Cá mú (còn gọi là cá song) có thịt thơm ngon, giàu dinh dưỡng, là đặc sản được tiêu thụ tại nhiều nhà hàng và là mặt hàng xuất khẩu có giá trị kinh tế cao.
Do tập tính sống trong môi trường có nguồn nước lưu thông thường xuyên nên đa số người nuôi thường thả cá vào lồng, bè treo dưới biển. Song, hình thức nuôi này khá tốn kém, cá thường xuyên chịu ảnh hưởng của môi trường nước bên ngoài có nhiều biến động do xả lũ, áp thấp nhiệt đới, bão, các chất thải tàu khai thác vào neo đậu. Do vậy, nuôi cá mú trong ao đất là niềm hy vọng mới cho bà con ngư dân vì chi phí đầu tư vừa phải, hệ số thức ăn thấp, cá ít bị bệnh.
Ao nuôi: Rộng 500 - 5.000m2, cải tạo kỹ, vét bùn đáy, lấp kín hang hốc, nếu có điều kiện trải bạt càng tốt, tránh cá đào hang quanh bờ.
Giống: Có thể thả cá giống được thu gom tự nhiên cỡ 5 - 7cm hoặc 10 - 15cm, hoặc chọn cá sinh sản nhân tạo; cá không sây sát, dị hình; màu sắc tươi sáng, hoạt động nhanh nhẹn.
Mật độ: Đây là loài cá dữ, có thể ăn thịt lẫn nhau khi thiếu mồi, nên thả ở mật độ thưa, từ 1 - 3 con/m2.
Môi trường nước: Thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường nước, giữ các chỉ số ổn định trong giới hạn thích hợp, bảo đảm cho cá phát triển bình thường. Độ mặn 10 - 23‰, pH 7,5 - 8,5, độ trong 30 - 45cm, NH3 0 - 0,008 mg/l, độ kiềm 60 - 100 mg/l.
Cho ăn, quản lý và chăm sóc: Hàng ngày cho ăn bằng cá tạp tươi như cá cơm, cá trích... Cá tạp rửa sạch, cắt khúc vừa miệng cá. Tháng đầu cho ăn 3 lần /ngày, lượng thức ăn bằng 10% trọng lượng cá. Các tháng tiếp theo cho ăn 2 lần /ngày, cho ăn trên sàng đặt dưới ao. Hàng ngày kiểm tra sàng 2 lần để tránh tình trạng thức ăn dư thừa làm ô nhiễm nguồn nước ao. Khi cá ăn mạnh, trộn thêm vitamin C và men tiêu hoá định kỳ vào thức ăn, cho ăn liên tục 5 ngày, sau đó cách 5 ngày cho ăn tiếp.
Trong ao bố trí chà và các ống nhựa có đường kính 10 - 20 cm cho cá trú ẩn, hạn chế cá tấn công nhau gây sây sát, nhiễm bệnh. Định kỳ thu mẫu bằng cách vớt những ống nhựa lên để kiểm tra sức khoẻ cũng như tốc độ tăng trưởng của cá.
Phòng bệnh: Việc phòng bệnh phải được đặt lên hàng đầu, nhất là đối với loài ăn thức ăn tươi như cá mú. Công việc này phải tiến hành ngay từ đầu để giảm bớt rủi ro trong quá trình nuôi.
Cần làm tốt những việc sau: Ao nuôi phải nằm gần nguồn nước, có độ mặn, pH thích hợp cho đối tượng, cấp - thoát nước dễ dàng. Nguồn nước ngọt phải đầy đủ để xử lý cá bệnh khi cần. Thường xuyên thu mẫu kiểm tra tình trạng sức khoẻ cá, xem vây, mang, da, mắt để kịp thời phát hiện bệnh và xử lý.
Bệnh do virút (siêu vi trùng): Nguyên nhân có thể do lây truyền mầm bệnh từ bố mẹ. Cá bị sốc bởi các yếu tố môi trường như thay đổi đột ngột về pH, độ mặn, các vật chất hữu cơ tăng cao làm mất sức đề kháng, là điều kiện tốt cho mầm bệnh trong cơ thể phát triển.
Dấu hiệu: Cá bơi xoay tròn và yếu dần, màu sắc thân tối, mang lợt màu, mắt lồi có màu vàng. Bệnh gây chết hàng loạt khi nuôi ở mật độ quá dày, thường thấy ở cá nuôi bè, hiện nay chưa có thuốc đặc trị.
Bệnh ghẻ (lở loét): Do vi khuẩn tấn công gây lở loét ở da, vây. Đây là các tác nhân cơ hội gây bệnh cho cá khi sức khoẻ suy yếu do thiếu sự chăm sóc hay do môi trường biến động lớn.
Dấu hiệu: Các vây bị thối rữa, xuất huyết dưới da gây lở loét.
Cách trị:
- Tắm cá trong nước ngọt 15 - 20 phút, có sục khí.
- Tắm cá bằng dung dịch oxytetracyline 30ppm (30g thuốc cho vào 1.000 lít nước ngọt), có sục khí.
Bệnh do ký sinh trùng: Do các sinh vật tương đối lớn như protozoa, giáp xác, giun ký sinh ở mang, da, mắt gây khó chịu và làm cá chậm lớn.
Dấu hiệu: Cá tập trung lại gần nơi có nước chảy, cá cọ mình vào vật cứng, da bị tổn thương, mang lợt màu.
Cách trị:
- Tắm cá trong dung dịch formol 200mg/l trong 30 - 40 phút, có sục khí.
- Tắm cá trong dung dịch ôxy già 150mg/l trong 30 phút, có sục khí.
- Tắm cá trong dung dịch đồng sunfat 0,5mg/l trong 30 phút, có sục khí.
Trường hợp xử lý ngay trong ao để ngâm cần tháo bớt nước, dùng 1/2 liều lượng nêu trên, xử lý trong 1 - 3 giờ, sau đó cấp thêm nước mới, ngày hôm sau thay 30% nước.
Thu hoạch: Tuỳ theo cỡ giống thả mà thời gian nuôi khác nhau, từ 6 đến10 tháng. Khi cá đạt trọng lượng 0,6 - 1 kg/con, dùng lưới vây thu lần thứ nhất, sau đó tháo cạn nước thu toàn bộ. Nên kéo lưới lúc trời mát để ít ảnh hưởng đến cá, chuẩn bị các dụng cụ như thau, chậu, máy sục khí để bảo đảm chất lượng cá thương phẩm.