Cảm giác cô đơn và bị cô lập không chỉ là một trạng thái tinh thần, mà còn là một gánh nặng tâm lý, gây tổn hại lớn đến sức khỏe con người. Vậy cô đơn có những có những tác hại cụ thể nào đối với cơ thể của chúng ta và làm thế nào để giải quyết những ảnh hưởng tiêu cực đó? Những giải đáp chi tiết sẽ có trong bài viết dưới đây.
Năm 2020 quả thật là một năm khó quên đối với toàn nhân loại do những tác động của đại dịch. Chúng ta phải hạn chế ra ngoài, giữ khoảng cách với mọi người, ngay cả việc đi học,đi làm, giải trí,… mọi thứ đều phải thông qua thế giới ảo. Kết quả là, nhiều người cảm thấy vô cùng cô đơn, đặc biệt là trong giai đoạn đầu giãn cách xã hội.
Cô đơn là cảm giác đơn độc, không được hỗ trợ, không được lắng nghe và không có kết nối cảm xúc. Trạng thái tâm lí này khiến chúng ta cảm thấy buồn bã, không có động lực, ít năng lượng và đôi khi buồn chán. Điều đáng nói là cảm giác cô đơn có thể xảy ra ngay cả khi bạn không ở một mình.
Cảm giác cô đơn có thể xuất hiện bất cứ lúc nào
Cũng giống như "đói thì phải ăn, khát thì phải uống", sự cô đơn cũng thúc đẩy con người đi tìm bạn đồng hành. Điều này là do, trong lịch sử tiến hóa của loài người, việc thuộc về một nhóm sẽ làm tăng cơ hội sống sót trong tự nhiên. Các nhóm người sẽ đi săn theo bầy đàn, theo dõi nhau và hỗ trợ nhau trong các tình huống rủi ro, nhờ đó tỷ lệ sống sót của các nhóm người cao hơn nhiều so với những người sống một mình.
Vì vậy, cảm giác cô đơn không phải là một điều xấu mà là một hiện tượng bình thường; và cũng giống như nhịn đói quá lâu không có lợi cho cơ thể chúng ta, cô đơn kéo dài cũng không tốt cho tâm lí, trái tim và cơ thể chúng ta!
Sự cô đơn bào mòn cơ thể chúng ta như nước xói mòn đá - từ từ và đều đặn. Cảm giác khó chịu này cũng làm giảm khả năng nghỉ ngơi và thư giãn, ảnh hưởng lớn đến sự tự phục hồi của cơ thể. Cô đơn cũng khiến chúng ta phản ứng tiêu cực hơn. Các nghiên cứu báo cáo rằng những người trẻ bị cô lập với xã hội cảm thấy rằng những ngày của họ căng thẳng hơn, so với những người trẻ tuổi tương tác với bạn bè đồng trang lứa.
Khi bị căng thẳng, cơ thể sẽ tiết ra các hormone cortisol và adrenaline, giữ cho chúng ta ở trạng thái tỉnh táo và tập trung cao độ. Đây là một phản xạ sinh tồn khi chúng ta khi phải đối mặt với một mối đe dọa ngắn hạn, chẳng hạn như một chiếc ô tô đang lao tới. Phản ứng này của hệ thần kinh giao cảm chuẩn bị cho cơ thể phản ứng vật lý để chạy đến một điểm an toàn.
Adrenaline và cortisol - 2 hormone kiểm soát phản ứng của cơ thể đối với căng thẳng
Tuy nhiên, khi phản ứng này liên tục được kích hoạt, các hormone căng thẳng này được tiết ra trong thời gian dài sẽ bị dư thừa, dẫn đến cơ thể không thể xử lý hết. Xét nghiệm cho thấy, trong nước bọt và nước tiểu của những người thường xuyên cảm thấy cô đơn có chứa các phân tử của 2 loại hormone này.
