Những loài cá cảnh đẹp nhất

  •   2,97
  • 11.878

Cá cảnh là một trong những loài sinh vật vô cùng phong phú về màu sắc, chủng loại và hình dáng. Nuôi cá cảnh không chỉ đem lại thú vui, đẳng cấp cho các dân chơi cá sành sỏi mà chúng còn đem lại sự may mắn, thành công trong công việc cũng như học hành thi cử.

Hãy cùng chiêm ngưỡng các loại cá cảnh với vẻ đẹp rực rỡ và cuốn hút các loại cá cảnh theo góc nhìn khoa học nhé!

Cá rồng

Cá rồng

Cá rồng có danh pháp khoa học là Osteoglossidae, được mệnh danh là ông vua trong thế giới cá cảnh, sống trong môi trường nước ngọt, cá rồng không những được nhiều dân chơi cá cảnh chuyên nghiệp mà còn được rất nhiều khu vui chơi, du lịch sinh thái săn lùng.

Vóc dáng to hung dữ nhưng chúng lại sở hữu một phong thái kiêu sa, hút hồn mà không phải loài cá cảnh nào cũng có. Vì vậy đặt bể cá rồng trong nhà thể hiện sự uy nghi, thu hút tài lộc và xua đuổi tai họa, tà ma. Thân thon dài và dẹt bên, một đôi râu mõm dài, vẩy to, chiều dài có thể đạt từ 60-90 cm, có thể tối đa đạt 120cm và nặng hơn 7kg.

Cá rồng là loài ăn tạp, sống thành bầy khoảng 5-8 con, trứng cá có kích thước to và số lượng ít, được ấp trong miệng cá mẹ cho tới khi trứng nở. Vì vậy cần trang bị bể cá thật to, với thể tích tối thiểu là 750 lít cho con đầu tiên với lọc nước tốt, và thêm khoảng 100 lít bổ sung nữa cho mỗi con kế tiếp, để chúng thoải mái bơi lội. Đồng thời chú ý chuẩn bị các loại thức ăn như côn trùng, thạch sùng, ếch hay các loại cá nhỏ lọc nước và bổ sung nước mỗi khi cần thiết để gia tăng tuổi thọ cho chúng.

2. Cá dĩa (hay cá đĩa)

Cá dĩa

Cá dĩa có tên khoa học là Symphysodon, thuộc họ cá Rô phi, sống ở vùng nhiệt đới ở Nam Mỹ, dưới dòng sông Amazon.

Nếu như cá rồng được mệnh danh là ông vua trong thế giới cá cảnh nước ngọt, thì cá dĩa được ví như một nữ hoàng trong thế giới ấy. Với thân hình to tròn giống như cái đĩa, nhưng lại sở hữu vẻ đẹp vô cùng thanh thoát, tạo cảm giác thư thái, nhẹ nhàng xua tan mệt mỏi khi ngồi ngắm chúng. Chúng được dân chơi cá cảnh yêu mến phong danh hiệu nữ hoàng.

Cá đĩa thường bơi thành từng đàn với dáng vẻ nhẹ nhàng uyển chuyển, kích thước của cá trưởng thành rơi vào khoảng 15-20 cm. Nếu nuôi một bể cá đĩa, bạn nên cho chúng ăn trùn đỏ, trùn chỉ, bo bo hay loăng quăng. Chúng không kén ăn nhưng lại tương đối khó nuôi vì chúng chỉ sống trong môi trường nước thật sạch thì mới khỏe mạnh được. Giống cá này khó sinh sản trong môi trường nhân tạo, mỗi chu kì chúng có thể đẻ 200-400 trứng.

3. Cá Koi Nhật Bản

Cá Koi

Cá Koi hay cụ thể hơn cá chép Nishikigoi, là loại cá chép được thuần hóa và lai tạo để nuôi làm cảnh. Ở Nhật, cá Koi được xem là quốc ngư biểu tượng cho sự may mắn, thịnh vượng với vô số loại khác nhau.

Thuộc họ cá chép, sống trong môi trường nước ngọt nên chúng có tập tính giống với cá chép có khả năng thích nghi cao trong điều kiện môi trường sống khắc nghiệt, thức ăn đa dạng, dễ nuôi và có tuổi thọ rất cao.

