Cảnh báo "máy tính- não người" của tỷ phú Elon Musk dễ bị tấn công và thao túng bởi bên thứ ba

  •  
  • 176

Dự án đưa máy tính vào trong não người Neuralink của tỷ phú Elon Musk có khả năng thay đổi cuộc sống của một số người, nhưng chúng cũng gây ra nhiều vấn đề về đạo đức.

Việc đưa máy tính vào trong não người tưởng chừng là chuyện khoa học viễn tưởng nhưng nó sắp trở thành sự thật qua dự án của công ty Neuralink của tỷ phú Elon Musk. Các nhóm học thuật và thương mại đang thử nghiệm các thiết bị "máy tính- não người" để giúp người khuyết tật hoạt động độc lập hơn, nhưng dự án này đang là trung tâm trong các cuộc tranh luận về an toàn, đạo đức và khoa học thần kinh.

Vào tháng 1 năm 2024, tỷ phú Elon Musk thông báo rằng đã cấy con chip đầu tiên của họ vào não người.

Neuralink vừa triển khai thử nghiệm đầu tiên trên người nhưng đang bị tranh cãi về đạo đức.
Neuralink vừa triển khai thử nghiệm đầu tiên trên người nhưng đang bị tranh cãi về đạo đức. (Ảnh: Andriy Onufriyenko/Moment).

Chip não người hoạt động như thế nào?

Thiết bị có kích thước bằng đồng xu của Neuralink, được gọi là N1, được thiết kế để cho phép bệnh nhân thực hiện các hành động chỉ bằng cách tập trung vào chúng mà không cần chuyển động cơ thể.

Các đối tượng trong nghiên cứu của công ty được trải qua phẫu thuật để đặt thiết bị vào phần não điều khiển chuyển động. Con chip ghi lại và xử lý hoạt động điện của não người, sau đó truyền dữ liệu này đến một thiết bị bên ngoài như điện thoại hoặc máy tính.

Thiết bị bên ngoài "giải mã" hoạt động não của bệnh nhân, học cách liên kết các mẫu nhất định với mục tiêu của bệnh nhân: chẳng hạn như di chuyển con trỏ máy tính lên màn hình. Theo thời gian, phần mềm có thể nhận ra mô hình kích hoạt thần kinh liên tục xảy ra trong khi người tham gia đang tưởng tượng về nhiệm vụ đó và sau đó thực hiện.

Thử nghiệm hiện tại của Neuralink tập trung vào việc giúp những người bị liệt tay chân điều khiển máy tính hoặc điện thoại thông minh. Thiết bị máy tính- não người, thường được gọi là BCI, cũng có thể được sử dụng để điều khiển các thiết bị như xe lăn.

Các thiết bị không xâm lấn được đặt bên ngoài đầu con người đã được sử dụng trong các thử nghiệm lâm sàng trong một thời gian dài, nhưng chúng chưa nhận được sự chấp thuận của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) để phát triển thương mại.

Có những thiết bị máy tính- não người khác, tương tự như của Neuralink, được cấy ghép hoàn toàn và không dây. Tuy nhiên, bộ cấy N1 kết hợp nhiều công nghệ hơn trong một thiết bị duy nhất. Nó có thể nhắm mục tiêu vào từng tế bào thần kinh, ghi lại từ hàng nghìn vị trí trong não và sạc lại cục pin nhỏ không dây. Đây là những tiến bộ quan trọng có thể tạo ra kết quả tốt hơn.

Tại sao Neuralink bị chỉ trích?

Neuralink đã nhận được sự chấp thuận của FDA cho các thử nghiệm trên người vào tháng 5/2023. Musk công bố thử nghiệm trên người đầu tiên của công ty trên nền tảng truyền thông xã hội X vào tháng 1 năm 2024.

Tuy nhiên, thông tin về thiết bị cấy ghép rất ít, ngoài một tập tài liệu nhằm tuyển dụng các đối tượng thử nghiệm.

Khi nghiên cứu khoa học được tài trợ bởi các cơ quan chính phủ hoặc các nhóm từ thiện, mục đích của nó là thúc đẩy lợi ích công cộng. Trong khi đó, Neuralink là hiện thân của một mô hình cổ phần tư nhân đang trở nên phổ biến hơn trong khoa học, nhưng họ cũng cố gắng tối đa hóa lợi nhuận, điều này có thể xung đột với lợi ích tốt nhất của bệnh nhân.

Thử nghiệm của Neuralink nêu ra những vấn đề đạo đức nào?

Khi thiết bị “máy tính- não người” được sử dụng để giúp những bệnh nhân bị khuyết tật hoạt động độc lập hơn, chẳng hạn như giúp họ giao tiếp hoặc di chuyển, điều này có thể cải thiện sâu sắc chất lượng cuộc sống của họ. Đặc biệt, nó giúp mọi người khôi phục lại ý thức về quyền tự quyết hoặc quyền tự chủ của chính họ - một trong những nguyên lý then chốt của y đức.

Tuy nhiên, những can thiệp y tế có thiện chí có thể gây ra những hậu quả không lường trước được. Với BCI, các nhà khoa học và nhà đạo đức đặc biệt lo ngại về khả năng bị đánh cắp danh tính, hack mật khẩu và tống tiền. Dựa vào cách các thiết bị truy cập vào suy nghĩ của người dùng, cũng có khả năng quyền tự chủ có thể bị bên thứ ba thao túng.

Ngoài sai sót và rủi ro về quyền riêng tư, các nhà khoa học còn lo lắng về những tác động bất lợi tiềm ẩn của một thiết bị được cấy ghép như Neuralink, vì các thành phần của thiết bị không dễ dàng thay thế sau khi cấy ghép.

Hiện tại, các thử nghiệm của Neuralink tập trung vào những bệnh nhân bị liệt. Tuy nhiên, Eon Musk cho biết mục tiêu cuối cùng của ông là giúp nhân loại - bao gồm cả những người khỏe mạnh - "theo kịp" với trí tuệ nhân tạo.

Cập nhật: 11/03/2024 Tiền Phong
  • 176