Dù nuôi dạy con cái trong nền văn minh nào, các ông bố bà mẹ vẫn gặp phải những thử thách giống nhau. Vì thế, những lời khuyên từ thời kim tự tháp mới xây hay thời Lưỡng Hà cổ đại vẫn có thể áp dụng đến tận ngày nay.
Dù lịch sử La Mã cổ đại gợi lên hình ảnh những đội quân diễu binh chinh phạt lãnh thổ mới, hình ảnh các hoàng đế tham vọng thâu tóm quyền lực hay những đấu sĩ khát máu trên võ đài, thì các bậc cha mẹ xứ này vẫn lặng lẽ chịu trách nhiệm thế tục nuôi dạy con cái.
Đối với dân chúng thuộc tầng lớp thấp ở La Mã cổ đại, một đứa trẻ trong gia đình khi lớn lên có thể là phương tiện thay đổi vận mệnh. Vì vậy việc đầu tư vào đứa trẻ đó có thể được bù đắp.
Quintus Sulpicius Maximus là cậu bé 11 tuổi sống trong thế kỷ đầu tiên ở La Mã cổ đại. Là con trai của những cựu nô lệ nhưng Quintus có sở trường về thơ Hy Lạp, và được cha mẹ khuyến khích phát triển tài năng. Nhưng trước khi Quintus có cơ hội để trở thành Ovid (nhà thơ nổi tiếng La Mã cổ đại) tiếp theo, ông đã qua đời vào năm 94 sau Công nguyên. Theo bức tượng mà cha mẹ đau buồn của ông để lại thì nguyên nhân cái chết là làm việc quá sức.
Bài học đạo đức của câu chuyện là gì? Đừng để con của mình làm việc quá sức.
Nếu có một người từ thế giới cổ đại mà bạn có thể xin lời khuyên về bất cứ thứ gì thì đó chính là Khổng Tử. Thậm chí dù rất bận rộn với việc dạy dỗ học sinh và nghiên cứu về đạo đức, công bằng, chính trị và nhiều thứ khác nữa, Không Tử vẫn dành một ít thời gian để truyền đạt một vài lời khuyên cho các đấng sinh thành.
Theo Phó giáo sư thần học Erin Cline thuộc Đại học Georgetown (Mỹ), những học trò của Khổng Tử sơ khai đã hiểu, không thua gì các bậc cha mẹ hiện đại, rằng trẻ có thể được quyết định cá tính, nhân cách từ những năm tháng đầu đời. Do vậy, người nuôi dưỡng trẻ có ảnh hưởng rất lớn đến cuộc đời bé sau này. Lời khuyên của ông dành cho các ông bố bà mẹ là "dạy con từ thuở còn thơ", đặc biệt là giáo dục trẻ bằng truyện ngụ ngôn.
Theo cuốn sách “Ai Cập và người Ai Cập” của hai tác giả Mỹ Douglas J. Brewer và Emily Teeter, con trai và con gái cơ bản được nuôi lớn để đỡ đần cho cha mẹ khi họ già đi. Ngày trước, tuổi thọ người dân Ai Cập cổ đại tương đối ngắn, đặc biệt là tầng lớp nông dân, với trung bình 33 tuổi ở nam giới và chỉ khoảng 29 tuổi ở phụ nữ. Sự giáo dục chính thức nói chung không có, nên hầu hết bọn trẻ học về đạo đức, tôn giáo và nhiều thứ khác tại nhà.
Và không giống như người La Mã cổ đại và những xã hội gia trưởng khác thời đó, người Ai Cập trao quyền thừa kế cho cả con trai và con gái trong gia đình. Trong đó, con trai lớn nhất có trách nhiệm quan trọng nhất là mai táng cha mẹ. Như vậy, cha mẹ thời hiện đại nên học cách công bằng khi nuôi dạy các con của mình, và cho con biết bổn phận sau này của chúng.