Những nhà phát minh dính nghi án "đạo" ý tưởng

  •  
  • 3.875

Một số nghiên cứu gần đây cho thấy, Galileo Galilee có thể không phải là người phát minh ra kính viễn vọng, Alexander Fleming không phải người đầu tiên khám phá ra penicillin và Graham Bell rốt cuộc có thể không sáng chế ra điện thoại,... Hãy cùng trang Cracked điểm lại một số tên tuổi lớn bị nghi ngờ là những nhà phát minh ăn cắp ý tưởng.

>>> Những thí nghiệm khoa học thay đổi thế giới (I)
>>> Những thí nghiệm khoa học thay đổi thế giới (II)

Galileo Galilee

Galileo Galilee thường được biết đến như một nhà thiên văn học kiêm nhà vật lý học và toán học lừng danh người Italia. Nếu hỏi bất kỳ học sinh trung học bình thường nào về đóng góp để đời của Galileo cho khoa học thì câu trả lời nhận được đa phần là "kính viễn vọng". Tuy nhiên, nhiều bằng chứng cho thấy Galileo đã không phát minh ra dụng cụ này.

Vậy ai thực sự là người đầu tiên sáng chế ra kính viễn vọng?
Vậy ai thực sự là người đầu tiên sáng chế ra kính viễn vọng?

Mặc dù mọi người đều hướng quan sát các vì sao trên bầu trời nhưng không có ai làm việc đó nghiêm túc và đầu tư nhiều công sức như một người Hà Lan có tên Hans Lippershey. Năm 1608, Lippershey đã hoàn tất chiếc kính viễn vọng đầu tiên trên thế giới và dự định xin cấp bằng sáng chế cho phát minh này, nhưng đã bị từ chối vì một lý do không rõ ràng nào đó.

Ở cách đó vài nước, khi Galileo nghe về công trình của Lippershey, ông đã nhanh chóng chế tạo kính viễn vọng của mình vào năm 1609. Và điều cần lưu ý ở đây là, mẫu kính viễn vọng của Galileo chỉ có thể nhìn xa hơn chút ít so với sáng chế của Lippershey.

Một điểm đặc biệt nữa là, mặc dù Galileo chưa bao giờ đăng ký bản quyền tác giả kính viễn vọng nhưng tên tuổi của ông luôn đồng nghĩa với việc phát minh ra dụng cụ này, trong khi tên của Lippershey gần như vắng bóng khỏi các sách giáo khoa cũ. Thêm vào đó, 4 mặt trăng bao quanh sao Mộc được đặt tên theo Galileo trong khi chỉ có một hố trên Mặt trăng của Trái đất được gọi là Lippershey.

Alexander Fleming

Alexander Fleming là cái tên mọi người thường nghĩ đến khi nhắc tới thuốc penicillin. Thậm chí còn có cả một câu chuyện hấp dẫn đi kèm với nó. Theo giai thoại, cha của Fleming đã cứu một cậu bé khỏi chết đuối ở Scotland, và cha của cậu bé này đã cam kết sẽ tài trợ cho việc học hành của Fleming để trả ơn. Cuối cùng, Fleming tốt nghiệp trường y và phát hiện ra bản chất chữa bệnh của penicillin, vốn về sau giúp cứu mạng Winston Churchill - Thủ tướng Anh thời Thế chiến thứ hai khi ông bị viêm phổi. Và Winston Churchill cũng chính là cậu bé từng được cha của Fleming cứu sống thuở nào.

Alexander Fleming

Tuy nhiên, tất cả những điều trên chỉ là hư cấu vì Churchill không được chữa trị bằng thuốc penicillin và quan trọng hơn, Fleming không phải là người khám phá ra loại thuốc này.

Vậy trong thực tế, ai là người đầu tiên phát hiện ra penicillin? Rất khó để có câu trả lời chính xác. Các thổ dân ở Bắc Phi đã sử dụng penicillin hàng ngàn năm qua.

Ngoài ra, năm 1897, Ernest Duchesne từng sử dụng nấm mốc penicillium để chữa trị bệnh thương hàn ở các con chuột lang - một thí nghiệm cho thấy ông hiểu được các khả năng của penicillin. Vào thời điểm đó, các nhà khoa học khác đã không xem xét công trình của Duchesne một cách nghiêm túc vì tuổi tác của ông cũng như sự quan tâm kỳ lạ của nhà khoa học này với những con chuột lang. Do đó, Duchesne chưa bao giờ nhận được bằng sáng chế cho phát hiện của mình. Ông qua đời khoảng 10 năm sau đó vì một căn bệnh hoàn toàn có thể được chữa khỏi bằng penicillin.

Ngay cả khi Fleming vô tình phát hiện ra penicillin nhiều năm sau đó, ông cũng từng không tin nó có thể thực sự giúp ích được ai đó. Vì vậy, ông đã ngừng nghiên cứu về nó. Trong khi đó, một số ít nhà khoa học khác như Howard Florey, Norman Heatley, Andrew Moyer và Ernst Chain đã bắt đầu nghiên cứu về penicillin. Họ cuối cùng đã làm chủ được penicillin cũng như tìm ra một cách để sản xuất nó hàng loạt.

