Những thăng trầm trong cuộc sống của người đầu tiên được gắn chip não của Elon Musk

  •  
  • 254

Theo lời chuyên gia, khi con chip gặp lỗi, người được gắn chip có thể trải qua cảm xúc của lần đầu tiên bị tai nạn.

Trên bề mặt não bộ của anh Noland Arbaugh là một con chip và một loạt những điện cực với kích cỡ nhỏ. Tuy vậy, người đầu tiên sử dụng giao diện máy tính-não bộ của Neuralink thổ lộ anh không cảm thấy bất tiện với việc đeo chip não 24/7. Anh nhận định nếu không còn ký ức về ca phẫu thuật, anh sẽ chẳng biết não mình đang gắn chip.

Anh Arbaugh trải qua ca phẫu thuật hồi tháng Một vừa qua, và là người đầu tiên thử nghiệm Chip cấy N1 của Neuralink.

Giả sử tôi mà mất trí nhớ và tỉnh dậy, và bạn nói tôi đang có thứ gì đó gắn trực tiếp trên não, tôi sẽ chẳng tin bạn đâu”, người đàn ông 30 tuổi, bị liệt từ cổ trở xuống suốt 8 năm nay, trả lời phỏng vấn. “Tôi không cảm thấy nó - không thể cảm nhận được trừ khi có ai trực tiếp ấn vào nó”.

Anh thổ lộ con chip do công ty của Elon Musk phát triển đã giúp anh đổi đời, “tái kết nối với thế giới”. Mặc dù công nghệ giao diện máy tính-não bộ (BCI) đã tồn tại từ lâu, nhưng nhờ đột phá từ Neuralink và nhờ thử nghiệm thành công trên Noland Arbaugh, phần đông công chúng mới nhận thấy tiềm năng từ BCI. Nó có thể giúp người tàn tật hay bị bệnh về não cải thiện chất lượng sống.


Livestream phỏng vấn bệnh nhân liệt tứ chi sử dụng chip não Neuralink.

Một thiết bị BCI sẽ ghi nhận tín hiệu điện của não bộ và dịch nó thành hành động, sau đó truyền tín hiệu xuống các thiết bị ngoại vi như tay robot hay máy tính cá nhân. Các mẫu BCI hiện hành khác nhau về thiết kế, mức độ xâm lấn vào não bộ và độ sắc nét của tín hiệu đọc được.

Một số BCI có dạng mũ trùm đầu, đọc tín hiệu qua xương sọ. Một số được đặt trên bề mặt não để theo dõi tín hiệu điện. Còn thiết bị của Neuralink được gắn trực tiếp vào mô não, để tiếp cận gần nhất có thể với neuron thần kinh.

Neuralink cũng không phải đơn vị đầu tiên thử nghiệm thiết bị BCI dạng này. Công nghệ lần đầu tiên được đề xuất bởi Richard Normann hồi thập niên 90, và đến năm 2004, Matthew Nagle trở thành người đầu tiên sử dụng BCI để điều khiển thành công một con trỏ chuột.

Tuy vậy, Neuralink là đơn vị đầu tiên tích hợp tất cả những cải tiến đáng tiền của BCI vào trong một thiết bị không dây.

Cuộc sống của Arbaugh sau khi gắn chip

Khoảng một tháng sau phẫu thuật, chip cấy của anh Arbaugh đột ngột mất chức năng. Sau quá trình “bảo trì”, nhóm kỹ sư của Neuralink phát hiện thấy đây là lỗi phần cứng: khoảng 85% luồng chip không phản ứng. “Thật khó tưởng”, anh Arbaugh nói lúc phát hiện ra chip đã dừng hoạt động. “Tôi vừa mới cảm thấy hưng phấn đến vậy, và rồi sau một tháng, cảm giác như mọi thứ sụp đổ”.


Chip N1 của Neuralink - (Ảnh: Neuralink).

Theo nhận định của Douglas Weber, kỹ sư cơ khí và nhà khoa học thần kinh công tá tại Đại học Carnegie Mellon, thì nỗi thất vọng cũng như sự lo lắng là một trong những mối nguy lớn trong nghiên cứu BCI. “Bạn cứ tưởng tượng những áp lực xuất hiện khi chấn thương cột sống lần đầu tiên, và rồi phải trải qua nó một lần nữa”, chuyên gia Weber phân tích.

Thông qua chỉnh sửa thuật toán, nhóm nghiên cứu của Neuralink đã hồi phục chức năng cho chip. Nhờ đó anh Arbaugh đã có thể thực hiện được video demo phía trên.

Tuy vậy, Neuralink chưa công bố tài liệu khoa học liên quan tới dự án cấy chip vào não bộ anh Noland Arbaugh. Theo các chuyên gia, điều này có thể hạn chế tiến trình phát triển của ngành nghiên cứu BCI.

Trong khi đó, Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã duyệt kế hoạch mới của Neuralink, cho phép họ tiếp tục cấy chip lên một người khác. Neuralink dự định sửa lỗi đã gặp trên chip của anh Arbaugh, thông qua cấy chip sâu hơn nữa vào não: lần này, chip sẽ ăn sâu tới 8 mm, trong khi đó lần trước chân chip chỉ sâu từ 3-5 mm.

Cuộc sống của anh Arbaugh được cải thiện nhiều nhờ Neuralink
Cuộc sống của anh Arbaugh được cải thiện nhiều nhờ Neuralink - (Ảnh: Bloomberg).

Còn về phần anh Arbaugh, anh không mấy buồn phiền về việc chip của mình gặp lỗi. Trong mắt anh, trải nghiệm của anh sẽ giúp công nghệ cải thiện cho đời sau. Khi công nghệ BCI ngày một hoàn thiện, một con chip cấy não có thể đem lại khả năng vận động cho người khuyết tật chi, hay mang lại thị lực cho người bị tật ở mắt.

Noland Arbaugh hạnh phúc vì là người đầu tiên được thử nghiệm, và rất hào hứng với tương lai mà Neuralink mang lại cho người được thử nghiệm tiếp theo.

Cập nhật: 12/06/2024 ĐSPL
  • 254