Những lưu ý khi đổ xăng cho ô tô

  •  
  • 253

Đổ xăng đúng cách không chỉ đảm bảo hiệu quả về nhiên liệu mà còn đem đến sự an toàn cho người dùng và chiếc xe.

Chọn đúng nhiên liệu xe đang sử dụng

Để tránh nhầm lẫn, trước hết tài xế nên nắm rõ loại nhiên liệu mà xe đang sử dụng để vận hành. Hiện nay, phần lớn ô tô tại Việt Nam đều sử dụng động cơ xăng hoặc động cơ diesel (dầu). Vì vậy, nếu mới sở hữu ô tô hoặc thuê xe tự lái hay mượn xe của bạn bè, người thân... trước khi tiếp nhiên liệu cho xe bạn nên biết xe đang chạy xăng hay dầu.

Bên cạnh đó, khi vào trạm xăng nên lưu ý với nhân viên bán hàng về việc xe sử dụng xăng hay dầu để tránh việc bơm nhầm nhiên liệu.

Xác định vị trí nắp bình xăng để đỗ xe

Để không làm mất thời gian, cũng không phải tốn nhiều thao tác di chuyển xe tại trạm bơm nhiên liệu, người lái nên xác định vị trí nắp bình xăng nằm ở bên trái hay bên phải thân xe bằng cách quan sát bảng đồng hồ điều khiển và chú ý đến mũi tên đi kèm với ký hiệu bình nhiên liệu. Nếu góc vị trí mũi tên này quay về hướng nào, vị trí bình nhiên liệu trên thân xe sẽ đặt ở hướng đó.

Không nên đổ đầy bình xăng.
Không nên đổ đầy bình xăng. (Ảnh minh họa).

Bạn cũng cần chú ý đến cách mở nắp bình nhiên liệu, bởi mỗi dòng xe sẽ được thiết kế cơ cấu mở nắp khác nhau. Một số xe thường được nhà sản xuất thiết kế nút mở nắp bình nhiên liệu tích hợp ở chân ghế lái hoặc bên dưới bảng táp lô vị trí người lái. Một số xe khác chỉ cần ấn tay vào nắp bình để mở.

Tắt động cơ trước khi bơm nhiên liệu

Không ít tài xế thắc mắc đổ xăng ô tô có cần tắt máy? Thực tế nhiều tài xế có thói quen để động cơ xe hoạt động khi đổ thêm nhiên liệu. Điều này cực kỳ nguy hiểm vì tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến cháy nổ.

Trong quá trình bơm nhiên liệu, lượng xăng dầu sẽ thoát ra khỏi vòi bơm. Hơi xăng rất dễ bắt lửa, vì vậy nếu động cơ ô tô lúc này vẫn hoạt động sẽ tiếp tục sinh nhiệt (do quá trình đốt cháy hỗn hợp nhiên liệu, không khí) dễ gây cháy nổ. Do đó, cách đổ xăng ô tô tốt nhất là trước khi đổ nhiên liệu bạn nên tắt động cơ xe để đảm bảo an toàn.

Không sử dụng điện thoại di động

Ở mỗi trạm xăng dầu thường có biển báo cấm lửa. Do đó, người lái không được hút thuốc lá trong khu vực này và cũng không nên sử dụng điện thoại di động khi đang đổ xăng, dầu cho xe. Điều này đã được cảnh báo nhưng thực tế tại Việt Nam một số tài xế vẫn chủ quan ngồi trong xe sử dụng điện thoại trong khi xe đang được tiếp nhiên liệu.

Hành động này tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao vì xăng có nồng độ chiếm khoảng 5% hơi xăng trong không khí, khi sử dụng điện thoại di động, sóng điện thoại mạnh dễ dàng phát ra những tia lửa điện làm tăng nguy cơ hỏa hoạn.

Do đó, phải cách trạm xăng dầu ít nhất là 50m thì mới nên sử dụng điện thoại.

Chọn cây xăng uy tín

Khi cần phải đổ xăng, hãy chọn những cây xăng quen, có uy tín và thương hiệu để mua. Ở những địa chỉ này thường có chất lượng nhiên liệu đảm bảo, hệ thống đo kiểm đạt chuẩn (hoặc không bị sai lệch quá nhiều), có quy trình bơm xăng và niêm yết số tiền rõ ràng bằng màn hình LED hoặc LCD trên cột xăng để người mua dễ dàng nắm được.

Còn khi buộc phải đổ xăng ở những cung đường lạ, theo kinh nghiệm của những tài xế lâu năm, hãy chọn những trạm xăng có đông xe tải và taxi vào đổ. Những lái xe taxi hoặc xe tải thường xuyên đi lại, do đó họ có nhiều kinh nghiệm trong vấn đề lựa chọn trạm xăng dầu.

