Nước ngọt ăn kiêng hay nước ép hoa quả vẫn có khả năng làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường

  •  
  • 398

Nếu bạn hỏi một chuyên gia dinh dưỡng: "Đâu là cách dễ dàng nhất nhưng lại hiệu quả nhất để giữ gìn hoặc cải thiện sức khỏe?", câu trả lời là: Kiêng và tránh uống các loại đồ uống có đường.

Nhưng đối với nhiều người, để kiêng được các loại đồ uống quen thuộc này, họ sẽ cần phải có lựa chọn thay thế. Trong trường hợp này, nước ngọt sử dụng chất ngọt nhân tạo (không chứa calo) thậm chí là nước ép trái cây đều không phải lựa chọn đúng đắn.

Thoạt nghe, những đồ uống này có vẻ lành mạnh. Nhưng nghiên cứu chỉ ra nước ép trái cây và nước ngọt ăn kiêng (diet) đều làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường type 2. Vậy bạn nên đổi đồ uống có đường sang loại thức uống nào?

Nếu kiêng nước ngọt có đường thì bạn nên chuyển sang uống gì?

Nước ngọt ăn kiêng (diet) làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường type 2.
Nước ngọt ăn kiêng (diet) làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường type 2.

Nước lọc, trà và cà phê

Theo nghiên cứu kéo dài bốn năm mới được công bố trên tạp chí Diabetes Care, việc chuyển từ đồ uống có đường sang cà phê, nước lọc hoặc trà có thể giúp giảm 10% nguy cơ mắc tiểu đường type 2. Ngược lại, tăng tiêu thụ đồ uống có đường thêm hơn một nửa khẩu phần mỗi ngày có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh cao hơn 16% chỉ sau bốn năm.

Nghiên cứu được thực hiện bởi Trường Y tế Cộng đồng T.H. Chan thuộc Đại học Harvard. Trong đó, các nhà khoa học đã sử dụng dữ liệu chế độ ăn uống được cung cấp bởi gần 160.000 phụ nữ và 35.000 nam giới.

Những người tham gia đã hoàn thành các cuộc điều tra chế độ ăn uống bốn năm một lần trong tối đa 26 năm để cung cấp cho các nhà nghiên cứu thông tin về lối sống và sức khỏe tổng thể của họ. Các nhà nghiên cứu sau đó theo dõi những thay đổi trong thói quen tiêu thụ đồ uống liên kết với cân nặng và sức khỏe của người tham gia.

Kết quả mà họ tìm thấy, thói quen uống đồ uống có đường làm tăng nguy cơ thừa cân và phát triển bệnh tiểu đường type 2. Cả hai điều này đều không đáng ngạc nhiên, vì các loại đồ uống có đường như soda chứa rất nhiều calo rỗng, là calo không kèm chất dinh dưỡng. Đây là yếu tố chính dẫn đến tăng cân và gây ra bệnh tiểu đường type 2.

Nhưng nghiên cứu cho thấy tác động làm tăng nguy cơ tiểu đường type 2 từ thói quen tiêu thụ đồ uống có đường gần như độc lập với hiệu ứng tăng cân. Những thay đổi về trọng lượng cơ thể chỉ chiếm khoảng 28% mối quan hệ giữa tiêu thụ đồ uống có đường và nguy cơ mắc tiểu đường.

Điều này dự đoán có thể một yếu tố nào khác đang tham gia vào quá trình phát triển bệnh. Một giả thuyết được đặt ra là đồ uống có đường dẫn đến sự tích tụ chất béo trên gan, một tình trạng có thể làm gián đoạn hoạt động của insulin.

Đừng nghĩ nước ngọt ăn kiêng hay nước ép hoa quả là lành mạnh

Một phát hiện ngạc nhiên hơn mà các nhà khoa học báo cáo, đó là việc uống các loại nước ngọt ăn kiêng, nước ngọt diet (chứa chất ngọt nhân tạo không calo) cũng làm tăng 18% nguy cơ mắc tiểu đường type 2. Mặc cho loại đồ uống này thường bị nhầm tưởng là lành mạnh, nguy cơ mà nó tạo ra còn cao hơn cả đồ uống có đường.

Ngoài ra tiêu thụ nước ép trái cây, dù là nước ép 100% nguyên chất cũng có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao hơn. Họ viết trong báo cáo của mình rằng loại đồ uống này nên được coi như là một loại nước ngọt. Nước ép trái cây không hề bổ dưỡng tương đương với việc ăn trái cây cả quả, bởi nó đã bị loại bỏ chất xơ, thành phần làm chậm quá trình hấp thụ đường từ hoa quả vào máu.

Đồng tác giả nghiên cứu Jean-Philippe Drouin-Chartier, một nghiên cứu sinh sau tiến sĩ chuyên ngành dinh dưỡng tại Trường Y tế Cộng đồng T.H. Chan thuộc Đại học Harvard cho biết: "Trường hợp duy nhất mọi người nên đổi nước ngọt sang đồ uống ăn kiêng, là những bệnh nhân có vấn đề về y tế được bác sĩ chỉ định".

Ngoài ra, những người khác khi đổi từ nước ngọt có đường sang nước ngọt ăn kiêng không làm suy chuyển đáng kể nguy cơ mắc bệnh tiểu đường của họ.

Cập nhật: 30/11/2019 Theo Trí Thức Trẻ
  • 398