Tự treo cổ để thử cảm giác ngạt thở, bơi trong hồ chứa toàn nước si rô, đó là một số thí nghiệm rối rắm thực sự được triển khai trong lịch sử đầy tính bất ngờ của khoa học.
Cách đây vài tuần, một số chuyên san đưa tin về phát hiện mà họ cho là “đột phá” về tâm lý học ở người. Theo nhóm nghiên cứu của Đại học bang California ở Fullerton, có vẻ như con người nói dối giỏi hơn và thuyết phục hơn khi bàng quang trong tình trạng căng đầy. Trong lịch sử nghiên cứu khoa học, không thiếu những cuộc thí nghiệm kỳ quặc tương tự như trên, đến nỗi có thể làm người nghe bị sốc.
Vào năm 2011, một báo cáo của Trường Y Albany rút ra 3 điều: 1) Chuột đặc biệt không thích nhạc. 2) Nếu bị ép nghe, chúng thích nhạc cổ điển của Beethoven hơn. 3) Và khi hít “hàng”, chúng chuyển gu sang nhạc jazz. Chẳng hiểu những kết luận kiểu này thì có lợi ích gì cho kho tàng kiến thức chung của giới khoa học, nhưng hậu quả trước mắt là nhóm khoa học gia bị các nhà bảo vệ động vật chỉ trích dữ dội, theo tờ the Times-Union.
Lịch sử nghiên cứu y khoa ghi nhận nhiều chuyên gia dũng cảm, xung phong thực hiện thí nghiệm lên chính mình. Và trong số những người thần kinh thép có tên của chuyên gia pháp y Nicolae Minovici người Romania. Vào thập niên 1900, khi đang làm việc tại Đại học Quốc gia về khoa học ở Bucharest, ông Minovici muốn biết thêm về hiện tượng chết do treo cổ, vốn là cách thức tử hình phổ biến vào thời đó. Thế là ông này tự chế công cụ để treo cổ chính mình đến 12 lần để ghi nhận những chi tiết về nút thắt của thòng lọng, dây thừng xoắn khi chịu sức nặng từ cơ thể, cũng như phản ứng có hại khi bị ngạt thở. Có lúc ông này tự treo cổ lơ lửng cách mặt đất vài mét suốt 25 giây. Không biết những cuộc thí nghiệm này có góp phần vào cái chết cho biến chứng khi chấn thương thanh quản của Minovici vào năm 1941 hay không.
Nước si rô không ảnh hưởng đến tốc độ bơi bình thường của con người - (Ảnh: Shutterstock).
Vào năm 2004, các chuyên gia của Đại học Minnesota đã yêu cầu nhà tài trợ đổ nước si rô đầy hồ bơi trong khuôn viên trường học, và không chỉ đề xuất 1 lần mà đến 22 lần khác nhau. Kế đến, họ thuyết phục 16 người bơi trong nước hồ ngọt lịm, với độ đặc gấp 2 lần nước bình thường. Kết quả cho thấy những người tình nguyện vẫn bơi nhanh trong môi trường nước si rô như nước lỏng, theo báo cáo trên chuyên san Nature. Điểm không hài lòng duy nhất ở người bơi là nước quá nhầy.
Khi lên cơn động dục, gà tây trống chẳng hề quá kén chọn bạn tình. Và bằng chứng đã được rút ra trong cuộc nghiên cứu của các chuyên gia thuộc Đại học Pennsylvania. Gà tây trống hoàn toàn chấp nhận bạn tình là mô hình có kích thước tương tự gà tây cái. Đến khi các nhà khoa học tiến hành nghiên cứu chi tiết về những bộ phận có thể khơi dậy cơn hứng khởi ở con trống, họ phát hiện rằng các chú gà tây luôn hài lòng về bất kỳ điểm nào trên cơ thể con cái, và thậm chí một cái đầu gỗ cũng khiến chúng hăm hở lao vào nhập cuộc.
Vào năm 2004, một nhóm các nhà khoa học ở Viện Động vật học thuộc Đại học Stockholm đã công bố “Gà chỉ thích người đẹp”, sau một nghiên cứu tìm hiểu xem những chú gà nghĩ sao về khuôn mặt người.
Họ đã đặt hàng loạt các bức hình chân dung người trước mặt những chú gà và huấn luyện chúng chỉ mổ vào những gì chúng thấy là đẹp. Sau khi tập hợp những bức tranh được gà mổ, họ đã nhận ra những người phụ nữ đẹp theo tiêu chuẩn được những chú gà mổ nhiều nhất.
Nếu bạn muốn biết một bức tranh có đẹp hay không, hãy nhờ đến chim bồ câu. Năm 2010, giáo sư Shingeru Watanabe ở Đại học Keio, Nhật Bản, đã công bố một nghiên cứu về việc những chú chim bồ câu nhận biết được hình ảnh, bức tranh nào là đẹp hay xấu với hai tiêu chí ông chọn ra là màu sắc và kết cấu của bức tranh.
Đáng ngạc nhiên là khi đứng trước những bức tranh đẹp, chim bồ câu đều sẽ dùng mỏ mổ vào tranh. Sau đó, giáo sư đã thử lại bằng cách tẩy màu và trộn 2 bức tranh lại với nhau để thử lại. Lúc này, chim bồ câu không thể nhận biết được nữa. Thí nghiệm này cũng chứng minh những chú chim bồ câu sẽ dựa vào màu sắc và kết cấu để đánh giá vẻ đẹp.
Theo Keith Kendrick, một nhà thần kinh học tại Viện Babraham ở Cambridge, Anh, những chú cừu sở hữu và sử dụng mạng thần kinh tương tự giống như con người để có thể nhận biết khuôn mặt. Điều này khiến chúng không chỉ nhớ và phân biệt được gương mặt của những chú cừu khác, mà còn giúp chúng nhận biết và nhớ được khuôn mặt những người quen thuộc trong một thời gian rất lâu, thường là vào khoảng 2 năm.
Kendrick và các đồng nghiệp của ông đã huấn luyện 20 chú cừu bằng cách để chúng gặp 60 chú cừu khác và những chú cừu có thể nhận biết và nhớ 50/60 những chú cừu đã từng gặp. Sau 600 - 800 chú cừu khác nhau, những ký ức về khuôn mặt mà cừu đã nhận biết sẽ dần dần bị mất đi.
Vào năm 1933, giáo sư Allan Walker Blair ở trường Đại học Alabama đã để cho một con nhện quả phụ đen – một loại nhện cực độc cắn vào ngón tay của mình như là một phần của nghiên cứu "hậu quả khi bị nhện góa phụ đen cắn vào người". 2 giờ sau khi bị cắn, giáo sư đổ mồ hôi đầm đìa và cảm thấy bị chuột rút ở cơ bắp khiến việc hô hấp gặp nhiều khó khăn. 9 giờ sau khi bị nhện cắn, giáo sư đã được nhanh chóng đưa đến bệnh viện và trải qua 3 ngày sốt cao với những cơn đau đớn như là một ác mộng. Và như một kết quả không thể tránh khỏi, giáo sư Allan đã qua đời ngay sau đó.