Những kỹ thuật độc đáo giúp các loài vật "sống khỏe" qua mùa đông

  •  
  • 94

Đào hang trong đất, ngủ đông và thở dưới nước, hay quần tụ để giữ ấm... là một số "chiến lược" đáng ngạc nhiên giúp động vật sống sót qua mùa đông giá rét.

Trong khi chúng ta có thể chỉ cần mặc thêm áo len hoặc điều chỉnh điều hòa nhiệt độ để “ấm áp” qua mùa đông, động vật hoang dã có những cách riêng để vượt qua những tháng ngày giá rét.

Dưới đây là một số “kỹ thuật” độc đáo:

Nhện đào hang trong đất

Nhiều loài nhện sống trên mặt đất ở Bắc Mỹ, chẳng hạn như nhện sói, vượt qua mùa đông bằng cách đào hang trong đất, dưới lớp lá rụng hoặc bên trong khúc gỗ.

"Sự chênh lệch nhiệt độ giữa bề mặt băng tuyết đóng băng và chỉ vài inch (vài cm) dưới lớp phủ thường gây ngạc nhiên" - nhà sinh thái học George Uetz, một chuyên gia về nhện tại Đại học Cincinnati ở Ohio, cho biết.

"Nhiều loài nhện và côn trùng hoạt động trong môi trường 'dưới nhiệt độ đóng băng' này, hoặc đôi khi cao hơn vài độ so với nhiệt độ đóng băng".

Vì nhện là động vật biến nhiệt và không sản sinh ra nhiệt cơ thể nên quá trình trao đổi chất của chúng chậm lại khi nhiệt độ giảm. “Mặc dù vậy, không có gì lạ khi nhìn thấy nhện và côn trùng hoạt động vào những ngày ấm áp” - Uetz nói.

Nhiều loài nhện “dệt” túi trứng với nhiều lớp cách nhiệt bằng tơ để bảo vệ trứng của chúng trong suốt mùa đông. Ví dụ, nhện vườn đen vàng nở trứng vào mùa Thu, do đó những con nhện non tụ tập trong túi trứng suốt mùa đông để rồi xuất hiện hàng loạt vào mùa Xuân.

Uetz cho biết một số loài nhện cũng có “vũ khí bí mật”: Vào những đêm Thu mát mẻ, chúng sản sinh ra những hợp chất đặc biệt giống như chất chống đông để ngăn các tinh thể băng hình thành bên trong cơ thể chúng. Đây là một “mẹo” hữu ích để tồn tại đến mùa Xuân mà không bị đóng băng.

Rùa ngủ đông và thở dưới nước

Rùa vốn chậm chạp vào mọi mùa, và khi mùa đông đến gần, chúng thực sự giảm hoạt động.

Một số loài, như rùa hộp phương đông, chỉ đào hang dưới đất, thu mình vào mai và chuyển sang trạng thái ngưng hoạt động - được gọi là ngủ đông. Chúng sống sót bằng cách đốt cháy chất béo dự trữ.

Rùa sơn dành mùa đông “ngâm mình” dưới đáy nước, giúp chúng không bị đóng băng ngay cả khi bề mặt đóng băng. Vì nhiệt độ cơ thể của những động vật biến nhiệt này phù hợp với nhiệt độ của nước xung quanh nên cái lạnh không phải là vấn đề.

Thông thường, những loài bò sát này hít thở không khí, nhưng vào mùa đông, chúng đã tiến hóa khả năng hấp thụ oxy từ nước và thải carbon dioxide vào đó.

Jackie Litzgus, nhà sinh vật học tại Đại học Laurentian ở Ontario, cho biết: "Khi động vật biến nhiệt gặp thời tiết lạnh, chúng không cần nhiều O2. Vì vậy những gì chúng có thể hấp thụ từ nước thường đủ để chúng vượt qua mùa đông".

Rùa trao đổi khí thông qua các mạch máu “chuyên biệt” gần bề mặt da, niêm mạc miệng và thậm chí cả lỗ huyệt - một khoang vừa đóng vai trò là nơi thải chất thải vừa là lỗ sinh sản.

Khi oxy trở nên cực kỳ khan hiếm, rùa sơn và rùa ngoạm thậm chí có thể chuyển sang chế độ trao đổi chất không cần oxy. Quá trình hô hấp theo cách này tạo ra sự tích tụ axit lactic nguy hiểm, nhưng rùa có thể ăn canxi từ mai của chúng để trung hòa sự tích tụ axit.

Ong mật quần tụ và “sinh nhiệt”

Khi trời lạnh hơn, chúng sẽ ép vào bên trong, cải thiện khả năng cách nhiệt
Khi trời lạnh hơn, chúng sẽ ép vào bên trong, cải thiện khả năng cách nhiệt. (Nguồn: National Geographic).

Khi nhiệt độ giảm, ong mật châu Âu bay về tổ, tụ tập lại với nhau và hoạt động trong suốt những tháng dài mùa đông.

