Những xác ướp Ai Cập bị lãng quên

  •   3,52
  • 3.036

Nói đến xác ướp Ai Cập cổ, người ta liên tưởng đến các pharaoh, chứ chưa mấy ai nhắc đến xác ướp của thường dân. Việc khai quật hàng trăm xác ướp tại khu vực sông Nil của 3 nhà khoa học Pháp mới đây đã hé lộ nhiều thông tin về đời sống của người dân Ai Cập cổ đại.

Việc khai quật xác ướp của vua Ramsès hay Toutankhamon vẫn còn nguyên vẹn cũng không thể nói lên hết được đời sống sinh hoạt của thần dân họ như thế nào. Trong bối cảnh này, kết quả khai quật gần 800 xác ướp tại lưu vực sông Nil của 3 nhà khoa học người Pháp là một minh chứng duy nhất cho thấy hoàn cảnh xã hội và điều kiện sống của một cộng đồng cư dân nông nghiệp cổ đại sống bên lề của các triều đại vua Ai Cập huy hoàng, và là một thành công lớn trong việc tìm kiếm và làm sáng tỏ đời sống người dân thời cổ đại.

Nghiên cứu 800 xác ướp bao gồm cả đàn ông, đàn bà và trẻ em trong ốc đảo Kharga (phía Tây Assouan) của nhóm 3 nhà khoa học thuộc ba lĩnh vực khác nhau (khảo cổ học, y học, và nhân loại học) đã tái hiện được bức tranh về đời sống của người dân thường Ai Cập cổ đại. 800 xác ướp này là những người nông dân đến khai hoang và canh tác tại Kharga, một vùng đất khá khô cằn. Sau đó, họ đã biến nó thành một ốc đảo “tràn đầy nước và rượu”, như sử gia Strabon thời La Mã từng ghi lại. Những tàn tích về các pháo đài hùng mạnh cho thấy có quân đội đồn trú vào thế kỷ thứ 3 sau Công nguyên để bảo vệ vùng đất trù phú này trước sự xâm nhập của các thế lực ngoại bang.

Cuộc sống của cộng đồng cư dân bị bỏ quên sống ngoài lề của các triều đại Ai Cập cổ đại này đã được Fran ois Dumand, Roger Lichtenberg và Jean-Louis Heim tái hiện một cách sinh động. Khác với các công trình nghiên cứu trước đó về xác ướp Ai Cập, ba nhà khoa học người Pháp này tiến hành nghiên cứu các xác ướp trên ngay tại hiện trường khai quật. Theo đó, nhóm người Pháp cho thấy đây là xác ướp của những người dân thường sống ở thời kỳ vua Ptôlêmaích, sau đó là dưới sự cai trị của đế chế La Mã từ thế kỷ thứ 1 trước Công nguyên đến thế kỷ thứ 4 sau Công nguyên. Ngày nay, những người dân Ain Labankha, Douch và El Deir (ba địa danh khai quật xác ướp thuộc ốc đảo Kharga) đã có thể hiểu rõ nguồn gốc của lối sống, thói quen ẩm thực và những phong tục ma chay của họ.

Trong khi khai quật ngôi mộ nằm trên một ngọn đồi ở El Deir, các nhà khoa học phát hiện thấy các xác ướp trong ngôi mộ này là một gia đình, vẫn còn giữ được nguyên trạng, những nét biểu hiện trạng thái tình cảm của người sống, thậm chí họ còn thấy nét mặt chịu đựng hiển hiện trên khuôn mặt một xác ướp là cô con gái trẻ khoảng 10 tuổi trong gia đình này. Mười đầu ngón tay cô co rúm lại như đang phải chịu sự đau đớn tột cùng. Xác ướp của một người đàn ông, vài người phụ nữ và một người già cũng vẫn còn giữ được nguyên cả tóc, lông mi, móng chân, móng tay...

Sau khi tiến hành phân tích với mọi phương tiện nghiên cứu như chiếu điện các xác ướp, phẫu thuật nội tạng, các nhà nghiên cứu phát hiện các xác ướp này bị mắc phải những chứng bệnh lạ vào thời kỳ đó, như căn bệnh lao phổi đã giết chết gần một nửa thành viên trong gia đình, một trường hợp bị thương hàn, cậu con trai bị đau ruột thừa, hai trường hợp bị ung thư tuyến yên.

Còn tại khu thị trấn nhỏ Douch, qua nghiên cứu các xác ướp ở đây, các nhà khoa học phát hiện thấy cuộc sống của những người dân ở đây khổ hơn rất nhiều so với hai khu vực kia. Kết quả nghiên cứu cho thấy, các xác ướp tại đây trước đó bị suy dinh dưỡng nặng, bại liệt hay thấp khớp cấp tính. 60% các xác ướp bị thiếu dinh dưỡng, đặc biệt có những phụ nữ còn đang mang thai. Tỉ lệ này cao hơn nhiều so với những xác ướp được khai quật tại Ain Lakha và El Deir, và chỉ có 4% ở các vị pharaoh.

Để giải thích tình trạng chênh lệch trên, các nhà khoa học cho rằng, người dân ở hai địa danh là Ain Labakha và El Deir có những nguồn thu nhập khác ngoài việc canh tác. Điều này cho phép họ cải thiện đáng kể chất lượng đời sống của họ. Bệnh thấp khớp cấp tính tại hai khu vực này ít hơn ở Douch và cách thức ướp xác cũng chất lượng hơn. Rất nhiều người thuộc cả 3 địa điểm khai quật trên đều còn mang trên mình những vết sẹo của căn bệnh sán máng, một căn bệnh phổ biến ở Ai Cập thời cổ đại.

Một phát hiện mới đây về một nơi chuyên ướp xác tại El Deir khẳng định phong tục ướp xác ở những ốc đảo này có từ lâu đời. Một số lượng lớn các đồ gốm thuộc nhiều chủng loại, với nhiều mục đích sử dụng khác nhau và một số vật dụng cần thiết cho việc ướp xác cũng được khai quật. Những chiếc lọ đựng nước hoa, bình chứa một loại nhựa màu đen dùng để đổ lên các xác ướp. Các nhà khoa học còn tìm thấy một loại đá tự nhiên được đặt vào bên trong các xác ướp để giữ cho các xác ướp luôn được khô ráo.

Vào tháng 1, ba nhà khoa học người Pháp này còn phát hiện một nghĩa trang ở gần El Deir. Tại đây họ tìm thấy được 150 xác ướp là những con vật thiêng liêng của người dân Ai Cập cổ đại, chủ yếu là chó. Theo các nhà khoa học, những con chó này là thể hiện việc người dân nơi đây tôn sùng thần Oupouaout, biểu tượng về một loài chó của sa mạc. Họ cho biết thêm, chắc chắn vẫn còn rất nhiều điều bí ẩn nữa về thời Ai Cập cổ mà con người chưa phát hiện ra. Song rõ ràng, những khám phá mới này đã đánh dấu một bước tiến vượt bậc của ngành khảo cổ học trong việc nghiên cứu các nền văn minh Ai Cập cổ đại.

  • 3,52
  • 3.036