Những kẻ lừa đảo bằng "chữ tín online"

  •  
  • 547

Bây giờ tôi không dám mua hàng qua mạng nữa.” – Đó là khẳng định chắc nịch của rất nhiều nick quen thuộc trên box Thời trang-Mỹ phẩm-Trang sức của mạng Trái tim VN Online (TTVNOL). Sau những cú sốc liên tiếp bởi các vụ lừa đảo ngoạn mục và những vụ việc rùm beng liên quan tới “hàng giả, hàng thật”, những netizen (công dân mạng) vốn quen với việc mua hàng online đã bị rơi vào cuộc “khủng hoảng niềm tin” sâu sắc.

Liên tiếp scandal 

Cuối năm 2005, cũng trên box Thời trang-Mỹ phẩm-Trang sức (thường gọi là f363), không khí mua sắm online cực kỳ sôi động. Nhưng năm nay, lướt qua "f363", dễ dàng nhận thấy một không khí trầm lắng và có phần buồn tẻ. Đó là hệ quả của một loạt các vụ lừa đảo rùm beng trong suốt thời gian qua.

Áo cũ, nhàu nát và mỹ phẩm quá date mà Enrique81 gửi cho khách hàng thay vì những sản phẩm hàng hiệu như thoả thuận

Mở đầu bằng vụ nickname Enrique81 “ẵm” gần 20 triệu tiền đặt cọc của 9 thành viên trên TTVNOL và thay vì máy tính xách tay, quần áo, mỹ phẩm hàng hiệu như đã thoả thuận thì Enrique lại gửi cho họ toàn quần áo cũ, nhàu nát, mỹ phẩm quá date. Sự việc ầm ĩ trên mạng, khiến admin (người điều hành) phải tham gia tìm cách giải quyết và nhờ tới sự can thiệp của cảnh sát kinh tế.

Chiêu lừa đảo của Enrique81 không quá tinh vi, nhưng lại đánh trúng tâm lý của những người mua bán online trên f363 là rất tôn trọng và tin tưởng lẫn nhau. Dù Enrique là một cái nick lạ, không ai biết tên thật, địa chỉ của cô ta (hay anh ta?) nhưng vẫn vui vẻ đặt cọc trước 50% giá trị món hàng. Đặc biệt nickname Debon..., một “chuyên gia” mua hàng online còn đặt cọc số tiền lên tới 13 triệu đồng.

Đến khi chờ đợi mãi không thấy hàng về, một số bạn lo lắng và nổi nóng nhưng nhiều bạn, trong đó có cả Debon..., vẫn bình tĩnh và bày tỏ sự tin tưởng vào Enrique81. Phải đến khi nhận được đống “phế phẩm” thay vì hàng hiệu thì mọi người mới thực sự bàng hoàng vì quả lừa... hoành tráng quá.

Cuối tháng 11/2006, một topic trên box Làm đẹp của TTVNOL với câu hỏi “Mua nước hoa của Linhperfume có an tâm không nhỉ?” đã thổi bùng lên cuộc tranh luận nóng bỏng nhất trong năm 2006 của TTVNOL. Linhperfume được coi là một “thương hiệu” bán nước hoa trực tuyến nổi tiếng nhất VN hiện nay.

Nhưng trong topic này, hàng loạt nickname tự xưng là “nạn nhân” mua phải nước hoa giả từ Linhperfume đã lên tiếng yêu cầu Linhperfume phải bồi thường. Chỉ trong có vài ngày, số lượt người đọc đã lên tới vài trăm nghìn và topic đã kéo tới 180 trang (dù quy định của TTVNOL, tối đa mỗi topic chỉ được 100 trang). Cùng lúc đó, có khoảng hơn chục topic khác được mở để bàn về nước hoa “thật, giả” của Linhperfume làm náo loạn cả box Làm đẹp.

Sự việc càng trở nên căng thẳng khi Linhperfume không những không tìm cách giải đáp thắc mắc của khách hàng, mà còn chửi họ với những lời lẽ tục tĩu và cố tình lảng tránh các câu hỏi của họ. Lúc này mới vỡ lở chuyện Linhperfume ăn quịt tiền đấu giá nước hoa mà anh ta đã từng hứa sẽ gửi cho quỹ từ thiện và quịt cả giải thưởng cuộc thi viết cảm xúc về nước hoa do chính mình tổ chức.

Ngay sau đó, f363 lại nóng lên với vụ một số khách hàng nghi ngờ nickname Miuxinh bán phấn MAC giả và đã gửi ảnh hộp phấn đó qua email tới công ty MAC để nhờ xác nhận. Kết quả, đại diện phía MAC khẳng định họ không hề sản xuất loại phấn 2 tầng mà Miuxinh đang bán.