Thomas Seeley, nhà sinh vật học tại Đại học Cornell, cho biết: "Điều này rất độc đáo, không có loài côn trùng nào khác có thể qua mùa đông bằng cách giữ ấm cho cơ thể".

Ong thợ tập trung quanh ong chúa, điều chỉnh thành phần của “cụm ong” để phù hợp với sự thay đổi nhiệt độ. Những con ong tạo ra nhiệt bằng cách co và giãn đồng thời hai nhóm cơ được sử dụng để di chuyển cánh khi bay.

Seely giải thích rằng: "Năng lượng chúng tiêu hao không phải để di chuyển hay làm bất cứ điều gì khác ngoài việc tạo ra nhiệt".

Chỗ của ong chúa ở giữa đàn là nơi ấm áp và thoải mái nhất, nhưng ngay cả những con ong ở ngoài cùng cũng không bị đóng băng. Khi trời lạnh hơn, chúng sẽ ép vào bên trong, cải thiện khả năng cách nhiệt và nén chặt khu vực cần được giữ ấm.

"Những con ong ở lớp ngoài cùng dày đặc có mục đích giữ nhiệt độ trên 50 độ F [10 độ C)]”. Điều đó giúp chúng sống sót" - Seely cho biết.

“Chiến lược” này phụ thuộc vào nhiều tháng “lập kế hoạch”. Trong những tháng mùa Hè nhiều hoa, ong sản xuất và lưu trữ 90 pound (hơn 40kg) mật để duy trì tổ qua mùa đông. Chúng cũng chọn vị trí một cách khôn ngoan, hướng đến đỉnh của một hốc cây rỗng, để tạo ra một môi trường ấm áp.

Sóc chuột “xây” hầm trú ẩn

Sóc chuột là thành viên của họ sóc, nhưng không giống như họ hàng đuôi rậm của chúng, bạn sẽ không thấy chúng ra ngoài và đi lại suốt mùa đông. Chúng cũng không ngủ đông suốt cả mùa, giống như loài chuột chũi trước khi xuất hiện để báo hiệu thời điểm mùa Xuân .

Thay vào đó, những loài động vật có vú nhỏ này sống trong các hệ thống hang, đường hầm và “buồng” phức tạp mà chúng “xây dựng” để kết nối những lỗ nhỏ chứa đầy các loại hạt, hạt giống và các loại thức ăn dự trữ khác.

 Sóc chuột phương Đông
Sóc chuột phương Đông đào hang gần những khúc gỗ mục hoặc đống đá, khoét một đường hầm dẫn đến các "căn phòng" của mình, bao gồm cả "nhà vệ sinh." (Nguồn: Shutterstock/National Geographic) 

Sóc chuột phương đông dành nhiều ngày trong trạng thái ngủ đông, trong thời gian đó nhịp tim của chúng giảm từ khoảng 350 nhịp xuống còn “một con số,” và nhiệt độ cơ thể của chúng giảm từ 94 độ F (34 độ C) xuống mức nhiệt của môi trường xung quanh hang - thấp tới 40 độ F (hơn 4 độ C). Nhưng cứ vài ngày chúng lại thức dậy để ăn và sử dụng các “buồng vệ sinh” nhất định.

Chim tuyết bay đến vùng khí hậu ấm áp hơn

Theo Jill Deppe, Giám đốc Sáng kiến Chim di trú của Hiệp hội Audubon Quốc gia, hơn 70% các loài chim “sân sau” tại Mỹ và Canada là loài di cư và nhiều loài bay về phía Nam để trú đông.

“Vì vậy, ngay cả khi họ không hẳn đã biết những con chim đó là loài chim gì, mọi người vẫn nhận thấy rằng vào mùa Thu, sân sau nhà họ trở nên yên tĩnh hơn”.

Công cụ Bird Migration Explorer của Audubon lập bản đồ các chuyến bay hằng năm của hơn 450 loài chim di cư đến những nơi ấm áp hơn - và một số loài “rất khó hiểu”.

Loài chim ruồi cổ đỏ này chỉ nặng bằng một đồng xu, nhưng trên đường chúng đến Trung Mỹ, một số trong số chúng phải bay qua Vịnh Mexico - dài đến 500 dặm (805km) - chỉ trong một ngày.

“Chúng rất nhẹ, dường như chúng có thể cưỡi gió” - Deppe nói. Trong khi đó, một số loài chim ruồi hung ở miền Tây nước Mỹ “phá vỡ khuôn mẫu bay về phương Nam”.

"Một số loài chim sẽ bay đến những nơi bạn không ngờ tới" - Deppe nói. “Có khá nhiều loài thực sự bay về phía đông, vì vậy bạn sẽ thấy chúng ở sân sau nhà ở Louisiana hoặc Florida vào mùa đông".

“Nếu trời trở lạnh ở nơi bạn sống, hãy nâng ly chúc mừng những loài động vật kiên cường có thể tự mình vượt qua những mùa khắc nghiệt nhất”.

Cập nhật: 09/12/2024 Vietnam+
  • 94