhân sơ).

Trước khi nghiên cứu, các nhà khoa học luôn thắc mắc một câu hỏi không biết làm thế nào ngao có khả năng chống lại các mầm bệnh vi khuẩn mặc dù sinh sống trong một môi trường nhiều vi khuẩn xung quanh như bùn đất. Đặc biệt cơ thể chúng cũng không có hệ miễn dịch sản sinh tế bào lympho thích nghi.

Để tìm câu trả lời, các nhà nghiên cứu bắt đầu phân tích sự biến đổi gien của ngao trước và sau khi nhiễm khuẩn. Sau đó, nhóm khoa học đã xác định được một gien có khả năng mã hóa enzyme như một phần của quá trình tổng hợp erythromycin.

Giáo sư Liu Baozhong - người đứng đầu nhóm nghiên cứu làm việc tại Viện Hải dương học Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc (IOCAS) – cho biết: “Chúng tôi cũng ghi nhận việc sản xuất kháng sinh Erythromycin đối với ngao Bến Tre hay có tên khoa học là Meretrix lyrate. Điều này chứng minh các động vật biển không có xương sống có thể tự sản xuất kháng sinh erythromycin”.

Các nhà khoa học cho rằng phát hiện mới sẽ cung cấp cái nhìn sâu mang tính đột phá về khả năng bảo vệ môi trường và miễn dịch của nhóm động vật không xương, cũng như khả năng sản xuất kháng sinh.

Cập nhật: 07/12/2022 Báo Tin tức/Sputnik
  • 197