Tình trạng ô nhiễm không khí gia tăng có thể làm giảm hơn 5 năm tuổi thọ của mỗi người dân ở Nam Á, một trong những khu vực ô nhiễm nhất thế giới.
Sương mù dày đặc ở Lahore, Pakistan. (Ảnh: AP).
Báo cáo trên nhấn mạnh gánh nặng ngày càng tăng của không khí độc hại đối với sức khỏe con người.
Viện Chính sách Năng lượng (EPIC) của Đại học Chicago cho biết, khu vực Nam Á bao gồm các quốc gia ô nhiễm nhất thế giới như Bangladesh, Ấn Độ, Nepal và Pakistan, chiếm hơn một nửa tổng số năm sống bị giảm đi do ô nhiễm trên toàn cầu.
Ô nhiễm không khí nặng ở Dhaka, Bangladesh. (Ảnh: AP).
Thực trạng công nghiệp hóa nhanh chóng và dân số tăng đã góp phần làm giảm chất lượng không khí ở Nam Á, nơi mức độ ô nhiễm dạng hạt hiện cao hơn 50% so với đầu thế kỷ và đang làm lu mờ những nguy hiểm do các mối đe dọa sức khỏe lớn hơn gây ra.
Theo nghiên cứu, sử dụng dữ liệu vệ tinh để tính toán tác động của việc gia tăng hạt siêu mịn trong không khí, người dân ở Bangladesh, quốc gia ô nhiễm nhất thế giới, có thể mất trung bình 6,8 năm tuổi thọ mỗi người, so với 3,6 tháng ở Mỹ.
Buổi tối đầy sương mù ở Kathmandu, Nepal. (Ảnh: AP).
Báo cáo cho biết, Ấn Độ chịu trách nhiệm cho khoảng 59% mức độ ô nhiễm không khí gia tăng trên thế giới kể từ năm 2013, và không khí độc hại có nguy cơ rút ngắn cuộc sống hơn nữa ở một số khu vực ô nhiễm hơn của nước này. Tại thủ đô New Delhi đông dân, siêu thành phố ô nhiễm nhất thế giới, tuổi thọ trung bình đã giảm hơn 10 năm.
Báo cáo cho biết, việc giảm mức độ các hạt bụi mịn trong không khí gây hại cho phổi, được gọi là PM2.5, xuống mức được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị có thể giúp tăng tuổi thọ trung bình thêm 2,3 năm đối với mỗi người, hoặc tổng cộng 17,8 tỷ năm sống cho toàn bộ người dân Ấn Độ.
Phương tiện di chuyển trong sương mù ở New Delhi, Ấn Độ. (Ảnh: AP).
Theo báo cáo, tuổi thọ trung bình của mỗi người dân ở Pakistan sẽ tăng thêm 3,9 năm khi nước nay đáp ứng các hướng dẫn của WHO về giới hạn nồng độ PM2.5 trung bình hàng năm ở mức 5 microgam/m3. Trong khi đó, một người ở Nepal sẽ sống lâu hơn 4,6 năm nếu khuyến nghị này được đáp ứng.
Cũng theo báo cáo, Trung Quốc đã nỗ lực giảm ô nhiễm 42,3% từ năm 2013 đến năm 2021, đồng thời nhấn mạnh, các chính phủ cần tạo ra cơ sở dữ liệu chất lượng không khí có thể truy cập được, qua đó giúp thu hẹp tình trạng bất bình đẳng toàn cầu trong việc tiếp cận các công cụ chống ô nhiễm.