Nọc của hổ mang chúa có thể giết chết được voi nhưng so với loại này thì cũng chẳng thấm vào đâu

  •  
  • 10.811

Hổ mang chúa là loài rắn độc dài nhất thế giới, chúng là loài rắn duy nhất có khả năng chiến thắng các loại trăn lớn như trăn vua vì sở hữu nọc độc và cả sức mạnh cơ bắp cực khỏe.

Mặc dù không phải là loài rắn có nọc độc mạnh nhất thế giới nhưng bù lại rắn hổ mang có thể điều tiết lượng nọc tiêm vào người nạn nhân và nếu cần thì nó có thể giải phóng lượng nọc lớn từ 200 đến 500mg, tối đa là 7ml (theo King Cobra: National Geographic).

Lượng nọc này đủ hạ cả 1 con voi trưởng thành chỉ sau vài giờ hay gây tử vong cho khoảng 20 – 30 người trưởng thành nếu không được chữa trị. Thế nhưng nếu so với lượng nọc tiết ra của loài rắn này thì hổ mang chúa vẫn chưa "thấm" vào đâu.

Loài rắn vượt qua cả hổ mang chúa về liều lượng nọc độc lại chính là một loài rắn sinh sống ở rất xa môi trường sống của hổ mang chúa: Rắn hổ lục Gaboon (Tên khoa học: Bitis gabonica) một loài rắn sở hữu cặp răng nanh dài nhất thế giới và cũng là loài rắn độc nặng nhất châu Phi.

Rắn hổ lục Gaboon
Rắn hổ lục Gaboon. (Ảnh: Zoo).

Loài rắn này có hình hoa văn màu đen giống "tử thần" ở trên đầu và quả thực, chúng là một trong những loài rắn độc đáng sợ nhất ở châu Phi.

Rắn hổ lục Gaboon có cặp răng nanh dài đến 5 cm (trong khi rắn hổ mang chúa chỉ khoảng 8-10 mm, theo King cobra: Smithsonian's National Zoo). Nghĩa là răng nanh của rắn hổ lục Gaboon dài gấp khoảng 5 lần hổ mang chúa.

Do có răng nanh lớn để rắn hổ lục Gaboon có thể bơm lượng nọc độc lên tới 2 gram trong mỗi nhát cắn, nghĩa là gấp khoảng 4 lần so với lượng nọc thông thường của rắn hổ mang chúa. Đây cũng là liều lượng nọc độc cao nhất so với bất kỳ loài rắn nào khác (theo Animal Records).

 Răng nanh của rắn hổ lục Gaboon lớn hơn hổ mang chúa tới 5 lần.
Răng nanh của rắn hổ lục Gaboon lớn hơn hổ mang chúa tới 5 lần. (Ảnh: Thành Luân).

Còn lượng nọc tươi tối đa mà loài rắn này có thể sản sinh là 9,7 ml (theo nghiên cứu của Marsh và Whaler năm 1984), vẫn nhiều hơn 2,7 ml so với lượng nọc tối đa mà rắn hổ mang chúa có thể sản sinh.

Nọc độc của rắn hổ lục Gaboon cũng vô cùng nguy hiểm, tuy nhiên chúng là loài rắn di chuyển rất chậm chạp và thường sống trong khu vực rừng nhiệt đới nên những trường hợp bị loài rắn cắn và tử vong là rất thấp.

Cập nhật: 29/07/2021 Theo Tổ Quốc
  • 10.811