Quá khứ ly kỳ phản chiếu từ những lá bài tarot “tiên tri” tương lai

  •  
  • 178

Mang hình ảnh bí ẩn, chẳng hạn như Hanged Man hoặc Hierophant, những lá bài tarot đã truyền cảm hứng cho những câu chuyện kỳ ​​ảo về nguồn gốc của chúng. Ngày nay, gắn liền với bói toán, tarot thường được cho là có nguồn gốc từ Đông Á.

Các nhà nghiên cứu hiện tin rằng, luật chơi bài tarot không ra đời ở Trung Quốc hay Ấn Độ mà ở Italy thời Phục hưng. Bắt đầu là một trò chơi bài dành cho giới thượng lưu Italy, việc sử dụng bộ bài tarot để bói toán tương lai diễn ra muộn hơn nhiều.

Trong quá trình “tiến hóa” lâu dài, tarot đã duy trì một “hằng số” - khả năng thích ứng của nó. Như Helen Farley viết trong “A Cultural History of Tarot” (Lịch sử Văn hóa của Tarot), “tarot đã tiến hóa và thích nghi trong các dòng chảy văn hóa của những thời đại khác nhau”.

Hình ảnh những người chơi bài trong bức bích họa tại Palazzo Borromeo ở Milan
Hình ảnh những người chơi bài trong bức bích họa tại Palazzo Borromeo ở Milan, được vẽ vào năm 1450 - khoảng thời gian trò chơi tarocchi mới xuất hiện (tarocchi sau này được những người nói tiếng Pháp gọi là tarot). (Nguồn: National Geographic).

Việc sử dụng tarot ban đầu phản ánh sự chỉ trích đối với quyền lực của Giáo hội Công giáo. Sau đó, vào đầu thế kỷ 19, các lá bài đánh dấu sự chuyển hướng từ chủ nghĩa duy lý sang chủ nghĩa thần bí. Vai trò này đã gây được tiếng vang trong thời kỳ biến động của đại dịch cúm Tây Ban Nha (1918-1919) và hai cuộc Thế chiến.

Sự chiến thắng của những lá bài

Mặc dù tarot là một phát minh của châu Âu, các trò chơi bài mà nó bắt nguồn được phát minh ở Trung Quốc, sau đó lan truyền về phía Tây đến thế giới Arab và Hồi giáo. Đến Italy vào những năm 1300, có thể là từ Ai Cập, trò chơi bài nhanh chóng trở nên phổ biến trong mọi tầng lớp xã hội ở châu Âu.

Một bộ bài còn sót lại từ Ai Cập, được tìm thấy tại Cung điện Topkapi ở Istanbul, “dán nhãn” các lá bài hoàng gia là vua nhưng không đại diện cho hình người.

Ngược lại, các bộ bài châu Âu đầu tiên có hình ảnh con người: Những người bán cá hoặc giáo sỹ, cũng như vua, hoàng hậu… quen thuộc trong các bộ bài hiện đại.

Vào những năm 1370, ngay sau khi xuất hiện ở châu Âu, trò chơi bài bắt đầu bị nhà thờ phản đối. Người ta đã cố gắng cấm trò chơi này, coi đó là hoạt động cờ bạc phù phiếm. Các tài liệu lưu trữ của các thành phố ghi lại những nỗ lực cấm trò chơi bài ở Florence và Paris vào những năm 1370, ở Barcelona và Valencia vào những năm 1380.

Trên thực tế, việc cấm chơi bài rất khó thực thi, và chơi bài vẫn phát triển mạnh mẽ bất chấp điều đó. Những trò chơi như vậy rất phổ biến trong giới quý tộc, những người có bộ bài được vẽ tay tinh xảo và cất giữ trong những chiếc hộp được trang trí đẹp mắt.

Manh mối đầu tiên về sự xuất hiện của tarot được tìm thấy trong một lá thư viết năm 1449 - từ một đội trưởng quân đội người Venice gửi nữ hoàng Naples, Isabella xứ Anjou, trong đó ông tặng bà một bộ bài đặc biệt. Bức thư cho biết một hoàng tử trẻ của Milan, Công tước Filippo Maria Visconti, đã nghĩ ra trò chơi này trước đó 30 năm.

Theo bức thư, Visconti đã giao cho Michelino da Besozzo, một họa sỹ nổi tiếng, vẽ những lá bài “với sự khéo léo và những trang trí tuyệt vời nhất”.

Francesco Fibbia với một số lá bài của mình.
Francesco Fibbia với một số lá bài của mình. (Nguồn: Alamy/National Geographic)

Bộ bài không tồn tại qua nhiều thế kỷ, nhưng người ta tin rằng nó bao gồm 16 vị thần cổ điển, được chia thành bốn cấp bậc: Đức hạnh, Giàu có, Trinh tiết và Khoái lạc. Ví dụ, Venus thuộc cấp bậc Khoái lạc, và Apollo thuộc cấp Đức hạnh.

Các nhà sử học tin rằng mô tả của lá thư về bộ bài đánh dấu một giai đoạn chuyển tiếp giữa bộ bài chuẩn thời Phục hưng và sự phát triển của bộ bài tarot ngày nay.

Các bộ bài khác hình thành trong lịch sử tarot bao gồm bộ bài Visconti-Sforza, được con rể của Visconti, Francesco Sforza, ủy quyền làm ra.

Vào những năm 1440, một bộ bài khác xuất hiện ở thành phố Bologna của Italy, do nhà quý tộc Francesco Fibbia phát triển. Bộ bài 62 lá này được sử dụng để chơi trò mà người ta gọi là “tarocchi” - một trò chơi mà khi lan rộng khắp châu Âu, được gọi là “tarot” trong tiếng Pháp.

