Pháp: Cấm quan chức chính phủ sử dụng Blackberry

  •  
  • 186

Chính phủ Pháp chính thức ra lệnh cấm nhân viên nội các chính phủ và các bộ sử dụng các loại thiết bị cầm tay không dây BlackBerry để giao dịch, trao đổi, gởi và nhận thư điện tử liên quan tới công việc trong khu vực các bộ và văn phòng chính phủ.

Pháp cảnh báo những thông tin được trao đổi qua thư điện tử dùng bằng các loại máy này có nguy cơ bị theo dõi, nghe lén, đọc trộm. Bởi lẽ các nội dung được gởi bằng hệ thống này đều phải đi qua hệ thống máy chủ tại Mỹ và Anh và rất có thể sẽ bị cơ quan tình báo của những nước này mở và ngăn chặn hoặc đánh cắp thông tin.

Báo Le Monde nói Chính phủ Pháp sợ hệ thống của BlackBerry có lỗi, tạo cơ hội cho các cơ quan an ninh quốc gia của Anh, Mỹ rình mò. AP dẫn lời Nghị sĩ Pháp Pierre Lasbordes nói: "Hiện nay chúng tôi là bạn với cả người Mỹ và Anh, nhưng điều phải quan tâm ở đây là cuộc chiến tranh về kinh tế chứ không chỉ là việc tin tưởng lẫn nhau".

Theo Nghị sĩ Lasbordes: "Nếu chỉ viết thư thông thường thì không có vấn đề gì. Nhưng thử tưởng tượng một bộ trưởng đến dự hội nghị G8 hay G7, hay một cuộc gặp tại Brussels (Bỉ), gởi thông tin cho đồng nghiệp, và thông tin ấy bị đọc trộm tại Canada, Mỹ thì mọi chuyện coi như xong".

Alain Juillet, lãnh đạo Cục Tình báo kinh tế Pháp khẳng định với báo Le Monde: "BlackBerry chứa đựng vấn đề về bảo mật thông tin và sự rủi ro của việc bị nghe lén là có thật".

Tuy nhiên, công ty Research in Motion (RIM) tại Canada, nhà sản xuất BlackBerry phủ nhận việc thông tin có thể bị đọc lén. RIM khăng khăng rằng bất cứ cơ quan an ninh nào cũng không thể đọc lén được thư điện tử BlackBerry. Các thư điện tử này được mã hoá cẩn thận hơn cả những trang web về ngân hàng.

Nghị sĩ Lasbordes, người được cựu Thủ tướng Dominique de Villepin uỷ quyền xem xét vấn đề này vào năm 2005, cho biết ông đã báo động cho chính phủ về khuyết điểm của loại máy móc này 18 tháng trước đây. Ông đã thảo luận với RIM về vấn đề này trước khi viết báo cáo cho Chính phủ Pháp. RIM cũng đồng ý với ông rằng có một mức độ không an toàn nhất định trong việc bảo vệ thông tin khi sử dụng hệ thống thư điện tử này. RIM hứa: "Vấn đề sẽ được giải quyết, và có thể sẽ mất hơn một năm".

Vấn đề còn lại là, Pháp cấm sử dụng BlackBerry, nhưng không nói rõ phải sử dụng loại nào để thay thế. Trong khi đó ông Severin Naudet, phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng quả quyết không có một loại thiết bị cầm tay nào mà không có mức độ rủi ro.

Kim Dung

 
Theo AP, Sai Gon Tiep Thi
  • 186