Núi lửa Iceland có gây họa cho loài người?

  •  
  • 662

Trước việc núi lửa Eyjafjallajokull ở Iceland phun trào làm hàng loạt các chuyến bay ở châu Âu bị đình trệ, một số nhà khoa học lo ngại ngọn núi này có thể gây tai họa cho nhiều nước.

Lo ngại này không phải không có cơ sở: cách đây hơn 200 năm, núi lửa Latki, cũng ở Iceland, từng gây nên mất mùa và nạn nói lan rộng tại châu Âu. Dưới đây là ý kiến của các nhà khoa học Việt Nam về nguyên nhân và tác động của núi lửa ở Iceland.

Ông Ngô Thường San, Tổng hội địa chất: Có thể do thay đổi trục trái đất

Núi lửa Eyjafjallajokull ở Iceland từng ngừng hoạt động hàng trăm năm. Việc núi này hoạt động trở lại với quy mô rất lớn như vừa qua có thể bắt nguồn từ sự thay đổi trục quay của trái đất. Chính sự thay đổi bất thường này làm xáo trộn cấu trúc của thành phần địa chất núi lửa, khiến nó hoạt động trở lại.

GS Phạm Ngọc Đăng, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam: Không khí nhiễm kim loại nặng

Tro bụi của núi lửa ở Iceland lần này có khả năng bay đi rất xa, ảnh hưởng đến nhiều quốc gia. Trong thành phần khói bụi còn có khí H2S, NH4... dễ cháy, khiến trường nhiệt độ trong đám khói bụi duy trì lâu hơn. Người dân trong vùng bị ảnh hưởng của tro bụi sẽ phải đối mặt với nền nhiệt độ cao bất thường, nhà cửa bị thiêu trụi, hệ sinh thái bị huỷ diệt, đất đai bị đốt nóng thành đất trơ, không thể canh tác trong hàng trăm năm. Ngoài ra, về lâu dài, kim loại nặng lơ lửng trong không khí còn có thể gây bệnh hô hấp trong một thời gian dài. 

Không chỉ làm đình trệ các chuyến bay, núi lửa Eyjafjallajokull có thể gây nên mùa đông dài bất thường. Ảnh: Wikipedia.com


ThS Phan Kim Hoàng, ĐH Khoa học Tự nhiên TP HCM: Không ảnh hưởng tới Việt Nam

Các đám mây bụi do núi lửa Eyjafjallajokull chỉ ảnh hưởng chủ yếu ở khu vực châu Âu, không thể đến Việt Nam. Gần đây nhiều nhà khoa học đưa ra ý kiến, núi lửa có thể làm thay đổi khí hậu, ảnh hưởng đến sự tuyệt chủng của một số loài... Nhưng theo tôi, hoạt động núi lửa chỉ xảy ra ở những nơi nhất định và gần như có chu kỳ và nếu có ảnh hưởng, tối đa chỉ 10% diện tích trái đất, không thể lớn hơn.

Ông Nguyễn Xuân Khiển, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản: Quy luật khí quyển bị thay đổi

Quá trình phun trào của núi lửa đã đưa vào khí quyển một lượng khí và bụi khổng lồ, tồn tại ở đó hàng tháng, thậm chí hàng năm và lan tỏa trên diện rộng. Điều này có thể làm thay đổi quy luật tuần hoàn chung của không khí trong khí quyển. Các vật liệu núi lửa lơ lửng này có khả năng một mặt hấp thụ một phần bức xạ của mặt trời, mặt khác tạo điều kiện cho nó phản xạ lại không trung, làm cho nhiệt độ không khí bị giảm, gây nên mùa đông kéo dài bất thường.

Theo Báo Đất Việt
  • 662