Thực tế là, mặc dù Fleming không phải là người đầu tiên phát hiện ra penicillin cũng như không thực sự tin vào sự hữu ích trong chữa bệnh của loại thuốc này nhưng tên tuổi của ông vẫn đi vào lịch sử như người đã khám phá ra penicillin và cứu sống Winston Churchill.

Alexander Graham Bell

Alexander Graham Bell, người có tên tuổi gắn liền với sự ra đời của điện thoại, rốt cuộc không phải là người phát minh ra vật dụng hữu ích này. Năm 1860, một người Italia có tên là Antonio Meucci lần đầu tiên công bố chiếc điện thoại có thể hoạt động của ông với tên gọi "teletrofono". 11 năm sau (tức là 5 năm trước khi điện thoại của Bell xuất hiện), Meucci đã đệ đơn xin cấp bằng sáng chế tạm thời cho phát minh của mình. Nhưng đến năm 1874, Meucci đã không nộp được 10 USD cần phải có để gia hạn bằng sáng chế vì lúc này ông đang ốm yếu và nghèo khó.

Alexander Graham Bell

2 năm sau đó, Bell đăng ký bản quyền sáng chế điện thoại. Tất nhiên, khi đó, Meucci đã cố gắng khởi kiện bằng cách lấy lại các phác thảo và kế hoạch ban đầu mà ông đã gửi đến một phòng thí nghiệm tại Western Union, nhưng đáng ngạc nhiên là tất cả những hồ sơ này đều biến mất. Lúc đó Bell đang làm việc ở đâu? Một sự trùng hợp kỳ lạ là chính tại phòng thí nghiệm mà Meucci thề đã gửi các phác thảo của ông tới đó. Cuối cùng, Meucci chết trong hoàn cảnh không một xu dính túi và tên tuổi dần đi vào quên lãng.

Liệu Bell, với vị trí thuận lợi của mình tại Western Union, có hủy hoại các hồ sơ của Meucci để có thể tuyên bố điện thoại là sáng chế của mình hay không? Rất khó để có câu trả lời. Một số người nghi ngờ là "có", số ít khác lại nhận định "có thể". Điều đó sẽ có lý khi chúng ta nhìn vào thực tế rằng: Bell là người làm nên nhiều sáng chế quan trọng và không hẳn bất hợp lý khi cho rằng ông có thể đã trở nên tham lam và không muốn chứng kiến bất cứ ai khác thành công. Hơn nữa, tại sao Bell lại cần có điện thoại trong khi cả vợ và mẹ ông đều bị điếc?

Thomas Edison

Thomas Edison - "thầy phù thủy ở Menlo Park" được coi là một trong những nhà phát minh giàu ý tưởng nhất trong lịch sử thế giới với kỷ lục nắm giữ 1.093 bằng sáng chế ghi tên ông. Một số phát minh được gán cho Edison tuy ông không hoàn toàn là người đầu tiên có ý tưởng về chúng. Tuy nhiên, sau khi các bằng sáng chế ban đầu được thay đổi, chúng trở thành của Edison (nổi tiếng nhất là bản quyền phát minh bóng đèn) dù trên thực tế là kết quả phát minh của rất nhiều người trong công ty của ông.

Đối với trường hợp bóng đèn, ai mới là người thực sự phát minh ra thiết bị chiếu sáng này?
Đối với trường hợp bóng đèn, ai mới là người thực sự phát minh ra thiết bị chiếu sáng này?

Rất nhiều người đã có ý tưởng chế tạo bóng đèn như Jean Foucault, Humphrey Davy, J.W. Starr,... nhưng Heinrich Goebel có lẽ là người đầu tiên thực sự phát minh ra nó vào năm 1854. Goebel đã cố gắng bán phát minh cho Edison nhưng bị từ chối với lý do Edison không thấy sự hữu ích trong sáng chế của Goebel. Không lâu sau đó, Goebel qua đời và cũng một thời gian ngắn sau, Edison đã mua lại phát minh của Goebel từ người vợ góa nghèo khổ của ông với giá thấp hơn nhiều so với giá trị thực của nó.

Sau Goebel và một năm trước khi Edison "phát minh" ra bóng đèn của mình, Joseph Wilson Swan đã phát triển và xin cấp bằng sáng chế cho một bóng đèn có thể hoạt động được. Khi biết chắc không thể thắng kiện Swan trước tòa, Edison đã mời ông trở thành một đối tác, thành lập nên Công ty liên danh Ediswan và mua lại phát minh của Swan.

Một cách nhanh chóng, Edison giành thêm nhiều quyền lực và bỏ tiền mua chuộc, buộc Swan từ bỏ hoàn toàn mọi hồ sơ liên quan đến bóng đèn cho công ty Edison. Chắc chắn Swan được đền bù nhiều tiền, nhưng bằng cách mua lại toàn bộ hồ sơ, Edison đã đưa tên của ông trở thành nhà phát minh duy nhất trong bằng chứng nhận sáng chế bóng đèn.

Theo Vietnamnet
  • 3.875