Những tiêu chí cần quan tâm khi chọn thực phẩm ăn liền

  •  
  • 506

Người dùng nên kiểm tra thành phần dinh dưỡng, chất phụ gia; chọn nhà sản xuất uy tín; xem hạn sử dụng khi chọn thực phẩm ăn liền.

Cuộc sống hiện đại không thể thiếu sự có mặt của thực phẩm ăn liền, tuy nhiên, bất kỳ một loại thực phẩm nào đều có ưu, nhược điểm. Bạn không nhất thiết phải bỏ những thực phẩm này, mà có thể đưa ra lựa chọn khi mua và chế biến bằng các tiêu chí theo gợi ý của Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội như sau:

Thành phần dinh dưỡng

Thực phẩm ăn liền là những sản phẩm đã qua quá trình chế biến để người dùng ăn hoặc uống ngay, có thể làm nóng hoặc lạnh cho phù hợp với sở thích. Mỗi loại đều có giá trị dinh dưỡng phụ thuộc vào nguyên liệu sản xuất, thường được chia thành 4 nhóm:

  • Nhóm 1 có hàm lượng protein cao, gồm sản phẩm từ nguyên liệu giàu chất đạm (thịt, cá, sữa, trứng, đậu tương...), chẳng hạn xúc xích, thịt hộp, cá hộp, sữa...
  • Nhóm 2 có hàm lượng đường và tinh bột cao với nguyên liệu giàu đường, tinh bột như bánh, kẹo, mì ăn liền, phở ăn liền, bún ăn liền...
  • Nhóm 3 có hàm lượng chất béo cao với nguyên liệu giàu chất béo như bơ, sữa, các sản phẩm đã chiên rán, dầu ăn...
  • Nhóm 4 giàu hàm lượng chất xơ, vitamin, chất khoáng cao từ thực vật như rau, củ, quả hoặc các loại nước uống từ rau, củ, quả...

Bảng thông tin về năng lượng và hàm lượng các chất dinh dưỡng của thực phẩm (carbohydrate, protein và chất béo) thường được nhà sản xuất ghi rõ trên bao bì, vì vậy, hãy đọc kỹ các thông tin này để có thể chế biến ra một bữa ăn cân bằng dinh dưỡng cho gia đình.

Ví dụ, mì gói Hảo Hảo (75g) có 6,9 gram chất đạm, 13 gram chất béo, 51,4 gram carbohydrate, cung cấp mức năng lượng 350 kcal. Mì ăn liền được xếp vào nhóm cung cấp chất bột đường hay còn gọi là nhóm thực phẩm cơ bản như cơm, phở, bún, bánh mì...

Người dùng nên kết hợp thực phẩm ăn liền với thịt trứng, rau củ để cân bằng dinh dưỡng.
Người dùng nên kết hợp thực phẩm ăn liền với thịt trứng, rau củ để cân bằng dinh dưỡng.

Tùy theo nhu cầu dinh dưỡng, mức năng lượng hàng ngày của các thành viên mà lựa chọn sản phẩm phù hợp. Ví dụ, người lớn cần trung bình khoảng 1.600-2.200 kcal mỗi ngày, cần ăn đủ 4 nhóm chất bột đường (khoảng 55-65%), chất đạm (15-20%), chất béo (25-30%), vitamin và khoáng chất. Trên thực tế, không thực phẩm nào có đủ các chất dinh dưỡng theo yêu cầu của người dùng mà phải kết hợp nhiều loại thực phẩm với nhau để đảm bảo tính đa dạng, cân bằng và hợp lý.

Chất phụ gia

Các nhà sản xuất uy tín sẽ công bố rõ ràng, đầy đủ và chi tiết các chất phụ gia thực phẩm trên mặt sau của bao bì. Các chất phụ gia thực phẩm thường được thể hiện bằng tên chất phụ gia, công dụng và mã số quốc tế (INS).

Trước khi đưa ra danh mục phụ gia thực phẩm này, các cơ quan quản lý đã tiến hành nhiều cuộc kiểm tra, kiểm nghiệm tính an toàn và các ngưỡng sử dụng phù hợp theo cơ địa của người dân tại từng quốc gia.

Tại Việt Nam, Bộ Y tế cũng có quy định một danh mục các chất phụ gia thực phẩm, bên cạnh đó, ứng với từng loại thực phẩm còn có những bộ tiêu chuẩn riêng biệt. Ví dụ như mì ăn liền đã được Ban kỹ thuật Codex quốc tế thiết lập tiêu chuẩn CODEX STAN 249-2006, Tổng cục đo lường chất lượng Việt Nam ban hành TCVN 7879:2008.

Chất phụ gia thực phẩm dùng trong sản phẩm ăn liền phải được cho phép và tuân thủ liều lượng theo luật quy định.
Chất phụ gia thực phẩm dùng trong sản phẩm ăn liền phải được cho phép và tuân thủ liều lượng theo luật quy định.

Thời hạn sử dụng

Ngày sản xuất và ngày hết hạn được ghi rõ trên bao bì. Thời hạn sử dụng dài hay ngắn phụ thuộc nhiều yếu tố như tính chất sản phẩm, phương pháp sản xuất, bao bì, đóng gói và điều kiện bảo quản. Tuy nhiên, chúng thường được quyết định bởi hai yếu tố chất lượng cảm quan (ngon) và chất lượng an toàn (lành).

Đến thời điểm hết hạn sử dụng, các chỉ tiêu cảm quan của thực phẩm ăn liền không còn như khi mới sản xuất (mùi không còn thơm, vị kém hấp dẫn, màu sắc bị biến đổi ít nhiều...). Hàm lượng vi sinh vật vượt quá ngưỡng an toàn, có thể gây ra nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Bạn nên mua sản phẩm còn thời hạn sử dụng dài, nếu hạn sử dụng còn ngắn thì cần dùng hết trước khi hết hạn.

Để giảm bớt thực phẩm ăn liền bị hỏng, người kinh doanh bán hàng và người dùng cần đọc kỹ và thực hiện hướng dẫn bảo quản của nhà sản xuất. Sản phẩm có độ ẩm thấp (nhỏ hơn 10%) nên bảo quản ở nơi khô ráo, không khói bụi bẩn, giữ nguyên bao bì. Sản phẩm có độ ẩm cao (trên 10%) cần giữ trong tủ lạnh, đậy kín hoặc giữ nguyên trong bao bì. Ví dụ, mì ăn liền dạng chiên có độ ẩm khoảng dưới 3%, có thể dùng 5-6 tháng nếu bảo quản đúng cách.

Nhà sản xuất

Nhà sản xuất đáng tin cậy sẽ chú trọng đến quyền lợi của người tiêu dùng, được nhiều người tin dùng vì đạt được hai tiêu chí: chất lượng cao và ổn định (ngon); đảm bảo an toàn thực phẩm (lành).

Bạn nên chọn những nhà sản xuất uy tín, địa chỉ bán hàng quen biết để thường xuyên mua hàng. Người bán hàng đáng tin cậy sẽ có trách nhiệm với sản phẩm mà họ bán ra, nắm được nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, giải thích cho người dùng những thông tin họ thắc mắc về sản phẩm muốn mua.

Để tránh hàng giả, kém chất lượng, bạn nên kiểm tra nhãn mác như tên sản phẩm, mẫu bao bì, nét chữ, kích thước... Dùng các giác quan quan sát sản phẩm như dùng tay nắn để biết độ cứng, mềm; nhìn màu của sản phẩm, ngửi bằng mũi, đọc kỹ các thông tin trên bao bì...

Cập nhật: 28/11/2019 Theo VnExpress
  • 506