Những đứa trẻ kỳ lạ có "đôi mắt của cá heo"

  •   52
  • 7.993

Không như người thường, những đứa trẻ của một bộ lạc Thái Lan có thể nhìn rõ ràng phía dưới những cơn sóng - làm thế nào chúng có thể thực hiện được điều đó, và liệu khả năng đó có thể học được?

"Triều dâng, cũng là lúc những đứa trẻ bắt đầu bơi lội. Nhưng chẳng hề giống với những gì tôi đã thấy. Chúng lặn dưới nước, đôi mắt mở to – giống như những chú cá heo bé nhỏ vậy".

Sâu trong quần đảo tại biển Andaman, dọc bờ tây của Thái Lan có một bộ lạc nhỏ được gọi là người Moken, hay những du mục biển. Trẻ nhỏ tại đây dành gần như cả ngày dưới biển, lặn tìm thức ăn. Chúng rất phù hợp với công việc này – bởi chúng có thể nhìn được dưới nước. Và hóa chỉ cần một chút luyện tập, thì thị lực đặc biệt của chúng có thể có được trên bất cứ người trẻ nào.

Năm 1999, Anna Gislen của Đại học Lund, Thụy Điển khi đang nghiên cứu về những phương diện khác nhau của thị giác, đã được đồng nghiệp gợi ý về thị giác đặc biệt của bộ lạc Moken. "Tôi đã ngồi trong phòng thí nghiệm tối tăm qua ba tháng, nên tôi nghĩ: "ờ nhỉ, sao không đi tới Châu Á thay vì ngồi đây"", Gislen nói.

Người trưởng thành của bộ lạc này sẽ mất đi thị lực đặc biệt mà họ có khi còn nhỏ.
Người trưởng thành của bộ lạc này sẽ mất đi thị lực đặc biệt mà họ có khi còn nhỏ.

Gislen và con gái sáu tuổi của mình đã đi tới Thái Lan và hòa mình vào cộng đồng người Moken, những người sống trong những ngôi nhà nằm trên những cây sào. Khi triều dâng, lũ trẻ Moken sà xuống nước, lặn xuống để tìm thức ăn nằm thấp hơn hàng mét so với điểm mà Gislen và con gái của cô có thể nhìn rõ. "Mắt chúng mở to, săn tìm sò, ốc, và hải sâm, mà chẳng gặp khó khăn gì", cô nói.

Gislen đã thực hiện một thử nghiệm để xem thị giác dưới nước của lũ trẻ tốt đến mức nào. Đám trẻ rất hào hứng tham gia, Gislen nói: "chúng nghĩ đó chỉ là một trò vui".

Người Moken sống tại các quần đảo trên biển Andaman, và dọc bờ tây Thái Lan.
Người Moken sống tại các quần đảo trên biển Andaman và dọc bờ tây Thái Lan.

Lũ trẻ sẽ lặn xuống nước và hướng đầu chúng về một tấm bảng. Từ đó chúng sẽ thấy một đường thẳng hiển thị theo chiều ngang hay dọc. Một khi chúng nhìn thấy, chúng sẽ quay trở lại mặt nước và thông báo đường thẳng đó đi theo hướng nào. Mỗi lần lặn xuống, đường thẳng đó sẽ mỏng hơn, nhiệm vụ càng khó khăn hơn. Và trẻ nhỏ Moken có thể nhìn tốt gấp đôi những đứa trẻ Châu âu trong thử nghiệm tương tự được thực hiện sau này.

Điều gì đang diễn ra? Để nhìn rõ trên đất liền, ánh sáng đi vào mắt cần được khúc xạ lên võng mạc. Võng mạc nằm ở phía sau của con mắt và chứa những tế bào chuyên biệt, chuyển đổi tín hiệu ánh sáng thành tín hiệu điện để não biểu diễn thành hình ảnh.

Ánh sáng bị khúc xạ khi đi vào mắt người bởi giác mạc ngoài chứa nước, vốn đặc hơn so với không khí bên ngoài mắt.

Với việc luyện tập thì thị lực đặc biệt của trẻ em Moken có thể có được trên bất cứ người trẻ nào.
Với việc luyện tập thì thị lực đặc biệt của trẻ em Moken có thể có được trên bất cứ người trẻ nào.

Khi mắt ở dưới nước, nơi có cùng mật độ như giác mạc, ta mất đi khả năng khúc xạ của giác mạc, khiến cho hình ảnh trở nên mờ đi.

Gilsen đã tìm hiểu ra rằng để lũ trẻ Moken có thể nhìn rõ dưới nước, chúng sẽ phải hoặc là thích nghi để thay đổi cách đôi mắt hoạt động dưới nước, hoặc chúng sẽ học cách sử dụng đôi mắt khác đi dưới nước.

Ý tưởng đầu tiên dường như bất khả thi, bởi thay đổi cấu trúc của mắt đồng nghĩa với việc chúng sẽ không thể nhìn rõ khi trên cạn. Một bài kiểm tra mắt đơn giản đã chứng minh điều này – trẻ em Moken khi trên cạn nhìn rõ chẳng khác gì những đứa trẻ khác cùng trang lứa.

Rõ ràng đó phải là một loại điều chỉnh mắt nào đó, Gislen nghĩ. Có hai cách để bạn có thể tăng cường thị lực dưới nước trên lý thuyết. Bạn có thể thay đổi hình dáng của thủy tinh thể - hay còn gọi là điều tiết thị lực – hoặc bạn có thể làm cho con ngươi nhỏ lại, khiến trường ảnh tăng lên.