Mức độ căng thẳng gia tăng như vậy sẽ đẩy mọi người hành xử theo cách tự hủy hoại bản thân như: từ bỏ các thói quen lành mạnh, thay đổi thói quen và chu kỳ giấc ngủ hoặc từ bỏ các chế độ ăn uống có lợi cho sức khỏe.
Những người cô đơn có xu hướng huyết áp cao hơn. Động mạch của họ co lại và hẹp hơn, do đó hạn chế lưu lượng máu. Điều này buộc tim phải nỗ lực nhiều hơn để bơm máu, làm quá tải và căng cơ tim. Tuy nhiên, cần có thêm nhiều nghiên cứu trên quy mô lớn hơn để giải thích cặn kẽ quan sát này.
Những người cô đơn cũng được quan sát là có hệ thống miễn dịch yếu hơn bởi các gen mã hóa các phân tử tín hiệu, điều khiển hệ thống miễn dịch chống lại virus không hoạt động như bình thường, do đó khiến cơ dễ bị nhiễm bệnh hơn. Điều này rất nguy hiểm, nhất là trong bối cảnh đại dịch như hiện nay.
Một nghiên cứu cho thấy những người cô đơn hoặc những người bị cô lập với xã hội thường có chu kỳ giấc ngủ không đều, cũng như giấc ngủ bị gián đoạn thất thường, trong đó họ liên tục thức dậy suốt đêm. Loại giấc ngủ này, được gọi là giấc ngủ rời rạc, dẫn đến thiếu ngủ và ảnh hưởng đến sự trao đổi chất của cơ thể, khiến chu kỳ hormone mất cân bằng. Tuy nhiên, hầu hết các nghiên cứu báo cáo kết quả như vậy đều được thực hiện trên người cao tuổi.
Có lẽ chính chất lượng giấc ngủ kém là nguyên nhân phát sinh những tác hại trên. Sau cùng, giấc ngủ đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe của cơ thể, không chỉ ở con người mà còn ở tất cả các loài động vật khác.
Bây giờ thì bạn đã biết thêm một nguyên nhân khiến bạn khó ngủ
Có rất nhiều cách để giải quyết sự cô đơn và khắc phục những tác động tiêu cực của nó.
Một liệu pháp rất phổ biến trong giai đoạn đại dịch này là nói chuyện với bác sĩ hoặc một chuyên gia chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, cách hiệu quả nhất để loại bỏ cảm giác cô đơn không gì khác ngoài việc hòa mình vào tập thể.
Giao lưu và tương tác nhiều hơn với những người khác bằng cách tham gia vào một số công việc tình nguyện hoặc một nhóm hỗ trợ nào đó là một sự lựa chọn không tồi.
Ngoài ra thì việc chọn cho mình một lớp sở thích mới cũng rất có hiệu quả, ví dụ như chơi thể thao với bạn bè. Loại bỏ sự thất vọng và cô đơn ra khỏi tâm trí bằng các chuyển động thể chất cùng những người bạn thân, chắc hẳn sẽ rất tuyệt vời!
Một nghiên cứu cũng cho thấy nếu mọi người tiếp xúc với những người cô đơn, họ có nhiều khả năng bắt đầu cảm thấy cô đơn. Chính vì thế, kết bạn với nhiều người, đặc biệt là những người có tính cách cởi mở, vui vẻ là cách tốt nhất để ngăn chặn sự cô đơn cũng như bảo vệ sức khỏe của chúng ta.
Giao lưu, tương tác với nhiều người chính là cách tốt nhất để loại bỏ cảm giác cô đơn
Cô đơn cũng giống như đói và khát, sợ hãi và đau đớn, đều là những cảm giác hoàn toàn bình thường của con người, thúc đẩy chúng ta tham gia vào các hành vi có lợi về mặt tiến hóa. Quan trọng nhất, đừng bao giờ để sự cô đơn gây hại cho cơ thể. Xét cho cùng, người khỏe mạnh là đa số là những người có tính xã hội cao, hoạt bát, vui vẻ và đặc biệt là luôn được sống là chính mình.