“Siêu cây” mâm xôi con gà, trâm vối, gỗ trắc bonsai cổ thụ… đều là những cây cảnh độc đáo, được định giá bạc tỷ và gây tiếng vang trong giới chơi sinh vật cảnh Việt Nam.
Siêu cây “mâm xôi con gà” là cây sanh cổ thụ có tuổi đời hơn 150 tuổi. Năm 2010, trong dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, cây được giới chuyên môn xếp vào “tứ kỳ mộc” của đất ngàn năm văn vật. Chủ nhân của siêu cây này là ông Nguyễn Nam Thành (Việt Trì, Phú Thọ). Cây có chiều cao 1m65, chiều ngang 2m, trọng lượng cả đá khoảng 1 tấn, có tán xòe rộng như mâm xôi, gốc và thân cây nằm trên khối đá nhỏ tạo thành hình gà.
Theo người chơi cây cảnh, sở dĩ cây “Mâm xôi con gà” tạo được sức hút là bởi nó hội tụ đủ 4 yếu tố “cổ - kỳ - mỹ - văn” và giống như một bức tranh thiên nhiên hoàn thiện với “Tay ngón long quần thụ - Bông tán tản vân - Thân vách dáng làng – Thạch thụ tương sinh”. Tháng 4/2012, siêu cây triệu đô của đại gia đất Việt Trì đã được lên trang bìa của tạp chí về nghệ thuật chơi cây cảnh BCI của Mỹ. Trong một triển lãm sinh vật cảnh, Mâm xôi con gà được định giá 6 triệu USD, tương đương với 120 tỷ đồng.
“Siêu cây” trâm vối của ông Nguyễn Văn Ngọ (63 tuổi, Thạch Thất, Hà Nội) từng gây xôn xao dư luận khi được định giá lên tới 10 tỷ đồng. Cây có tuổi đời vài trăm năm, thân cây uốn lượn với 19 nhánh tựa như những con rồng đang bay lên khỏi mặt đất.
Theo ông Ngọ, cây trâm vối ở Việt Nam không phải hiếm nhưng hầu hết là những cây to, dáng cây chỉ có 1, 2 thân. Trong khi cây trâm vối của ông có dáng tự nhiên, các thân cây quần tụ, ngọn hướng lên trời, tuổi đời lại lâu năm… nên có thể xem là độc nhất Việt Nam. Từ khi sở hữu siêu cây này, ông Ngọ đã đón hàng nghìn lượt khách đến tham quan, chiêm ngưỡng trong đó có cả những đoàn khách đến từ các nước như Thái Lan, Nhật Bản… Nhiều người ngỏ ý muốn mua nhưng ông không đồng ý bán. “Đây là cây tâm huyết cả đời tôi mới có được, vì thế dù có trả giá cao cỡ nào tôi cũng không bán”, ông Ngọ nói.
Ngoài cây Trâm vối, trong vườn cây nhà ông Ngọ còn có cây sanh nổi bật bởi dáng “song long thập toàn” với tuổi đời lên tới hơn 100 năm tuổi, có giá vào khoảng 3 tỷ đồng. Đây là một trong những cây được ông Ngọ coi là bảo bối trong vườn nhà mình.
Tác phẩm "Nghinh phong" của ông Hoàng Phúc Hải (Việt Trì - Phú Thọ). Đây là cây gỗ Trắc có tuổi đời vào khoảng 300 năm, có nguồn gốc từ Bình Định. Nhiều dân chơi sinh vật cảnh đánh giá cây thuộc vào “hàng hiếm có, khó tìm” bởi gốc lũa tự nhiên, bố cục hài hòa, vừa toát lên vẻ mạnh mẽ lại mang dáng dấp uyển chuyển, tinh tế. Đặc biệt hơn cả, đây lại là cây gỗ Trắc Bonsai mọc trong chậu.
Cây được nhiều người mua định giá vào khoảng 3 tỷ đồng. Tuy nhiên, chủ sở hữu của tác phẩm này cho biết không có ý định chuyển nhượng cho bất cứ ai mà chỉ có mục đích trưng bày cho mọi người thưởng lãm.
Tác phẩm “Cây khế” của tác giả Huỳnh Thanh Tuyên (Bình Định) có tuổi đời khoảng 120 năm. Ông Tuyên cho hay, cây được xem là “báu vật” của dòng họ Huỳnh của mình và ông Tuyên là đời thứ 3 được truyền lại tác phẩm này. Cây có dáng huyền, mang vẻ cổ kính nhưng vẫn gợi nét tinh tế, uyển chuyển và có giá vào khoảng 1,5 tỷ đồng.
Cây bưởi Diễn bon sai cổ thụ có tuổi đời khoảng 30 năm được đặt trong chậu cây cảnh nhưng vẫn ra trái tự nhiên trĩu trịt, tỏa hương thơm dịu. Chủ nhân của cây bưởi độc đáo này là chị Thư (Tứ Liên - Tây Hồ - Hà Nội). Chị Thư cho biết, đây là giống bưởi Diễn chính gốc nên vô cùng quý hiếm.
Từ gốc cây bưởi mọc ra 5 nhánh, tượng trưng cho dáng “ngũ phúc”. Theo nhiều dân chơi cây cảnh, với những nét đẹp tự nhiên về số lượng quả, hoa, lộc và bộ rễ lâu năm, cây này có thể coi là quý, hiếm trên thị trường hiện nay.
Hai gốc đào rừng Mộc Châu có tuổi đời khoảng 80 năm, đã ghép cành đào Nhật Tân và tạo thế "long quấn thủy" của anh Hoàng Hoan (Tứ Liên – Hà Nội).
Hai cây đào có chiều cao gần 2m, đường kính thân khoảng 50cm, thuộc giống đào rừng nguyên thủy ở Mộc Châu (Sơn La). Để đánh được 2 gốc đào này về Hà Nội anh đã phải thuê 15 thợ, băng rừng vượt núi trong nhiều ngày. Sau đó, bứng rễ chở bằng xe trâu rồi mới thuê ô tô đánh thẳng về vườn. Quá trình này diễn ra khá kỳ công, tỷ mỉ để đảm bảo rễ và thân đào không bị dập nát. Cây được đánh giá là độc đáo bởi gốc lũa, thân vảy mốc, gốc vặn mình tựa như thân rồng đang vươn mình lên khỏi mặt đất. Vào dịp Tết Đinh Dậu vừa rồi, hai cây đào rừng cổ thụ này được anh Hoan cho thuê với giá 80 -85 triệu đồng/cây và bán đứt với giá là 120 triệu đồng/cây.