Trong thế giới động vật, chuyện ấy có thể là một môn thể thao đậm chất mạo hiểm, thậm chí với một số loài thì đó còn là hành động cuối cùng trong đời chúng có thể làm.
"Chuyện ấy" là một nhu cầu căn bản của gần như mọi sinh vật sống trên Trái đất. Đó là công cụ để các loài duy trì giống nòi, phát triển hơn và tiến hóa hơn qua thời gian.
Nhưng "chuyện ấy" cũng có lắm chuyện để bàn. Với loài người, "chuyện ấy" không chỉ là cách để duy trì giống nòi, mà còn đóng vai trò là phương tiện để... giải trí.
"Chuyện ấy" của loài người thì không ai giống ai. Mỗi người có thời gian "lâm trận" khác biệt, nhưng thường thì biên độ dao động trong khoảng 30s - 45 phút. 45 phút, nghe lâu nhỉ? Nhưng thực ra con số ấy sẽ chẳng là gì nếu bạn biết đến loài chuột túi Antechinus.
Loài chuột bản địa của nước Úc có quá trình sex thực sự đáng sợ. Vào mỗi mùa sinh sản, suốt 2 tuần liền chuột đực sẽ liên tục tìm chuột cái để giải quyết. Nó sẽ "làm" không ngừng nghỉ, hết "em" này đến "nàng" khác, có khi liên tục suốt 14 tiếng đồng hồ.
Hệ quả của quá trình này thì thực sự là rất "toang". Do lượng hormone testosterone tiết ra quá lớn và liên tục, nồng độ hormone stress cũng trào ra tương ứng, dẫn đến cơ thể chuột đực bị quá tải. Hệ miễn dịch sụp đổ, chuột đực rất dễ nhiễm bệnh và khuẩn từ môi trường. Để rồi, đa số chuột đực sẽ chết trước cả khi con của chúng ra đời.
Khoa học gọi kiểu làm tình vũ bão của chuột túi Antechinus này là "sinh sản tự sát". Và hóa ra, nhiều loài vật cũng tương tự như vậy.
Như ong mật chẳng hạn. Trong một đàn ong, con đực chỉ có một nhiệm vụ duy nhất là "lên giường" cùng ong chúa. Khổ nỗi, nó chỉ được phép "làm" đúng 1 lần duy nhất thôi - quả là sự trêu ngươi đến từ tạo hóa.
Trong quá trình giao phối, bộ phận sinh dục của ong đực sẽ bị đứt rời, trong khi tinh hoàn thì nổ tung, khiến nó chết tại chỗ. Còn số tinh trùng quý giá kia sẽ được ong chúa giữ lại, để đến khi thích hợp sẽ thụ tinh và đẻ trứng.
Ong mật giao phối một lần là chết, nhưng cái chết của chúng ít ra là nhanh chóng và đỡ dai dẳng. Như loài cá quỷ dưới biển sâu lại là câu chuyện kinh khủng hơn như vậy.
Cá quỷ mặt mụn - con nhỏ bám bên cạnh là cá đực.
Loài cá quỷ mặt mụn là loài có sự chênh lệch rất lớn giữa con đực và cái. Trong khi cá cái khá to lớn, con đực chỉ nhỏ như cá ký sinh vậy.
Nhiệm vụ của cá quỷ đực không phải là kiếm ăn. Cả một đợt, nó sẽ cắn vào người cá cái, hút máu và dinh dưỡng của "cô vợ". Đổi lại, nó sẽ truyền vào người đối tác lượng tinh trùng cần thiết để sinh sản.
Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, cá đực trong quá trình này sẽ dần mất đi danh tính của chính nó. Cơ thể nó dần teo lại, mắt, vây, nội tạng... đều biến mất. Cuối cùng, nó chỉ còn là một xác sống không hồn, đóng vai trò như một chiếc túi đựng tinh trùng cho cá cái thôi.
Giờ chúng ta sẽ đến với câu chuyện đỡ kinh dị hơn, liên quan đến loài nhím mỏ ngắn. Loài vật này có quá trình giao phối hết sức thú vị: mỗi mùa sinh sản, con đực sẽ xếp thành một hàng dài, bám theo chỉ một cô nhím duy nhất để đợi đến lượt hân hoan.
Khi phải cạnh tranh quá nhiều, loài nhím này tiến hóa để sở hữu khả năng giao phối hết sức dũng mãnh. Cần biết rằng, bộ phận sinh dục của nhím cái được chia thành 2 ngả, nhưng cũng không sao vì dương vật của con đực có tới 4 đầu lận. Khi "lâm trận", 4 đầu sẽ lần lượt "xoay nòng khạc đạn", tạo ra những quả bom tinh trùng cực khủng, giúp tăng tốc độ bơi của tinh binh và làm tăng tỉ lệ được làm bố.
Và đặc biệt, "nòng" của nhím có thể dài tới 1/4 chiều dài cơ thể nó, để giúp quá trình giao phối được diễn ra dễ dàng hơn. Nhưng cứ nghĩ sẽ có một khẩu súng dài bằng 1/4 cơ thể đi vào người thì quả là... khó cảm nhận.
Xét về tỉ lệ, hà biển có dương vật dài nhất Trái đất, hơn gấp 10 lần kích cỡ cơ thể. Nếu đặt vào quy mô của con người, nó giống như kiểu một người bình thường nhưng "chỗ ấy" dài nguyên đường băng bowling.
Nhưng con hà cần có chiếc dương vật như vậy, vì nó không thể tự do di chuyển. "Cậu nhỏ" của nó phải đóng vai trò là một chiếc cần câu, thả trôi theo sóng chạm đến con cái để bắt đầu quá trình thụ tinh.