Nữ giáo sư nghiên cứu tập sự 33 tuổi người Việt ở Mỹ

  •  
  • 1.056

Nghiên cứu sau tiến sĩ tại Đại học Stanford hàng đầu thế giới, mới đây Ngô Thị Minh Thùy (33 tuổi) được trường y khoa nổi tiếng nước Mỹ Oregon Health and Science University bổ nhiệm làm giáo sư nghiên cứu tập sự về lý - sinh.

Cuối tháng 1, TS Ngô Thị Minh Thùy (33 tuổi) bắt đầu công việc Research Assistant Professor (tạm dịch là giáo sư nghiên cứu tập sự) tại Đại học Y khoa Oregon Health and Science University (viết tắt là OHSU, thành phố Portland, Mỹ). Là một trong những nhà khoa học đầu tiên tham gia xây dựng trung tâm nghiên cứu chẩn đoán ung thư sớm với nguồn đầu tư một tỷ đôla, chị Thùy được làm việc cùng nhiều nhà nghiên cứu đầu ngành, như GS.TS Brian Druker - người phát triển thuốc điều trị ung thư hướng đích đầu tiên Gleevec.

Công việc TS Minh Thùy là nghiên cứu dấu hiệu và cơ chế hình thành ung thư giai đoạn sớm, phát triển những phương pháp điều trị, đánh giá, phỏng đoán hiệu quả điều trị. Chị đồng thời hướng dẫn nghiên cứu sinh, nghiên cứu viên sau tiến sĩ cho Đại học OHSU.

TS Ngô Thị Minh Thùy (33 tuổi)
TS Ngô Thị Minh Thùy (33 tuổi), là giáo sư nghiên cứu tập sự tại Đại học Y khoa Oregon Health and Science University. (Ảnh: NVCC).

"Đây là thành tích rất xuất sắc, nhất là với giới nữ", TS Đặng Văn Huấn (Bộ Giáo dục và Đào tạo) nói. Từng làm nghiên cứu sinh tại thành phố Portland, anh cho biết, OHSU là đại học lớn, đứng top đầu nước Mỹ về nghiên cứu cơ bản. Sự cạnh tranh để được nhận vào làm việc tại đây rất cao. Nữ giáo sư nghiên cứu tập sự Minh Thùy cũng chia sẻ đó là "cơ hội trong mơ" và chị rất hào hứng với công việc mới.

Trước khi đến OHSU, năm 2008 chị Minh Thùy nghiên cứu sinh thạc sĩ tại Hà Lan và là người đầu tiên phát hiện ra sự thay đổi trạng thái phân tử của nước và lipid trên bề mặt khi tương tác với DNA. Năm 2010, khi làm tiến sĩ tại Đại học tổng hợp Illinois ở Urbana - Champaign (Mỹ), chị lại phát triển phương pháp để đồng thời quan sát và điều khiển một hệ đơn phân tử phức tạp là nucleosome. Chị đã chứng minh bằng thực nghiệm quy luật vật lý để điều khiển độ bền cơ học, chiều đóng mở của đơn vị cấu trúc cơ bản DNA là nucleosome.

Tiếp tục làm nghiên cứu sau tiến sĩ tại Đại học Stanford, TS Minh Thùy được giáo sư Stephen Quake - người phát minh chip tích hợp dùng trong y sinh, phương pháp xét nghiệm bệnh down không xâm lấn, nhận vào làm việc ở phòng thí nghiệm.

"Những đề tài nghiên cứu của tôi thuần túy thuộc về khoa học cơ bản. Nó đóng góp thêm cho hiểu biết của nhân loại về những cơ chế cơ bản trong tương tác qua lại của những phân tử sinh học như nước, lipid, DNA và protein", nữ giáo sư tập sự nói. Quãng thời gian làm nghiên cứu chưa dài, nhưng với Minh Thùy, nó là kết quả của hơn 20 năm đèn sách, theo đúng nghĩa đen. Cho đến những năm cuối cấp 3, chị vẫn thường xuyên phải đốt đèn dầu học bài đêm khuya.

