Nuôi chó mèo không khoa học có thể gây bệnh

  •  
  • 2.391

Nuôi chó mèo thả rong có nguy cơ nhiễm ấu trùng Toxocara Canis (giun đũa chó), Toxocara Cati (giun đũa mèo) sang người. Khi bị nhiễm ấu trùng giun, người bệnh có thể bị sốt, gầy ốm, ho kéo dài. Nếu ấu trùng phát triển ở hệ thần kinh trung ương, tim, phổi sẽ dẫn đến tình trạng co giật, phù não, nhức đầu kéo dài…

Ấu trùng Toxocara Canis - giun đũa chó
Ấu trùng Toxocara Canis - giun đũa chó (Ảnh: wellcome.ac.uk)
Theo tiến sĩ Trần Thị Hồng, Chủ nhiệm khoa Ký sinh trùng thuộc Trung tâm Đào tạo và bồi dưỡng cán bộ tế TP Hồ Chí Minh, nuôi chó mèo, thú cưng hiện đang là một trào lưu mới của người dân TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, đa số người dân vẫn nuôi chó mèo một cách tự nhiên (chủ yếu là thả rong) không có sự chăm sóc của thú y. Cách nuôi này là nguy cơ tiềm ẩn của bệnh do ấu trùng Toxocara Canis (giun đũa chó), Toxocara Cati (giun đũa mèo).

Đây là bệnh khá phổ biến trên thế giới cũng như ở Việt Nam và rất nguy hiểm do triệu chứng lâm sàng không rõ ràng, dễ nhầm lẫn với các bệnh khác; bệnh chỉ có thể phát hiện khi thực hiện xét nghiệm huyết thanh chẩn đoán ký sinh trùng.

Tại các bệnh viện (BV) TP Hồ Chí Minh, mỗi năm có khoảng 200 trường hợp bị bệnh giun đũa chó mèo.
Trong đó có rất nhiều ca nhập viện với tình trạng bệnh nặng: sốt, ói, mê sâu, rối loạn hành vi, động kinh, liệt nửa người… Riêng ở BV Nhi đồng 2 TP Hồ Chí Minh, từ đầu năm đến nay đã có trên 20 ca nhập viện, ngoài những biểu hiện lâm sàng thể nặng trên, một số ca còn có hiện tượng xuất bầm máu, xuất huyết dưới da…

Bác sĩ Trần Phẩm Diệu, Phó khoa Nội tổng hợp 4 BV Nhi đồng 2, cho biết: Bệnh giun đũa chó mèo gây ra bởi một loại giun tròn sống trong ruột chó, mèo. Trứng theo phân chó mèo ra ngoài, phát triển thành trứng có phôi nhiễm trong đất, gây ô nhiễm môi trường. Trứng cũng có thể bị người nuốt, đặc biệt là ở trẻ em hay nghịch đất, hay ôm ấp chó mèo lại không thường xuyên rửa tay trước khi ăn, ăn rau sống rửa không kỹ. Trứng giun đũa chó hay mèo vào ruột non người nở thành ấu trùng, xâm nhập thành ruột, theo đường máu phát tán khắp cơ thể như cơ, não, mắt, tim…

Khi xâm nhập vào cơ thể người, ấu trùng không có giai đoạn trưởng thành mà chỉ là ấu trùng và đi đến cơ quan nào thì đóng kén tại cơ quan đó, gây viêm và kích thích tạo u hạt thâm nhiễm bạch cầu ái toan, và không bao giờ bài tiết trứng theo phân. Khi bị nhiễm ấu trùng giun đũa chó mèo, người bệnh có thể bị sốt, xanh xao, gầy ốm, ho khò khè kéo dài. Ở thể nặng, khi ấu trùng định vị ở những nơi như hệ thần kinh trung ương, tim, phổi sẽ dẫn đến tình trạng co giật toàn thể hóa, phù não, nhức đầu kéo dài, liệt nửa người, liệt chi dưới, viêm não - màng não và có thể gây giảm thị lực dẫn đến lé mắt, mù mắt nếu không phát hiện kịp thời.

Trước phong trào nuôi chó mèo ngày càng tăng, để tránh nguy cơ bùng phát bệnh giun đũa chó mèo theo trào lưu này, các bác sĩ, nhà chuyên môn đã có lời cảnh báo không nên cho trẻ em tiếp xúc quá nhiều với chó mèo, nghịch đất, ăn đất; nên nuôi chó mèo với chế độ chăm sóc của thú y tốt như: kiểm tra định kỳ và điều trị giun cho chó mèo; nên rửa kỹ rau sống trước khi ăn và không ăn lòng heo, gà nấu không kỹ.

Theo Sài Gòn giải phóng, Nhân dân
  • 2.391