Những người 'lái' vệ tinh Vinasat-1

  •   22
  • 2.215

Người “già” nhất trong đội kỹ thuật của Trạm Điều khiển vệ tinh Quế Dương mới ngoài 30 tuổi. Vừa học, vừa làm, gần mất một năm nay, họ đã “lái” vệ tinh đầu tiên của Việt Nam ổn định trên quỹ đạo.

Nội bất xuất, ngoại bất nhập

Khách đến Trạm Điều khiển vệ tinh Quế Dương sẽ bị kiểm tra kỹ và được phát thẻ ra vào. Các phòng chuyên môn đều dùng khoá từ, có hệ thống camera giám sát, chương trình cảnh báo để ngăn xâm nhập trái phép. Tại trạm, giờ giấc và kỷ luật được đặt lên hàng đầu. Trạm phó Hoàng Phúc Thắng cho biết, vệ tinh Vinasat chịu nhiều tác động bên ngoài nên việc theo dõi và xử lý phải được đảm bảo 24/24h. 

Các chuyên gia đang lắp đặt vệ tinh Vinasat.


Dù cài sẵn chế độ hoạt động, nhưng mỗi tuần, cán bộ của trạm vẫn phải điều khiển vệ tinh hai lần theo hướng Bắc - Nam và Đông - Tây để vệ tinh bay đúng quỹ đạo. Mỗi lần điều khiển, phải có ít nhất hai kỹ sư, một kỹ sư vệ tinh, một kỹ sư phần mềm điều khiển máy tính. Kỹ sư vệ tinh phân tích quỹ đạo, thu thập, xử lý thông tin rồi cung cấp cho kỹ sư điều khiển. Các thành viên phải trao đổi, thảo luận với chuyên gia của Lockheed Martin (Mỹ) về hiện trạng của vệ tinh và bàn biện pháp xử lý. Biên bản điều khiển được các thành viên ký xác nhận, kỹ sư điều khiển mới được thực hiện.

“Với khoảng cách từ mặt đất đến vệ tinh trên 36.000 km, chỉ cần chệch 0,1 độ, tín hiệu vệ tinh lập tức bị ảnh hưởng. Chúng tôi phải cẩn trọng từng thao tác, thông số nhỏ, vì nếu vượt quá quỹ đạo cho phép (trên dưới 0,4 độ), khách hàng có thể không nhận được tín hiệu vệ tinh. Các chương trình phát thanh, truyền hình, liên lạc điện thoại, truyền số liệu, truy nhập Internet, phát hình lưu động… tại vùng nông thôn, biên giới, hải đảo… sẽ không thực hiện được”, Trạm phó Hoàng Phúc Thắng cho biết.

Tự hào những chàng trai “mở đường”


“Dân” Công nghệ thông tin, nhưng ngày nhận quyết định điều chuyển về làm Trạm phó Trạm Điều khiển Vệ tinh Quế Dương, Thắng vừa mừng vừa lo. Mừng vì được trực tiếp tham gia điều khiển vệ tinh đầu tiên của Việt Nam, lo vì phải đảm nhận công việc chưa từng có ở Việt Nam. Thắng cho biết, tất cả kỹ sư điều khiển vệ tinh chọn từ Học viện Kỹ thuật Quân sự và ĐH Bách khoa Hà Nội, sau đó được đào tạo bốn tuần tại Mỹ và tiếp tục được đào tạo tại Trạm điều khiển vệ tinh Quế Dương. Tuy nhiên, những kiến thức này hoàn toàn mới, chủ yếu trên lý thuyết, vì vậy, tích lũy kinh nghiệm qua thực tế tác nghiệp là rất cần thiết. Nguyễn Hải Châu, kỹ sư vệ tinh, Bùi Đức Hiển, kỹ sư điều khiển phải thường xuyên lên mạng tìm tài liệu về điều khiển vệ tinh, vì thời gian học đại học chưa được cung cấp, giảng dạy về những kiến thức này. “Càng đi sâu tìm hiểu, càng hứng thú với những con số tưởng chừng khô khốc. Vì đằng sau những con số ấy là chất lượng dịch vụ do Vinasat cung cấp”, Hiếu nói.

Công việc bận rộn, Thắng luôn phải thể hiện vai trò anh cả của Trạm để động viên anh em. Mọi người đều lo lắng sóng điện từ có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, nhất là về đời sống vợ chồng. Nhưng 8 năm trong nghề cộng thêm thời gian tiếp xúc với chuyên gia nước ngoài, Thắng biết sóng của Trạm điều khiển không ảnh hưởng như lời đồn đại. Tuy nhiên, việc thuyết phục gia đình không dễ. Bao đêm nhỏ nhẹ phân tích, vận dụng cả chuyên môn sâu để thuyết phục, vợ anh mới để chồng về công tác tại Trạm Điều khiển Quế Dương với cam kết: phải đi khám sức khỏe định kỳ hàng năm…

Việc điều khiển vệ tinh không có ngày nghỉ. Vì vậy, dịp nhà nhà đón Tết Kỷ Sửu, các anh vẫn phải thay nhau duy trì ca trực.

Còn rất nhiều điều những người lái vệ tinh Việt Nam chưa nói hết về công việc của mình. Song những gì họ trải qua hàng ngày ít nhiều nói lên lòng say nghề, vượt khó của những người trẻ này. Công việc của họ đang góp phần đảm bảo chất lượng cho vệ tinh Vinasat-1.

Theo Báo Đất Việt
  • 22
  • 2.215