"Cấp 3 tôi sống cùng ông bà nội trong ngôi làng ở Thái Nguyên cách trường học 12km, hơn nửa là đường đất. Lúc đó, đường dây điện trong làng còn kém nên mỗi khi mưa gió, điện bị cắt, tôi phải thắp đèn học đêm", chị Thùy kể. Nữ giáo sư tập sự cho biết, khó khăn nhất vẫn là những ngày mùa đông mưa phùn gió bấc. Trong khi các bạn cùng làng đều lên phố huyện học trọ, Minh Thùy vẫn ở làng vì nghĩ lên đại học sẽ chẳng được sống với ông bà nữa.

"Còn mình tôi ở làng, sáng phải dậy sớm, buộc túi bóng ở chân lọ mọ đạp xe lội qua những đoạn đường đất lầy lội đi học từ khi mặt trời chưa mọc. Sợ nhất là đi một mình trong đêm qua cánh đồng bạt ngàn không bóng người. Có lẽ vì thế mà sau này tôi không còn ngại khó khăn gì nữa", nữ giáo sư tập sự chia sẻ.

Tò mò với sự kỳ diệu của sinh học, Minh Thùy chuyển từ nghiên cứu Vật lý sang Lý sinh.
Tò mò với sự kỳ diệu của sinh học, Minh Thùy chuyển từ nghiên cứu Vật lý sang Lý sinh. (Ảnh: NVCC).

Đỗ vào lớp kỹ sư tài năng Đại học Bách khoa Hà Nội (năm 2002) rồi trở thành thủ khoa đầu ra của toàn khối khóa 47, Ngô Thị Minh Thùy sau đó nhận được học bổng nghiên cứu sinh thạc sĩ 2 năm (2007-2009) tại Hà Lan; học nghiên cứu tiến sĩ ngành Lý Sinh (năm 2009) ở Mỹ.

Thích làm những công trình nghiên cứu mạo hiểm, cần nhiều thời gian có thể kéo dài 4-5 năm, Ngô Thị Minh Thùy từng chịu áp lực lớn khi nộp hồ sơ xin học bổng vì không có bài báo xuất bản. Quá trình làm tiến sĩ chị bị từ chối học bổng đến 3 lần. "Cũng may tôi nhận được hỗ trợ tài chính toàn phần từ giáo sư nên đủ kiên nhẫn ấp ủ những công trình nghiên cứu của mình cho đến khi đủ chín và đăng trên những tạp chí lớn", TS Thùy nói.

Hiện TS Minh Thùy có 6 bài báo quốc tế đăng trên các tạp chí Cell năm 2015 (impact factor 35.532, xếp loại nhất trong số 1.878 tạp chí thế giới chuyên ngành Lý Sinh); Nano Letters (impact factor 13.779); Journal of American Chemical Society (impact factor 12.113)... Chị đồng thời 3 lần đoạt giải Best Poster, Best Talk trong những hội nghị chuyên ngành về Lý sinh, Sinh học tính toán (năm 2014, đại học Illinois), hội nghị Trung Mỹ về di truyền học năm 2014...

Là bà mẹ 2 con (bé gái 6 tuổi và bé trai 2 tuổi), Ngô Thị Minh Thùy dành 8 giờ ban ngày để nghiên cứu sau đó trở về mái ấm chăm sóc những em bé của mình. Mỗi buổi tối, khi con đã ngủ say, chị lại làm việc thêm ở nhà hoặc quay lại trường làm thí nghiệm. Lúc con ốm phải nghỉ làm, chị sẽ dành cuối tuần nghiên cứu bù lại. Chị may mắn có chồng (đang làm việc tại công ty Intel ở thành phố Portland, Mỹ) đồng cảm và chia sẻ với vợ.

"Mỗi người đều chỉ có 24 tiếng một ngày nên tôi nghĩ phải chọn làm những gì mình thấy là quan trọng. Ngoài thời gian dành cho gia đình, tôi cảm thấy vui nhất lúc vò đầu suy nghĩ giải quyết những thí nghiệm khó nhằn, trả lời các câu hỏi khoa học hóc búa. Với tôi, công việc là niềm vui nên không cảm thấy có gì nặng nề", nữ giáo sư nghiên cứu tập sự chia sẻ.

Cập nhật: 08/03/2017 Theo VnExpress
  • 1.056