Tùy vào điều kiện môi trường sống cá Koi Nhật Bản từ 2-3 năm tuổi có thể đẻ 150- 200 nghìn trứng, chúng thường đẻ vào ban đêm và buổi sáng sớm. Màu sắc chủ đạo của loài cá này là đỏ và trắng, nhưng sau quá trình lai tạo và tiến hóa hiện cá Koi đã có nhiều màu sắc phong phú hơn so với ban đầu.

4. Cá hề

Cá hề

Là một loại cá biển có tên tiếng Anh là Amphiprioninae hay Clownfish, sống ở các dải đá ngầm và rạn san hô, nằm trong nhánh cá hề thuộc gia đình họ Cá thia. Chúng có kích thước khoảng 10-18 cm, thường sống cộng sinh với hải quỳ, màu sắc vô cùng phong phú như vàng, cam, đỏ nhạt, đen xem sọc trắng,…

Là loài ăn tạp nên thức ăn chủ yếu của chúng là các loại phù du, ấu trùng sống đuôi, sâu và các loại tảo biển,… chúng giao tiếp với nhau bằng cách đập hai hàm vào nhau để tạo ra một chuỗi liên tiếp các tiếng lách cách nhanh.

Cá hề có thể đẻ hàng trăm đến hàng nghìn trứng trên bất kì bề mặt phẳng nào của hải quỳ và thường đẻ vào lúc trăng tròn. Con đực sẽ có nhiệm vụ bảo vệ trứng cho đến khi chúng nở khoảng 6-10 ngày.

5. Cá ngựa vằn

Cá ngựa vằn

Cá ngựa vằn có tên khoa học là Hippocampus comes, thuộc họ cá chép, sống chủ yếu ở dưới đáy thủy triều và các rạn san hô. Là loại cá cảnh ăn tạp, thức ăn chủ yếu của chúng thường là giun, động vật thân giáp hay côn trùng,…

Cá ngựa vằn đẻ trứng quanh năm tập trung vào mùa mưa, có chu kì sinh sản ngắn, trứng cá thường rất nhỏ nở sau 2-3 ngày và thường bị các loài khác hay chính bố mẹ chúng ăn. Bởi vậy nên hạn chế nuôi cá ngựa với các loại cá khác và tăng cường thêm lục bình hay rong rêu để trứng bám vào, tránh tình trạng mất mát số lượng lớn trứng cá.

Hiện loại cá này có nhiều màu sắc nổi bật như cá ngựa vằn đỏ, cá ngựa vằn xanh, cá ngựa vằn vàng,... Với đặc tính dễ nuôi, nhanh nhẹn và đẹp mắt cá ngựa vằn được nhiều dân chơi cá cảnh lựa chọn để nuôi trong các bể thủy sinh, chúng thường bơi thành đàn như các chiến mã đi duyệt binh trông vô cùng đẹp mắt.

6. Cá la hán

Cá la hán

Cá la hán có tên tiếng Anh là Flower Horn là một trong những loài cá cảnh nhiệt đới được các nghệ nhân lai tạo từ cá hồng két và cá rô phi. Được gọi với cái tên La Hán bởi chúng sở hữu chiếc đầu gù to giống như 1 ông tiên, cùng với màu sắc sặc sỡ ở hai bên hông và là biểu tượng cho sự may mắn và thịnh vượng.

Thức ăn chủ yếu của chúng thường là tôm tép, ốc, cá con, gan và thịt băm nhuyễn,… Cá La Hán sinh sản dễ dàng và được cho nhân tạo trong hồ kính. Là loài cá cảnh dễ nuôi, mạnh khỏe và ít bệnh nên tuổi thọ của chúng khá cao ( trên 10 năm ), kích thước có thể đạt được là 25-30 cm.

7. Cá hồng két

Cá hồng két

Cá hồng két có tên tiếng Anh là blood parrot cichlid hay còn được gọi là cá Két đỏ, cá huyết anh vũ. Được hình thành do sự lai tạo trong họ Cichlidae, cá hồng két có màu vàng khi còn nhỏ và chuyển dần sang màu đỏ khi trưởng thành. Đây cũng chính là lí do cá hồng két được xem như loài cá đem lại sự may mắn và thành công cho gia chủ.

