Bắp cải là loại rau rất quen thuộc và phát triển mạnh vào mùa đông. Thế nhưng, đây lại là loại rau bổ dưỡng, vừa dùng để ăn, chữa bệnh, vừa dùng để làm đẹp...
Thành phần dinh dưỡng và lượng vitamin trong bắp cải nhiều gấp 4,5 lần so với cà rốt và 3,6 lần so với khoai tây. Ngoài ra, vitamin A và P trong cải bắp kết hợp với nhau làm cho thành mạch máu bền vững hơn. Trong cải bắp còn có các chất chống ung thư như sulforaphane, phenethyl isothiocyanate và indol-33 carbinol. Tuy nhiên, còn rất nhiều tác dụng của bắp cải khác mà chúng ta ít biết tới:
Sắt là một thành phần giúp thúc đẩy quá trình hình thành của các tế bào hồng cầu, do đó tránh được các triệu chứng của bệnh thiếu máu. Tiêu thụ cải bắp kết hợp với nước cam hoặc nước bưởi có khả năng tối ưu hóa sự hấp thụ chất sắt từ bắp cải.
Bắp cải và các loại rau cùng họ có chứa một chất có thể chống lại tế bào ung thư trong cơ thể. Chúng là những chất kích thích các enzym để kiềm chế tốc độ tăng trưởng khối u. Nghiên cứu ở Trung Quốc cũng chỉ ra rằng những phụ nữ tiêu thụ một số lượng nhất định các loại rau như bắp cải, bông cải xanh giảm nguy cơ của các triệu chứng ung thư vú.
Lượng vitamin trong bắp cải cao hơn nhiều loại rau củ khác.
Loại rau thuộc họ cải này có chứa một nhóm chất được gọi là glucosinolate, là những hợp chất có chứa lưu huỳnh. Chúng bị phân hủy trong cơ thể để tạo thành các hợp chất hoạt tính sinh học như isothiocyanates, indoles, nitriles và thiocyanates có tác dụng chống ung thư.
Theo các nghiên cứu, indoles và isothiocyanates đã được phát hiện có khả năng ngăn chặn sự phát triển của nhiều loại ung thư bao gồm ung thư bàng quang, đại tràng, vú, gan, phổi và dạ dày.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng bắp cải có chứa sulforaphane, một hợp chất chứa lưu huỳnh có khả năng ức chế một loại enzyme nguy hiểm gọi là histone deacetylase (HDAC). Enzyme này chịu trách nhiệm về sự phát triển của tế bào ung thư.
Theo một nghiên cứu khác, bắp cải đỏ sở hữu một chất chống oxy hóa mạnh gọi là anthocyanin, (một hợp chất tạo màu sắc cho trái cây và rau quả), chất này đã được chứng minh là có tác dụng làm chậm sự nhân lên của các tế bào ung thư.
Rau bắp cải có tác dụng gì khác nữa ? Hàm lượng kali trong bắp cải rất nhiều, tốt cho sức khỏe tim mạch và duy trì lưu thông máu khỏe mạnh đồng thời tránh tắc nghẽn các mạch máu đến tim. Kali cũng là một hợp chất tốt để làm giảm các triệu chứng của bệnh tăng huyết áp. Hàm lượng kali cao trong bắp cải là một trong những loại thực phẩm được khuyến cáo tốt cho bệnh tăng huyết áp.
Không chỉ trái cây như cam, nho hoặc táo mới có nhiều vitamin C, trong bắp cải cũng có rất nhiều loại vitamin này, do đó công dụng của bắp cải còn là làm cho hệ thống miễn dịch phát triển mạnh hơn. Vitamin C cũng rất tốt cho chăm sóc sức khỏe làn da
Bắp cải là một trong những loại rau tốp đầu được đề nghị cho những người muốn giảm cân một cách tự nhiên lành mạnh. Bắp cải có chứa rất nhiều thành phần hữu ích của vitamin, khoáng chất và chất dinh dưỡng khác. Bạn có thể ăn bắp cải với số lượng lớn vì nó có hàm lượng chất xơ đủ cao và ít calo, nó sẽ không làm tăng trọng lượng của bạn.
Do có chứa hàm lượng vitamin C và lưu huỳnh cao, bắp cải có thể giúp loại bỏ độc tố (gốc tự do). Các gốc tự do là một trong những nguyên nhân chính của bệnh viêm khớp, bệnh ngoài da, bệnh thấp khớp và bệnh gút.
Bắp cải hoặc các loại rau họ cải là nguồn cung cấp rất nhiều vitamin K.
Bắp cải hoặc các loại rau họ cải là nguồn cung cấp rất nhiều vitamin K và anthocyanin có thể giúp cho sức khỏe tâm thần và sự tập trung của não bộ. Các dưỡng chất này cũng có thể ngăn ngừa tổn thương thần kinh, giúp ngăn ngừa bệnh Alzheimer và chứng mất trí. Vì vậy, bắp cải rất có lợi cho sức khỏe não bộ của bạn.
