Từ 29/4 đến nay, tại khu I, thị trấn Di Linh, huyện Di Linh đã xảy ra hiện tượng nứt đất với vết nứt dài khoảng 200m, bề rộng vết nứt có nơi đến 5cm.
Ngày 3/5, trao đổi với phóng viên báo Đất Việt, TS Đỗ Văn Lĩnh, Phó liên đoàn trưởng Liên đoàn Bản đồ địa chất miền Nam cho biết, nứt đất tại địa điểm này có liên quan đến đứt gãy Bảo Lâm – Tam Hiệp có biểu hiện hoạt động trở lại. Đứt gãy Bảo Lâm – Tam Hiệp là đứt gãy vuông góc với hai đới đứt gãy lớn Đa Nhim – Biên Hòa và Tuy Hòa – Biên Hòa.
Nứt đất xảy ra tại Hiệp An gây hư hại nhà dân. (Ảnh: Thái Ngọc).
Đây là hai đứt gãy lớn nhất đi qua địa bàn tỉnh Lâm Đồng và có nguy cơ xảy ra động đất lớn nhất đến 5,5 độ richter. Tuy nhiên, do các áp lực trong lòng đất đã được giải phóng ra qua hiện tượng nứt đất nên gần như không thể xảy ra động đất, nhưng vẫn cần phải theo dõi thêm.
Trước đó vào năm 2002, tại xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng (cách điểm nứt đất tại Di Linh gần 60 km) cũng đã xảy ra hiện tượng nứt đất và sau đó đến năm 2005 lại lặp lại một lần nữa. Chiều rộng của khe nứt ở vùng này đến 25cm, không chỉ nhà của người dân trong thôn bị nứt mà một trường tiểu học đang xây dựng trong vùng đã phải bỏ. Cứ theo kịch bản tại xã Hiệp An, thì nứt đất đang xảy ra tại Di Linh còn có thể xảy ra nữa.
Ngoài thiệt hại về cơ sở vật chất, gây hoang mang cho người dân, mực nước ngầm cũng có thể thay đổi trong thời gian tới. Không chỉ Hiệp An trước đó và bây giờ là thị trấn Di Linh, mà nhiều vùng của tỉnh Lâm Đồng còn có thể xảy ra nứt đất. Để hiểu rõ hơn chu kỳ hoạt động và dự báo được hiện tượng trên cần phải có sự đầu tư để nghiên cứu sâu hơn.
TS Đỗ Văn Lĩnh hiện đang có đề tài nghiên cứu “Tai biến địa chất những vùng có nguy cơ nứt đất, trượt lở đất, lũ quét trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng”.