Nên đi đổ xăng vào sáng sớm

Xăng dầu ở thể lỏng, do vậy chúng cũng chịu giãn nở mạnh tùy vào nhiệt độ bên ngoài. Các tài xế có kinh nghiệm cho rằng, đổ xăng vào khi nhiệt độ thấp như đêm hoặc sáng sớm sẽ có lợi hơn thời điểm nắng nóng như trưa và chiều.

Cũng không nên đổ xăng lúc xe bồn đang bơm xăng vào bể chứa của cây xăng. Đây là thời điểm áp suất trong bể chứa của trạm xăng tăng cao, làm xăng giãn nở ra và bốc hơi. Khi đó, vô tình chúng ta sẽ phải mất tiền mua thêm một phần nhỏ là hơi xăng.

Nên đổ xăng theo dung tích, hạn chế hô “đầy bình”

Giá xăng thường khá lẻ nên nhiều người hay mua xăng theo số tiền chẵn như 500.000 hay 1 triệu đồng cho tiện chi trả. Nhưng cách mua này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các hành vi gian lận của nhân viên cây xăng, bởi việc "ăn cắp" trên máy bơm xăng thường được lập trình theo số tiền.

Không nên tự đổ hoặc làm việc riêng, nghe điện thoại khi đổ xăng.
Không nên tự đổ hoặc làm việc riêng, nghe điện thoại khi đổ xăng. (Ảnh minh họa).

Để tránh bị “móc túi” khi đi đổ xăng, người dùng nên mua theo dung tích như 10 lít, 20 lít...tùy thuộc vào bình đựng xăng của xe. Khi đó, các cột sẽ bơm đúng số lượng xăng theo lít bởi dung tích này đã được kiểm định thường xuyên và tỷ lệ chính xác gần như tuyệt đối.

Ngoài ra, các tài xế chuyên nghiệp cho rằng, khi đi mua xăng cũng không nên hô "đầy bình" bởi các cột bơm để đảm bảo an toàn luôn có cơ chế hút xăng ngược của cò bơm để tránh tràn xăng ra ngoài. Tuy vậy, khi đó xăng đã đi qua đồng hồ và người mua vẫn phải trả tiền cho phần xăng bị hút ngược lại.

Bên cạnh đó, cần tính toàn lượng xăng cần đổ để mua đúng dung tích, không nên mua quá đầy bình, vừa dễ bị thiệt và còn khiến chiếc xe phải "gánh" thêm trọng lượng lớn hơn, xe sẽ tốn xăng hơn.

Đề nghị chuyển về "0" trên cột bơm xăng

Tại một số trạm xăng, với lý do giúp bán nhanh nên họ sẽ bố trí 2 người cùng thao tác, trong đó một người cầm vòi bơm và một người đứng điều khiển bảng đồng hồ. Tuy vậy, đây lại là kiểu bán xăng rất dễ gian lận bởi người "giật cò" dễ dàng có thao tác khoá xăng lại, chúng ta cũng khó có thể quan sát cả hai cùng một lúc nên gian lận rất dễ xảy ra.

Ngoài ra, dù đã bị lên án nhưng một số trạm xăng có kiểu bán xăng "nối". Tức là khi đến bơm xăng, đồng hồ không chuyển về "0", đây cũng là hành vi bị cấm theo quy định kinh doanh xăng dầu bởi luôn có sai số trong phép tính trừ giá tiền giữa 2hailần bơm. Do đó, cần có ý kiến ngay khi một trạm xăng nào đó bố trí người theo những cách như vậy để tránh rủi ro.

Không làm việc riêng khi đổ xăng

Nên để ý và quan sát kỹ quá trình thao tác của nhân viên cũng như bảng hiển thị số tiền trên cột bơm xăng thay vì bận làm việc riêng. Khi quan sát, bạn có thể phát hiện được những biểu hiện bất minh của nhân viên trạm xăng, đồng thời biết được đồng hồ xăng đã hiển thị đủ hay chưa, có bị nhảy số hay không.

Một số cây xăng có “mánh” cố tình kéo dài dây bơm xăng ra xa hoặc khuất để khách hàng khó quan sát đồng hồ, khi đó bạn có thể di chuyển xe gần vào và chọn cho mình vị trí đứng quan sát phù hợp. Khi nhân viên cây xăng nhìn thấy khách hàng có vẻ chú ý, họ sẽ ít dám giở những chiêu trò gian lận hơn.

Cập nhật: 07/11/2023 VTC
  • 253