Ka Li Sa chế tạo "Robocon thần công"

  •   32
  • 2.303

Tại cuộc thi Vifotec sáng tạo kỹ thuật dành cho thiếu niên nhi đồng toàn quốc lần thứ hai năm 2005-2006, Quảng Nam có duy nhất một thí sinh đăng ký tham gia dự thi. Đó là em Ka Li Sa, học sinh lớp 8/5 Trường THCS Nguyễn Du ở huyện miền núi Bắc Trà My. Với sản phẩm "Robocon thần công" Ka Li Sa đã đoạt giải nhì hội thi.

(Ảnh: Nhandan)
Đây cũng là 1 trong 15 mô hình, sản phẩm sáng tạo vừa đẹp về hình thức vùa có chất lượng cao được tuyển chọn để tham dự triển lãm quốc tế về sáng tạo năm 2006 tại Ấn Độ có sự tham gia của 40 nước.

Ka Li Sa tâm sự: "Robocon thần công" là do em tự mày mò nghiên cứu, không có bất kỳ ai trợ giúp về mặt kỹ thuật. Em mất hai ngày để ghép các thanh đồ chơi thành súng thần công có khả năng điều chỉnh tầm bắn, có thể điều khiển chạy tới, chạy lui vào vị trí mong muốn trước khi khai hỏa. Đây là đồ chơi tập thể ai chỉnh pháo bắn trúng đích, người đó sẽ thắng". Thoạt nghe em kể thì có vẻ đơn giản nhưng để có được khẩu pháo thần công này, Ka Li Sa phải mất một năm trời từ lúc nảy sinh ý tưởng đến các công đoạn tìm vật liệu thích hợp và chỉnh sửa cho hoàn thiện. Đến bây giờ em không thể nhớ được đã bao nhiêu lần thất bại trước khi có được sản phẩm này.

Ka Li Sa bắt đầu có ý tưởng chế tạo robocon từ năm học lớp 7. Ban đầu chỉ là vài chiếc xe đồ chơi, sau đó cải tiến thêm bộ phận gắp và bắn bóng (giống robot trong các cuộc thi robocon), rồi chế thêm bộ phận điều khiển từ xa. Tất cả các vật liệu chế tạo rô- bốt là những linh kiện điện tử lấy từ những đầu video, radio, máy cassette, máy đếm tiền cũ đã bỏ đi. Ở huyện miền núi cao nơi em ở, để có những vật liệu này không phải dễ dàng. Vì thế tranh thủ vào những ngày thứ bảy, chủ nhật, em nhờ ba chở xuống Tam Kỳ, cách huyện Bắc Trà My cả 40 km để nhặt nhạnh những thứ cần thiết trong đống đồ sắt gỉ phế liệu mà gia đình của một người chú họ buôn bán để đem về lắp ghép, thí nghiệm.

Trong gian phòng nhỏ thoảng 20m2 thuộc khu tập thể Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện là nhà của gia đình, Ka Li Sa được ba mẹ dành một góc riêng để dụng cụ, đồ nghề chế tạo robot.

Anh Ka Văn Xuân, ba của Ka Li Sa cho biết: Ka Li Sa rất thích nghiên cứu về robot, hầu như không có chương trình thi robocon nào trên truyền hình mà em bỏ sót. Hè vừa rồi, Ka Li Sa còn xin ba mẹ cho em ra Đà Nẵng tham gia trợ giúp các anh chị sinh viên của Trường ĐH Bách khoa tại cuộc thi vòng loại Robocon toàn quốc. Thời gian này đã giúp Ka Li Sa có thêm nhiều kiến thức và kinh nghiệm quý báu trong lĩnh vực nghiên cứu robot.

Trầm tĩnh, ít nói và có vẻ kín đáo của một nhà khoa học, Ka Li Sa cho biết em đang nghiên cứu chế tạo một con robot biết đi nhưng chưa thành công vì còn thiếu sự côn bằng trọng lượng khi robot di chuyển. Mục tiêu của em trong thời gian tới là tiếp tục hoàn thiện con robot này.

Theo Thanh niên, Nhân dân
  • 32
  • 2.303