Cũng có thể đôi mắt của trẻ Moken đã thích nghi với nước biển, và tránh bị kích thích bởi muối.
Cũng có thể đôi mắt của trẻ Moken đã thích nghi với nước biển, và tránh bị kích thích bởi muối.

Kích thước của con ngươi rất dễ để đo đạc – và hóa ra chúng có thể co con ngươi lại tới giới hạn cực đại của con người. Nhưng chỉ riêng việc này cũng không thể hoàn toàn giải thích được vì sao chúng lại có thị lực như vậy. Điều này khiến Gislen tin rằng điều tiết thị lực cũng góp phần vào.

"Chúng tôi đã phải thực hiện những tính toán toán học để tìm hiểu xem thủy tinh thể điều tiết đến mức nào để chúng có thể nhìn xa nhất có thể", Gislen nói. Và nó cho thấy lũ trẻ cần phải có khả năng điều tiết tốt hơn rất nhiều so với những gì bạn nghĩ để có thể nhìn được dưới nước.

"Thông thường khi bạn ở dưới nước, mọi thứ quá mờ nên đôi mắt cũng chẳng tìm cách điều tiết, nó không phải là một phản xạ bình thường", Gislen nói. "Nhưng trẻ em Moken có thể cùng lúc làm cả hai việc – chúng có thể làm cho con ngươi nhỏ lại và thay đổi hình dáng thủy tinh thể. Hải cẩu và cá heo cũng có khả năng tương tự".

Người Moken trưởng thành bắt thức ăn phần lớn bằng cách phóng lao từ trên mặt nước.
Người Moken trưởng thành bắt thức ăn phần lớn bằng cách phóng lao từ trên mặt nước.

Gislen cũng đã thực hiện thử nghiệm tương tự với những người Moken trưởng thành. Họ không hề có thị giác đặc biệt dưới nước – có lẽ điều này lý giải vì sao người trưởng thành của bộ lạc bắt thức ăn phần lớn từ việc phóng lao từ trên mặt nước. "Khi ta già đi, thủy tinh thể trở nên kém linh hoạt hơn, nên hoàn toàn dễ hiểu vì sao họ mất khi khả năng điều tiết khi ở dưới nước", Gislen nói.

Gislen tự hỏi liệu lũ trẻ Moken có một gen di truyền bất thường nào đó để chúng có thể nhìn rõ dưới nước hay đó đơn giản chỉ do luyện tập. Để tìm hiểu, cô đã yêu cầu một nhóm trẻ em Châu Âu đang du lịch tại Thái Lan, và một nhóm trẻ nhỏ Thụy Điển tham gia vào một khóa luyện tập, trong đó chúng sẽ lặn xuống nước và nhìn xem những đường thẳng đi theo hướng nào. Sau 11 buổi luyện tập trong một tháng, cả hai nhóm đều có được thị lực dưới nước như những đứa trẻ Moken.

"Mỗi đứa trẻ đều khác nhau, nhưng tại một thời điểm nào đó thị lực của chúng sẽ bất ngờ cải thiện", Gislen nói. "Tôi đã hỏi xem liệu chúng có làm điều gì khác biệt và chúng nói: "Không, chỉ là giờ con nhìn rõ hơn thôi"".

Quê nhà của người Moken đã bị hủy diệt sau một cơn sóng thần.
Quê nhà của người Moken đã bị hủy diệt sau một cơn sóng thần.

Tuy nhiên, cô cũng nhận ra, những đứa trẻ Châu Âu sẽ bị đỏ mắt, do nước muối kích ứng, trong khi những đứa trẻ Moken thì chẳng gặp vấn đề gì. "Có lẽ một sự thích nghi nào đó đã khiến cho chúng có thể lặn xuống 30 lần mà chẳng hề bị kích ứng", cô nói.

Gislen mới đây cũng đã quay lại Thái Lan để thăm bộ lạc Moken, nhưng mọi thứ đã thay đổi rất nhiều. Năm 2004, một cơn sóng thần đã hủy diệt quê nhà của người Moken. Từ đó, chính phủ Thái Lan đã rất tích cực trong việc đưa họ lên đất liền, xây dựng nơi ở sâu trong đất liền và thuê những người trong bộ lạc làm việc tại Vườn Quốc gia. "Điều này rất khó khăn", Gislen nói. "Bạn muốn họ được an toàn và đem tới cho họ những gì tốt nhất của văn hóa hiện đại, nhưng việc đó cũng khiến cho họ mất đi văn hóa của chính mình".

Trong một nghiên cứu không công bố, Gislen đã thí nghiệm trên những đứa trẻ đã thực hiện thử nghiệm đầu tiên. Những đứa trẻ Moken, giờ đã sắp qua tuổi thiếu niên, vẫn có thể nhìn rõ dưới nước. Cô không thể thử nghiệm trên nhiều người trưởng thành bởi họ quá rụt rè, nhưng cô chắc chắn rằng họ sẽ mất đi khả năng nhìn dưới nước khi già đi. "Đôi mắt người trưởng thành không thể điều tiết nhiều như vậy", cô nói.

Không may thay, những đứa trẻ mà Gislen thử nghiệm có lẽ là những người cuối cùng trong bộ lạc có khả năng nhìn rõ dưới nước. "Họ không còn dành nhiều thời gian dưới biển như trước", cô nói, "nên tôi ngờ rằng liệu còn có những đứa trẻ nào của bộ lạc lớn lên trong thời đại này sẽ có được thị thực phi thường đó".

Cập nhật: 28/04/2016 Theo Trí Thức Trẻ
  • 52
  • 7.993