Trên các quân bài

Sự phổ biến của tarot trong thời kỳ Phục hưng có lẽ không phải ngẫu nhiên.

Như tác giả Farley đã lưu ý, thời kỳ Phục hưng được đặc trưng bởi "niềm vui của thú vui trần tục và ý thức ngày càng tăng về sự độc lập và thể hiện cá nhân".

Giữa sự hào nhoáng của nghệ thuật, nước Italy thời Phục hưng cũng bị tàn phá bởi chiến tranh, trong khi tính phô trương sự xa hoa và giàu có của nhà thờ gây ra sự khinh miệt.

Thiết kế của các lá bài tarot mô phỏng sự hỗn loạn đó. Bộ bài Visconti-Sforza phản ánh sự phổ biến của nạn tham nhũng trong nhà thờ và sự cận kề của cái chết dữ dội và đột ngột. Một trong những hình ảnh trong bộ bài là một bộ xương cầm cung và tên.

Bất chấp những hình ảnh bạo lực như vậy, trong 200 năm, tarot vẫn là một trò chơi. Sau đó, vào cuối thế kỷ 18 ở Pháp, nó đã trải qua một sự chuyển đổi. Như một phản ứng với chủ nghĩa duy lý được tôn thờ trong Khai sáng, chủ nghĩa bí truyền đã trở nên phổ biến hơn.

Sau chiến dịch của Napoleon ở Ai Cập vào cuối những năm 1700, chủ nghĩa bí truyền này đã được thúc đẩy bởi sự say mê với mọi thứ của Ai Cập.

Tâm linh hóa tarot

Giả định phổ biến rằng tarot là một hiện vật của trí tuệ cổ đại phần lớn là tác phẩm của các nhà văn Pháp thế kỷ 19, đặc biệt là Antoine Court de Gébelin, người đã bị mê hoặc bởi “Egyptomania” – thuật ngữ ám chỉ Ai Cập cổ đại trong trí tưởng tượng của phương Tây.

Ông đưa ra giả thuyết rằng tarot xuất phát từ một giáo sỹ Ai Cập cổ đại sử dụng Book of Thoth” (tạm hiểu: Sách Thoth - tên gọi của nhiều văn bản Ai Cập cổ đại do Thoth, vị thần viết lách và tri thức của Ai Cập, viết ra) buộc phải che giấu bí mật của họ trong một trò chơi để đảm bảo sự sống còn của họ.

Một hình ảnh quen thuộc từ các lá bài tarot, Bánh xe May mắn
Một hình ảnh quen thuộc từ các lá bài tarot, Bánh xe May mắn, được trang trí trên sàn Nhà thờ Siena ở Italy từ thế kỷ 14 đến thế kỷ 16. (Nguồn: Alamy/National Geographic).

Bên kia eo biển Manche, các thành viên của hội Golden Dawn huyền bí đã thiết kế lại bộ bài tarot. Nhà huyền bí Arthur Edward Waite và họa sỹ Pamela Colman Smith đã tạo ra bộ bài Waite-Smith vào đầu những năm 1900, liên kết nó với những bí ẩn về chén thánh, những câu chuyện thời trung cổ tập trung vào nơi cất giữ chiếc chén mà Chúa Jesus đã sử dụng trong Bữa Tiệc Ly - bữa ăn cuối cùng mà Chúa Jesus đã dùng với các môn đồ trước khi Ngài bị phản bội và bị bắt.

Trong những năm sau Thế chiến thứ nhất, nhiều người châu Âu và Bắc Mỹ đã lấy lại hứng thú với thuyết duy linh, để kết nối lại với những người thân yêu đã mất trong chiến tranh. Là một công cụ bói toán, tarot một lần nữa trở nên phổ biến.

Nhà thơ người Mỹ TS Eliot đã sử dụng các lá bài trong bài thơ năm 1922 của mình, "The Waste Land" (Tạm dịch: “Vùng đất hoang”) - một biên niên sử về sự tàn phá tâm linh sau chiến tranh.

Sự hồi sinh hiện đại

Vào những năm 1970, phong trào New Age (Thời đại Mới) đã trở thành một lực lượng vì hòa bình trong bối cảnh hỗn loạn và căng thẳng của Chiến tranh Lạnh.

Một lần nữa, vai trò của tarot đã thay đổi để phản ánh thời đại. Chức năng bói toán và tâm linh trước đây của tarot đã được chuyển đổi thành chức năng tự chữa lành.

Trong những năm gần đây, tarot một lần nữa lại trở thành xu hướng văn hóa, chỉ ra nhu cầu mới về trí tuệ tâm linh. Khi nhu cầu tìm kiếm các nguồn hỗ trợ cho sức khỏe tâm thần tăng lên, nhiều người đang tìm đến trò chơi này.

Bộ bài chuẩn 78 lá được người chơi coi là giúp nâng cao nhận thức về cảm xúc của mọi người trong giai đoạn lo lắng toàn cầu. Bộ bài tarot có vô số chủ đề phổ biến, phản ánh mong muốn bất diệt về hình ảnh vừa dễ liên tưởng vừa thoát khỏi thực tế.

Trong thời kỳ hỗn loạn và chiến tranh của thời Phục hưng, những người dùng tarot đầu tiên cũng đã tìm thấy niềm an ủi tương tự.

Cập nhật: 06/12/2024 Vietnam+
  • 178