Đồng thời, nhiều bạn tá hoả khi phát hiện ra ở chợ Bến Thành (TP.HCM) và chợ Đồng Xuân (Hà Nội) bán đầy rẫy hộp phấn y hệt với giá 27.000 đồng, bằng 1/10 giá Miuxinh bán trên mạng. Như vậy, nếu thực sự phấn Miuxinh bán là giả thì cô ta đã lừa hàng chục triệu của khách hàng.

Niềm tin không trở lại 

Chai Tresor bị bay mất chữ trên vỏ mà một khách hàng khẳng định đã mua của Linhperfume. Ảnh: TTVNOL.

Nickname Awitch chia sẻ: “Tham gia cộng đồng net, đặc biệt là mua bán online, chúng tôi đều hiểu sự tin tưởng lẫn nhau là quan trọng nhất. Bởi bạn phải gửi tiền cho một người bạn không hề quen biết, phải nhận món hàng không rõ xuất xứ từ đâu.”

Thực tế, trước kia, f363 vốn luôn được coi là một mái nhà chung của những người thích làm đẹp. Các thành viên tuy không quen biết nhưng vẫn coi nhau như bạn bè thân thiết, như chị em và sẵn sàng đặt những món hàng trị giá tới hàng triệu đồng, thậm chí hàng chục triệu đồng mà không hề lo lắng, nghi ngại.

Ngay cả khi không thấy tăm hơi của Enrique81, nhiều người vẫn tin tưởng là có sự cố gì đó chứ không phải lừa đảo. Thậm chí Enrique81 nói dối “Mình đang phải chăm sóc bạn trai trong bệnh viện nên chưa có thời gian gửi đồ về”, mọi người còn an ủi, động viên và nhẫn nại chờ đợi.

Rồi đến thời điểm vụ “siêu lừa” Enrique81 lộ mặt, cộng đồng f363 vẫn động viên nhau tin tưởng và tiếp tục mua, bán hàng. Hay khi “thương hiệu” Linhperfume sụp đổ trong mắt nhiều thành viên, thì họ vẫn chỉ coi đó là “con sâu làm rầu nồi canh”.

Phải đến khi cảm thấy mình bị một “con nhóc 18 tuổi” lừa thì mọi người mới thực sự bức xúc. Tuy nhiên, ban đầu, những nạn nhân mua phấn MAC của Miuxinh đều rất bình tĩnh, nhẹ nhàng khuyên Miuxinh xin lỗi và bồi thường cho mọi người.

Nickname Cherry286 cho biết: “Thương cho cô bé mới 18 tuổi đã mắc sai lầm, chúng tôi đã cho Miuxinh nhiều cơ hội để xin lỗi mọi người. Nhưng thái độ của cô ta rất ngoan cố và có phần xấc xược khiến sau một thời gian dài chờ đợi, các khách hàng phải tập hợp nhau lại và tìm cách nhờ công an can thiệp.”

Nhưng mọi người vẫn đang tiếp tục mong đợi sự hối lỗi của Miuxinh và sẵn sàng tha thứ bởi Miuxinh còn quá trẻ và không ai muốn hại “tương lai của một con người” - floweremperor, một khách hàng của Miuxinh bày tỏ.

Hải Yến, một khách hàng khác cho biết: “Tôi rất bàng hoàng và xót xa vì mua phải phấn rởm. Không những thiệt hại về kinh tế mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ, đặc biệt là làn da. Tôi biết trên này còn nhiều người bán hàng uy tín, nhưng từ nay tôi cạch, không dám mua hàng online kiểu này nữa vì chẳng thể tin tưởng người lạ 100% được.”

Julliette_pham, một “thương hiệu” bán mỹ phẩm khá uy tín trên f363 tâm sự: “Những người bán hàng chân chính như chúng tôi bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ các vụ lừa đảo như thế này. Thậm chí tôi đã mệt mỏi tới mức định thôi bán hàng online mà ra mở shop cho tiện.

Đầu năm 2007, tôi sẽ về nước và đối chất với những người nghi ngờ sản phẩm của tôi. Cũng may là nhiều khách hàng tin tưởng liên tục gọi điện, nhắn tin động viên tôi tiếp tục bán hàng vì “sự nghiệp” làm đẹp của chị em. Thú thực, những vụ như thế này khiến mọi người đều oải. Bản thân tôi từ giờ cũng không dám mua hàng của những người lạ trên mạng nữa.


Sau những vụ lừa đảo online, thiệt hại về kinh tế đã rõ ràng, nhưng có một thứ thiệt hại vô hình nhưng cũng rất to lớn. Đó là niềm tin vào một cộng đồng online trong sáng và chân thành, niềm tin vào một thế giới ảo trong sáng và thân thiện đã bị "bôi bẩn" nghiêm trọng.

Lan Hương

Theo VietNamNet
  • 547