Cá hồng két không ăn cây thủy sinh, thức ăn của chúng thường là tép bò, trùng chỉ, thức ăn thừa trong bể, thức ăn đông lạnh và thức ăn viên đặc biệt chúng có thể ăn cả những chú cá nhỏ vừa cỡ miệng. Cá hồng két lai thường bị bất thụ do con đực không thể thụ tinh cho trứng. Cá hồng két thường khi trưởng thành có thể đạt kích thước khoảng > 20 cm.

8. Cá thiên thần

Cá thiên thần

Loài cá này có tên khoa học là Pterophyllum scalare, là một loài cá thuộc họ cá hoàng đế. Chúng sở hữu một hình dáng và màu sắc vô cùng diễm lệ cộng với khả năng lướt như bay nên chúng được ưu ái với cái tên thiên thần, loài cá đẹp nhất ở rặng san hô.

Bởi thức ăn của chúng vô cùng đặc biệt chỉ ăn được tảo biển và vụn hữu cơ nên chúng không thể nuôi trong các bể cá cảnh. Kích thước cá thiên thần có thể đạt tới là trên 30 cm.

9. Cá đuôi gai

Cá đuôi gai

Cá đuôi gai có tên khoa học là Acanthuridae, thuộc bộ cá Vược, thường sống ở vùng nhiệt đới thuộc các đại dương, xung quanh các rạn san hô. Trên cơ thể chúng có nhiều màu sắc tươi sáng và 2 bên đuôi có nhiều gai sắc nhọn như những con dao mổ.

Chúng thường kiếm ăn theo đàn, thức ăn chủ yếu là tảo biển, kích thước tương đối nhỏ với chiều dài cơ thể tối đa là 15–40 cm.

10. Cá trạng nguyên

Cá trạng nguyên

Cá trạng nguyên với danh pháp khoa học là Synchiropus splendidus, là một loài cá nước mặn, thuộc họ Cá đàn lia trong bộ Cá vược. Được mệnh danh là một trong những loài cá đẹp hàng đầu thế giới, thường sống gần các đảo san hô kín đáo ở khu vực Thái Bình Dương, ban ngày thường ẩn nấp, ban đêm mới ra đi kiếm bạn tình.

Thức ăn thường là các loại như: tôm ngâm nước muối, giun ống,… Chúng thường bắt cặp bạn khá tốt, khả năng bảo vệ trứng cao. Kích thước cá khá nhỏ (khoảng 6-15 cm) và thường sống ở dưới đáy.

11. Cá Galaxy

Cá galaxy

Cá galaxy hay còn gọi là cá ngọc trai thiên đường, có danh pháp khoa học là Danio margaritatus, là loại cá nhỏ thuộc họ chép có nguồn gốc từ Myanma, thường sống trong các ao nhỏ được tạo ra bởi nước ngầm hoặc các dòng nhỏ chảy ra từ suối.

Là loài cá quý hiếm với thân hình nhỏ và mập, cùng với các chấm nhỏ nhiều màu sắc sặc sỡ khắp trên thân người, có chiều dài từ 2 – 2,5 cm. Thời gian đẻ trứng là chuỗi các sự kiện. Loài cá này thích nghi với kiểu sinh sản của các loài có tuổi đời ngắn. Chúng không có mùa sinh sản mà con cái đẻ liên tục.

Loài cá thiên đường ngọc trai đòi hỏi môi trường sống hết sức đơn giản, nhưng sống và sinh sản tốt nhất trong môi trường nước mềm, nhiệt độ thấp và không cần quá nhiều không gian vì chúng bơi khá ít.

12. Cá Phượng Hoàng

Cá phượng hoàng

Cá Phượng Hoàng có tên khoa học là Mikrogeophagus ramirezi, là một loài cá đặc hữu tự nhiên của lưu vực sông Orinoco, ở các savan của Venezuela và Colombia tại Nam Mỹ. Sống ở mọi tầng nước, dùng để nghiên cứu hành vi của các loài cá. Với nhiều chủng loại, màu sắc sặc sỡ và thân hình đáng yêu, loại cá này được rất nhiều dân chơi cá cảnh săn lùng.