Bắp cải là một nguồn giàu rau quả có chứa beta-carotene. Hầu hết mọi người, đặc biệt là những người có tuổi, thường xuyên ăn bắp cải cho họ khả năng ngăn chặn sự thoái hóa điểm vàng và có thể cải thiện sức khỏe mắt cũng như ngăn ngừa đục thủy tinh thể. Chất beta carotene theo một số nghiên cứu có thể giảm ung thư tuyến tiền liệt.
Bắp cải có chất chống viêm và là một nguồn chính glutamine. Glutamine là một chất chống viêm mạnh, vì vậy, ăn bắp cải có thể làm giảm tác dụng của các bệnh như viêm, kích ứng, dị ứng, đau khớp, sốt và các rối loạn về da.
Bắp cải chứa các khoáng chất như canxi, magiê và kali. Khoáng chất này được biết đến với khả năng duy trì sức khỏe của xương.
Nghiền lá bắp cải và đặt nó trên trán cũng có thể giảm đau đầu.
Sử dụng lá bắp cải như một miếng gạc ấm có thể giúp giảm đau đầu. Hơn nữa, nghiền lá bắp cải và đặt nó trên trán cũng có thể giảm đau đầu. Đối với bệnh đau đầu mạn, uống nước ép bắp cải (25-50ml) có thể giúp xóa bỏ những cơn đau đầu.
Lợi ích của bắp cải còn giống như việc ăn các loại rau khác, bắp cải cũng là một loại rau giúp việc đại tiện dễ dàng do có nhiều hàm lượng chất xơ trong rau.
Axit folic rất quan trọng đối với sự phát triển của thai nhi, vì vậy, cho phụ nữ mang thai ăn bắp cải giúp hỗ trợ nhu cầu dinh dưỡng axit folic.
Cải bắp chứa lượng nhỏ goitrin làm bướu cổ to lên, tuyến giáp phình ra. Do đó chỉ nên ăn một lượng bắp cải vừa phải, cắt từng lá, ngâm rửa rồi thái nhỏ, sau khoảng 10-15 phút mới chế biến để goitrogen bị phân hủy hết.
Theo nghiên cứu, trong bắp cải chứa khá nhiều axit oxalic. Nếu ăn quá nhiều bắp cải thì axit oxalic sẽ kết hợp với các chất dinh dưỡng bên trong cơ thể như kali, magie, sắt, canxi… tạo thành muối oxalate, có khả năng gây lắng đọng ở thận, làm tăng khả năng hình thành sỏi ở thận.
Bởi vậy, các bệnh nhân bị suy thận nặng hoặc phải chạy thận nhân tạo tuyệt đối không nên ăn bắp cải.
Đối với với người khỏe mạnh, nên cắt nhỏ bắp cải và nấu kỹ để giảm thiểu lượng axit oxalic.
Dưa bắp cải muối chua. (Ảnh: Vietnam+).
Ăn bắp cải sống dễ sinh đầy bụng, đặc biệt đối với người bị đau dạ dày. Do đó, tuyệt đối không nên ăn sống, nếu ăn thì phải nấu chín.
Theo Đông y, bắp cải là thực phẩm có tính hàn, do đó, những người có tạng hàn hay bị lạnh tay chân, lạnh bụng khi ăn đồ mát cần hạn chế ăn bắp cải. Nếu vẫn muốn ăn bắp cải thì khi chế biến nên cho thêm một nhánh gừng tươi để trung hòa tính hàn trong bắp cải.
Người đang bị dị ứng ăn nhiều bắp cải, đặc biệt là dưa bắp cải muối chua, sẽ càng làm trầm trọng hơn tình trạng dị ứng hoặc xuất huyết dưới kết mạc. Nguyên nhân do hàm lượng histamine trong dưa bắp cải có khả năng gây ngứa, xung huyết, chảy nước mắt và nước mũi.
Bắp cải chứa vitamin K, một chất có khả năng kích thích đông máu. Do đó, người dùng thuốc chống đông máu như warfarin cũng nên hạn chế hoặc tránh ăn bắp cải.
Bắp cải cũng có thể tương tác với các loại thuốc khác, bao gồm oxazepam (Serax) và thuốc điều trị bệnh tiểu đường.
Chuyên gia dinh dưỡng khuyến nghị người bình thường nên ăn rau bắp cải 3-4 lần/tuần để tận dụng được các lợi ích của loại rau này, bởi mặc dù bắp cải cung cấp nhiều chất dinh dưỡng, nhưng nếu chỉ dựa vào nó sẽ hạn chế lượng vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa thiết yếu khác trong chế độ ăn uống của bạn.
Bạn cần hướng đến chế độ ăn đa dạng kết hợp nhiều loại rau và trái cây nhiều màu sắc để đảm bảo nhận được đầy đủ các chất dinh dưỡng. Hãy nhớ rằng chế độ ăn uống cân bằng và đa dạng mới là nền tảng cho sức khỏe tốt.