Tuy đã gây ra hàng chục ca tử vong kể từ khi được phát hiện cuối năm ngoái, loại virus corona mới có nguồn gốc từ Trung Đông (gọi tắt là MERS-CoV), khó có thể gây ra đại dịch.
>>> WHO họp khẩn bàn cách chống virus bí ẩn giống SARS
Mặc dù nhận định như vậy trên tạp chí y khoa The Lancet số ra ngày 5/7, song các nhà khoa học Pháp vẫn cảnh báo cần hết sức cảnh giác trong trường hợp virus này biến thể.
Theo một nhóm nghiên cứu thuộc Viện Pasteur của Pháp, các phân tích chỉ ra rằng MERS-CoV khó có nguy cơ trở thành đại dịch, song ngành y tế các nước cần nêu cao cảnh giác và tiếp tục truy tìm nơi trú ẩn trong tự nhiên của virus này, đặc biệt là ở gia cầm.
MERS-CoV thuộc chủng corona (dạng vành), bao gồm các loại virus có khả năng gây cảm lạnh và viêm phổi tương tự virus gây Hội chứng viêm đường hô hấp cấp (SARS) bùng phát năm 2003. Bệnh SARS sau đó đã nhanh chóng lây lan thành đại dịch toàn cầu, cướp đi sinh mạng của hơn 800 người.
Kể từ khi xuất hiện lần đầu tiên năm 2012, Hội chứng Hô hấp Trung Đông (MERS) đã khiến 43 người thiệt mạng, trong đó có 36 người ở Arập Xêút. Cách thức lây lan của MERS khá giống các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp khác như cúm, nghĩa là qua môi trường không khí.
Cũng giống như SARS, hội chứng MERS gây viêm phổi và người nhiễm virus này sẽ có các triệu chứng như sốt cao, ho và khó thở. Tuy nhiên, không giống như SARS, virus MERS-CoV có thể gây suy thận cấp, một triệu chứng hiếm gặp đối với các loại virus khác gây nhiễm trùng đường hô hấp.
Trưởng nhóm nghiên cứu, ông Arnaud Fontanet nhấn mạnh: "Một trong những bài học chính mà chúng ta rút ra được từ đại dịch SARS là nếu được chế ngự ngay từ giai đoạn đầu, có thể ngăn chặn được bất kỳ loại virus nào lây lan ra khắp thế giới".