Là loài cá ăn tạp, dễ nuôi, thức ăn chủ yếu của chúng gồm có: trùn chỉ, loăng quăng, giáp xác, côn trùng nhỏ và thức ăn viên,… Chúng bắt cặp sinh sản, đẻ trứng dính lên cá thể được dọn sẵn, trứng và cá con được bố mẹ chăm sóc. Cá phượng hoàng trưởng thành thường có chiều dài khoảng 5-7 cm.

13. Cá kiếm

Cá kiếm

Cá Hồng Kim có nhiều tên gọi như cá đuôi kiếm, cá hoàng kiếm… Nét nổi bật nhất chính là thanh kiếm dưới thùy đuôi của chúng, chiếc đuôi này không phải là vũ khí mà chỉ là vật trang trí giúp cá trống nổi bật hơn trong mắt những con cái mái. Cá kiếm có nhiều màu sắc khác nhau như màu xanh, đỏ, vàng, với 1 cái đuôi độc lạ như cái kiếm chiếm ⅓ cơ thể, vì vậy chúng được coi là một trong những loài cá cảnh đẹp nhất hiện nay. Kích thước tối đa là 12-16cm

Thức ăn cho cá kiếm trưởng thành là bã thực vật, trùng chỉ, giáp xác, côn trùng, thức ăn viên. Chúng sinh sản quanh năm, đỉnh cao vào tháng 7 và tháng 8.

14. Cá thù lù

Cá thù lù

Là một loài cá biển, đại diện duy nhất còn tồn tại của họ Zanclidae. Trong tự nhiên, cá thù lù có thể đạt tới kích thước 18 cm, nhưng trong bể nuôi, chúng thường chỉ đạt 10 cm. Màu sắc cá thù lù đặc trưng là các vạch sọc màu trắng, vàng, đen ở thân. Chúng thường xuyên tụ tập thành bầy dọc theo các bãi đá ngầm và nếu bạn có một cái bể đủ lớn, bạn có thể nuôi nhiều con khác nhau với đủ màu sắc.

Cá cảnh biển khá khó nuôi, thức ăn của chúng chủ yếu là tảo, bọt biển, thịt băm nhỏ, tôm, spirulina và tảo,... chúng cần được ăn nhiều lần trong ngày. Khả năng tương thích cao với các loài động vật không xương sống, không nên nuôi chung với quỳ, san hồ và các loài xương sống nhỏ.

15. Cá bảy màu

Cá bảy màu

Là loài cá cảnh phổ biến nhất trên thế giới có nguồn gốc từ jamaica, sống trong môi trường nước ngọt với màu sắc đa dạng, phong phú, kích thước tương đối nhỏ chỉ khoảng 4-6cm với con mái và 2.5-3.5cm đối với con đực.

Hiện cá bảy màu có rất nhiều màu sắc nhưng tập trung nhiều vẫn là màu đỏ. Đây là giống cá dễ nuôi, sinh sản nhanh, thông thường cá muốn thả vào bể thủy sinh thì bạn nên chọn những con có kích thước trung bình vì chúng sẽ đẹp hơn là cá to.

16. Cá Ali

Cá ali

Cá ali có nguồn gốc từ vùng Cape Maclear, Malawi của châu Phi với nhiều loại khác nhau trong đó cá Ali xanh là phổ biến nhất. Chỉ có một màu xanh đơn giản nhưng cực kì nổi bật trong bể cá. Với đặc tính hiền lành, điềm đạm dễ nuôi, không đòi hỏi chủ nhân phải chăm sóc thường xuyên hàng ngày. Loài cá này dễ bị nhầm lẫn với các loại cá khác bởi có nhiều đặc điểm tương đồng khá giống với các loại cá cảnh khác.

17. Cá thủy tinh

Cá thủy tinh

Cá thủy tinh có tên khoa học là Kryptopterus bicirrhis và xuất xứ từ các hồ nước ở Malaysia và Indonesia. Điểm khác biệt và kì lạ nhất của loài cá này chính là cơ thể trong suốt như thủy tinh có thể nhìn xuyên thấu cả nội tạng bên trong, đó cũng là yếu tố tạo nên sự khác biệt của loại cá này.

Cập nhật: 30/08/2019 Theo thegioidongvat
  • 2,97
  • 11.878