Nuôi cá mú trong ao đất

  •   2,33
  • 4.190

Hiện nay, việc chọn nuôi cá mú trong ao luân canh với tôm sú nhằm cải tạo môi trường hoặc chuyển hẳn các ao nuôi tôm kém hiệu quả sang nuôi cá mú là khá phù hợp. Qua mô hình thử nghiệm nuôi cá mú trong ao đất được thực hiện tại trại thực nghiệm CADET Bình Đại, tỉnh Bến Tre bước đầu đạt kết quả khá tốt.

Mô hình được triển khai vào tháng 7/2005 trong ao nuôi tôm sú đã lâu được cải tạo lại và thả nuôi 5.600 con cá mú cỡ khoảng 40 con/kg từ nguồn sinh sản nhân tạo. Sau 8 tháng nuôi (tức vào tháng 3/2006) tiến hành thu tỉa cá có trọng lượng từ 0,6 - 1,2 kg và đến tháng 9/2006 tiếp tục thu đợt 2. Tổng sản tượng là 2.377 kg và tỷ lệ sống đạt khoảng 60% với giá bán 80.000-110.000 đ/kg.

Tuy cá mú không khó nuôi nhưng để đạt hiệu quả người nuôi cũng cần phải biết những yêu cầu kỹ thuật sau:

1. Ao nuôi

Phải có nguồn nước sạch đảm bảo độ mặn, độ sâu ao nuôi giữ được mức nước trên 1,4m, ao nuôi có có ống cấp thoát nước riêng biệt và có cống xả đáy.

2. Cải tạo ao

Thực hiện nghiêm túc quy trình cải tạo ao nuôi cá thông thường: Tát cạn, vét bùn đáy, chỉ để lớp bùn dày 5-10 cm, bón vôi với liều lượng 7-10 kg/100m2, phơi ao trong thời gian 5-10 ngày. Sau đó lấy nước vào ao, diệt cá dữ bẵng các loại thuốc diệt cá.

Có thể chuẩn bị thức ăn tự nhiên bằng cách thả ghép cá rô phi trong ao trước khi thả giống 15-20 ngày, thả cá rô phi bố mẹ với liều lượng 10kg/1.000m2 (tỷ lệ đực cái là 1:3)

3. Chọn và thả giống

Cá không dị tật, màu sắc tươi sáng, không bị sây sát, lở loét trên thân. Cá bơi nhanh nhẹn và chạy thành đàn. Cá giống phải đạt kích cỡ từ 3 cm trở lên. Nên chọn cá giống có kích cỡ lớn 6-8 cm để thả nuôi sẽ rút ngắn thời gian do bỏ qua giai đoạn thuần dưỡng. Mật độ thả nuôi: 0,5-1 con/m2. Khi thả giống nên chọn thời điểm lúc trời mát. Có thể tắm cho cá bằng thuốc tím với liều lượng 30ppm trong 3-5 phút hoặc Iodine với liều lượng 10ppm trong 2-3 phút.

Thuần dưỡng cá: Nếu giống cá đem về có kích thước nhỏ và chưa quen ăn sàng thì tập ăn cho cá bằng cách thả cá vào bể hoặc giai ương (đảm bảo chế độ sục khí và thay nước), cho cá ăn ngày 2-3 lần (cỡ thức ăn phải vừa miệng cá), cho ăn bằng cách rải thức ăn ở những nơi cố định trong bể hoặc giai ương. Sau 15-20 ngày bắt đầu đặt sàng vào bể hoặc giai ương và thả thức ăn vào đó cá sẽ vào sàng ăn. Khi thấy cá vào sàng nhiều (trên 90%) và ăn mạnh là lúc có thể đưa cá xuống ao nuôi.

4. Thức ăn và cách cho cá ăn

Có thể dùng thức ăn công nghiệp hoặc tươi sống. Nếu là cá tươi thì khâu bảo quản phải đảm bảo không để cá ươn, thối làm cá nuôi dễ nhiễm bệnh. Kích cỡ thức ăn phải phù hợp với từng giai đoạn phát triển của cá. Cho ăn bằng sàng ăn, lúc cá nhỏ nên sử dụng nhiều sàng, khi cá lớn có thể giảm bớt số lượng sàng. Khẩu phần cho ăn: 2-10% trọng lượng thân. Thời gian từ lúc thả đến lúc 2 tháng tuổi cho ăn khoảng 8-10% trọng lượng đàn cá sau đó giảm dần đến lúc thu hoạch còn khoảng 20% trọng lượng đàn cá. Lúc cá lớn có thể điều chỉnh thức ăn theo nhu cầu dựa vào lượng thức ăn còn lại trên sàng ăn. Số lần cho ăn 2 lần/ngày.

5. Chăm sóc và quản lý

Luôn đảm bảo chế độ thay nước theo thuỷ triều. Nếu cá lớn với mật độ dày nên có chế độ quạt nước về đêm. Khi thay nước nên kiểm tra độ mặn và không thay nước khi trời mưa to rất dễ làm cá bị bệnh.

Thường xuyên kiểm tra những bất thường trên cá.

6. Phòng bệnh

Treo vôi tại những nơi cho cá ăn, mỗi túi vôi khoảng 10-15kg. Tăng cường sức đề kháng cho cá nuôi bằng vitamin C, Premix hoặc men tiêu hoá.

7. Thu hoạch

Trong quá trình thu hoạch nên có bể giữ cá với hệ thống sục khí mạnh. Khi kéo cá lên đưa vào bể để cho cá khoẻ và quen môi trường chật hẹp nhằm giảm tỷ lệ hao hụt khi vận chuyển. Cũng có thể sử dụng đá lạnh để thả vào bể giữ cá để hạn chế hoạt động của cá nhằm tránh sây sát nâng cao giá trị cá thương phẩm.

Theo Website Hội Nông dân Việt Nam, KH KT NN
  • 2,33
  • 4.190